Khi nào người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho gạo “xanh”?
Để trả lời câu hỏi đó, một nghiên cứu mới đây khảo sát về mối tương quan giữa kiến thức về biến đổi khí hậu và mức độ sẵn sàng chi trả của người tiêu dùng đối với các loại gạo “xanh” - được chứng nhận là sản xuất bền vững (SRP) tại các siêu thị Việt Nam.
Để trả lời câu hỏi đó, một nghiên cứu mới đây khảo sát về mối tương quan giữa kiến thức về biến đổi khí hậu và mức độ sẵn sàng chi trả của người tiêu dùng đối với các loại gạo “xanh” – được chứng nhận là sản xuất bền vững (SRP) tại các siêu thị Việt Nam.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, sản xuất lúa phát thải thấp ở Việt Nam có thể giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo từ 50–60%. Giảm phát thải trong sản xuất lúa gạo có ý nghĩa quan trọng, vì hiện nay sản xuất lúa gạo chiếm 48% lượng phát thải khí nhà kính và hơn 75% lượng khí thải methane của toàn ngành nông nghiệp. Để thúc đẩy sản xuất bền vững, thì phía cầu – khả năng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm lúa gạo được sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững của người tiêu dùng là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn ít khảo sát về nhận thức của người tiêu dùng đối với loại gạo được sản xuất bền vững ở Việt Nam, cũng như ở các nước có thu nhập trung bình tương tự.
Trong công bố “The influence of climate change knowledge on consumer valuation of sustainably produced rice in Vietnam” [Ảnh hưởng của kiến thức về biến đổi khí hậu đến đánh giá của người tiêu dùng đối với gạo sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững ở Việt Nam] trên tạp chí Sustainable Production and Consumption*, các tác giả đã khảo sát có 410 người tiêu dùng, trong đó tập trung vào hầu hết nữ giới ở tầng lớp trung lưu, vì nữ thường đảm trách việc chi trả cho các khoản nội trợ.
Những người tham gia khảo sát cho biết họ sẵn sàng trả trung bình 25.870 VNĐ (tối thiểu = 13.000 tối đa = 50.000 VNĐ) (tương đương 1,12 USD) cho 1 kg gạo được chứng nhận và dán nhãn gạo đạt tiêu chuẩn sản xuất bền vững. Như vậy, mức giá trung bình mà người tiêu dùng trả lời có thể mua được gạo có chứng nhận “xanh” có thể tăng 29% so với cùng loại gạo không có logo chứng nhận SRP (với mức giá trung bình là 20.000 đồng/kg (0,87 USD).
Nghiên cứu cũng có bộ câu hỏi đánh giá về hiểu biết của người tiêu dùng với các vấn đề về khí hậu, môi trường, đạo đức sản xuất, và cho thấy sự sẵn sàng chi trả cho gạo dán nhãn SRP chịu ảnh hưởng của các yếu tố như thu nhập hộ gia đình và các yếu tố kiến thức về biến đổi khí hậu, môi trường, học vấn của người tiêu dùng.
Nhìn chung, thu nhập càng cao thì càng thúc đẩy người tiêu dùng trung lưu chi trả cho các sản phẩm thực phẩm cao cấp. Đồng thời, càng hiểu biết sâu hơn về tác động của phát thải khí nhà kính và hiệu ứng khí nhà kính thì người tiêu dùng càng sẵn sàng trả nhiều hơn cho gạo được chứng nhận SRP. Hơn nữa, kiến thức về hậu quả của biến đổi khí hậu cũng có thể là một yếu tố dự báo quan trọng về mức độ sẵn sàng chi trả của người tiêu dùng cho gạo được dán nhãn SRP.
Đồng thời, khi mua gạo, người tiêu dùng cũng chú ý tới các yếu tố: sản xuất có đạo đức là yếu tố được quan tâm hàng đầu, tiếp theo là sản xuất sinh thái và sản xuất phát thải nhất.
Nhóm nghiên cứu đánh giá, kết quả này có ý nghĩa về chính sách và thị trường trong việc mở rộng quy mô sản xuất và tiêu thụ gạo tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất bền vững được chứng nhận.
Trước nghiên cứu này, cũng có một số khảo sát cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm gạo hoặc thực phẩm “xanh” với mức giá cao hơn. Một khảo sát năm 2018 cho thấy, người tiêu dùng trong nước sẵn sàng trả thêm 9% cho loại gạo được sản xuất bền vững được chứng nhận, hoặc tăng lên tới 33% khi được cung cấp thông tin chi tiết về chứng nhận và truy xuất nguồn gốc được cung cấp.□
———-
* https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S235255092200032X