Kết quả Hội nghị Biến đổi khí hậu tại Cancun: chậm mà chắc

Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc được bắt đầu với những mục tiêu khiêm tốn, và đã kết thúc sớm hôm thứ 7 vừa rồi với những kết quả cũng... khiêm tốn. Nhưng dù những biện pháp được triển khai sau hội nghị này sẽ không đem lại những tác động lớn tới tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, lòng tin của cộng đồng quốc tế vào một lộ trình hợp tác giải quyết vấn nạn chung đã được cải thiện đáng kể.

Thỏa thuận đạt được lần này thấp hơn nhiều so với những gì các nhà khoa học kêu gọi nhằm tránh những hậu quả nguy hiểm do biến đổi khí hậu trong các thập kỷ tới. Tuy nhiên kết quả đã đặt nền tảng cho những biện pháp mạnh mẽ hơn trong tương lai, nếu như các quốc gia có thể tránh được sa đà vào những cuộc tranh cãi gay gắt, vốn vẫn luôn phá vỡ các cuộc đàm phán về chính sách đối phó biến đổi khí hậu trong những năm gần đây.  

Các Thỏa ước Cancun lần này sẽ cho 190 quốc gia tham dự hội nghị 1 năm để quyết định liệu có gia hạn Nghị định thư Kyoto, thỏa ước gây nhiều tranh cãi từ năm 1997, trong đó yêu cầu đa số các nước giàu phải cắt giảm khí thải đồng thời cung cấp hỗ trợ để những nước đang phát triển có thể theo đuổi những nguồn năng lượng sạch hơn trong tương lai.  

Thỏa ước đạt được lần này không phải là một hiệp ước trói buộc, nhưng sẽ giúp đạt được một đồng thuận bền vững hơn trong hội nghị về biến đổi khí hậu năm tới tại Durban, Nam Phi.

“Đây không phải là một sự kết thúc mà là một khởi đầu”, nhận định từ Christiana Figueres, nhà ngoại giao của Costa Rica đồng thời là Tổng thư ký Cơ sở Hiệp ước của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu. “Nó chưa đạt được kết quả cần thiết cuối cùng, nhưng là nền tảng cơ bản để xây dựng những tham vọng chung lớn hơn”. 

Thỏa ước mới đã lập ra được một quỹ giúp các nước nghèo thích nghi với biến đổi khí hậu, tạo ra cơ chế chuyển giao công nghệ sạch, và đền bù cho những cam kết cắt giảm khí thải được đưa ra trong hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc tại Copenhagen vào năm ngoái. 

Hội nghị lần này đã thông qua gói giải pháp, bất chấp sự phản đối của Bolivia, quốc gia cho rằng thỏa thuận lần này là chưa đủ. Đại diện của Bolivia, Pablo Solón, cho rằng mức độ khí thải như trong thỏa thuận lần này sẽ làm tăng nhiệt độ thêm 4 độ C trong vòng nửa thế kỷ tới, tức là gấp 2 lần mức mong muốn được đặt ra trước hội nghị, và đem nguy cơ lớn đến hàng triệu người ở những nước nghèo nằm trong vùng bị ảnh hưởng. 

Tuy nhiên, đại diện từ những nước ở biển đảo và các nước kém phát triển bày tỏ sự ưng ý với thỏa thuận mới, vì nó sẽ kích hoạt cho hàng tỷ USD hỗ trợ giúp các nước này triển khai những hệ thống năng lượng sạch, và thích nghi với các vấn đề biến đổi khí hậu, ví dụ như tình trạng nước biển dâng hay hạn hán.

Nhưng điều còn chưa rõ là liệu 100 tỷ USD hỗ trợ hàng năm mà các nước giàu đã hứa hẹn cung cấp, thực sự sẽ đến từ đâu.

Todd Stern, đại diện của Mỹ, nói rằng gói giải pháp mới đã đạt được đa số những gì ông ta mong muốn, trong đó bao gồm một cam kết mạnh mẽ hơn từ mọi quốc gia tham dự trong việc xúc tiến cắt giảm khí thải nhà kính và một chương trình hợp tác quốc tế chính thức hơn trong công tác báo cáo và kiếm chứng cắt giảm ở từng quốc gia. Như vậy là nó bổ sung những điểm cụ thể cần thiết vào những thỏa thuận mơ hồ đạt được từ Thỏa thuận Copenhagen. 

“Đây là một bước tiến đáng kể cho lộ trình đạt được từ Copenhagen”, ông nói trong một cuộc họp báo sau khi gói giải pháp được thông qua. “Nó thành công trong việc củng cố những cam kết từ Thỏa ước Copenhagen và cải thiện tính minh bạch của thỏa ước này với rất nhiều nội dung chi tiết.” 

Ông Stern vẫn luôn nhấn mạnh đòi hỏi thỏa ước mới phải bao gồm một công thức nhất quán để các quốc gia có thể dung làm căn cứ công bố mức khí thải của mình và báo cáo về các biện pháp mà họ tiến hành để cắt giảm mức thải này, trong đó cung cấp đầy đủ những miêu tả về phương pháp luận cũng như các giả định kinh tế. Mặc dù những nước đang phát triển quan trọng như Trung Quốc, Brazil, và Nam Phi từng lo ngại về tính áp đặt của hệ thống này, nhưng ông Stern đã xây dựng được một giải pháp mà họ thấy chấp nhận được. 

Yvo de Boer, người sẽ nghỉ trong năm nay sau 4 năm làm Tổng thư ký Văn phòng về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc, cho rằng thành công của hội nghị năm nay chủ yếu là do những mục tiêu khiêm tốn được đặt ra từ đầu. 

“Người ta không trông đơi từ nó những bước nhảy vọt”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn. “Thay vào đó là những bước nhỏ”. Và tôi thà được thấy bước tiến nhỏ tại Cancun hơn là khi cộng đồng quốc tế vấp ngã trong nỗ lực đạt được một bước tiến lớn”. 

“Những kết quả lần này tất nhiên là sẽ không thay đổi Thế giới một cách đáng kể”, nhận xét từ Michael A. Levi, chuyên gia theo dõi các vấn đề đối ngoại tại New York. “Thỏa ước tại Cancun đáng được hoan nghênh không phải vì nó giải quyết được tất cả, mà vì nó đã không cố gắng làm như vậy: nó tập trung vào những tiến trình của Liên Hợp quốc có tiềm năng thành công cao nhất, và tạm né những lĩnh vực nơi Liên Hợp quốc đang lâm vào ngõ cụt”. 

(John Collins Rudolf, New York Times)

 

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)