Khai thác hiệu quả Vườn ươm công nghệ tại Cần Thơ
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tại TP. Cần Thơ là vốn quý của quốc gia, phải được khai thác hiệu quả trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tới thăm Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tại Thành phố Cần Thơ hồi tháng 6/2016. Ảnh: VGP/Thành Chung
Chiều ngày 7/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì buổi họp về tháo gỡ khó khăn về tổ chức, hoạt động của vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc của TP. Cần Thơ.
Dự án Vườn ươm công nghệ này là kết quả từ chương trình hợp tác toàn diện giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. Tổng vốn đầu tư của Vườn ươm là hơn 21 triệu USD, trong đó có nguồn đối ứng của Cần Thơ là 3,43 triệu USD nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp không chỉ cho Thành phố mà cả vùng ĐBSCL. Từ quý III/2015, Vườn ươm này đã đi vào hoạt động.
Vườn ươm được đặt ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2 với diện tích 4,5 ha gồm khối tòa nhà văn phòng, khối phòng thí nghiệm và khối sản xuất thử nghiệm với tổng diện tích sàn là hơn 13.000 m2. Hiện Hàn Quốc đã tài trợ trang thiết bị cho 3 ngành: Cơ khí, chế biến nông sản, chế biến thủy sản.
Tới nay, Cần Thơ cũng ban hành đầy đủ các khung khổ pháp lý cho sự hoạt động của Vườn ươm này. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc vẫn chưa hoàn thành chủ trương đầu tư về hỗ trợ chuyên gia vận hành, cung cấp gói thiết bị cho nghiên cứu khoa học còn lại cho Vườn ươm.
Để khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp, tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1193/QĐ-TTg về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Vườn ươm như các chính sách ưu đãi đặc thù về chính sách thuế, tín dụng đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực đối với Vườn ươm và các doanh nghiệp ươm tạo công nghệ,…
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương đánh giá đây là vườn ươm lớn nhất Việt Nam và đã hoàn thành khá đầy đủ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho ươm tạo, khởi nghiệp sáng tạo.
Tuy nhiên, tới nay hoạt động của Vườn ươm còn hạn chế, đặc biệt là trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham gia ươm tạo. Đến nay, Vườn ươm mới thu hút được 3 doanh nghiệp tham gia ươm tạo với số vốn đầu tư là hơn 17 tỷ đồng, diện tích lấp đầy là 200 m2/hơn 13.000 m2. Nguyên nhân là do thiếu chuyên gia Hàn Quốc hỗ trợ điều hành, các thiết bị hỗ trợ hoạt động ươm tạo chưa được phía Hàn Quốc bổ sung. Ngoài ra là một số vướng mắc liên quan tới chính sách ưu đãi chưa đạt được như tại Quyết định số 1193 của Thủ tướng Chính phủ.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc tại Cần Thơ là vốn quý của Vùng ĐBSCL và cả nước, là một thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia và Quốc hội chuẩn bị thông qua dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để hoạt động của Vườn ươm hiệu quả hơn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán với phía Hàn Quốc để thúc đẩy hỗ trợ các gói tài chính mua sắm trang thiết bị, cử chuyên gia chuyển giao kỹ thuật điều hành Vườn ươm cho Cần Thơ. Bộ Công Thương rà soát lại các nội dung của Quyết định số 1193 để xác lập mô hình hoạt động của Vườn ươm theo hướng hoạt động tự chủ, có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước để hỗ trợ hoạt động cho Vườn ươm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Bộ Tài chính rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với pháp luật hiện hành, áp dụng thí điểm cho Vườn ươm.
Bộ KH&CN hỗ trợ về chuyên gia tư vấn về quy trình ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực liên quan cho Vườn ươm. Bên cạnh đó, Vườn ươm cũng cần tìm cơ chế sử dụng chuyên gia khoa học từ các trường đại học trên địa bàn TP. Cần Thơ; xây dựng hệ thống dữ liệu các chuyên gia, dữ liệu về công nghệ và tăng cường truyền thông, quảng bá để kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân trong nước và cả nước ngoài tới ươm tạo, khởi nghiệp.