Khởi động dự án đổi mới sáng tạo 110 triệu USD

Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ” (FISRT) do Bộ KH&CN chủ trì thực hiện với vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) đã chính thức được khởi động bằng một hội thảo về những tiềm năng và thách thức của dự án sáng 7/11 tại Hà Nội.

Đây là lần đầu WB hỗ trợ một dự án trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo ở Việt Nam với mục đích xây dựng và thí điểm triển khai một số chính sách góp phần hoàn thiện khung chính sách quốc gia khuyến khích phát triển KH&CN; nâng cao năng lực của các tổ chức KH&CN theo hướng chủ động gắn kết với nhu cầu của thị trường và các doanh nghiệp; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo công nghệ trong doanh nghiệp, thúc đẩy sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp KH&CN.

Theo ông Trần Quốc Thắng, Giám đốc Dự án, FIRST trị giá 110 triệu USD, trong đó 100 triệu là vốn vay ưu đãi từ IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế) của WB với ân hạn 20 năm không lãi suất, chỉ tính phí dịch vụ (tương đương 0,75%/năm). 

Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá FIRST thể hiện sự “đầu tư đúng, đầu tư tới ngưỡng và đầu tư hợp thời” của Chính phủ Việt Nam nhằm biến đổi mới sáng tạo thành động lực chính của phát triển.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB Việt Nam, thì bày tỏ kỳ vọng thông qua FIRST sẽ kết nối mạng lưới các nhà khoa học Việt Nam vào mạng lưới các nhà khoa học toàn cầu, và dự án sẽ trở thành một hình mẫu cho các dự án tương tự trong tương lai ở Việt Nam và khu vực. “Tôi tin tưởng dự án sẽ là một dấu mốc tạo ra sự khác biệt trong tương lai,” bà Kwakwa nói.

FIRST kéo dài 5 năm, đến tháng 6/2019 với ba hợp phần: Hỗ trợ cơ sở hoạch định và thí điểm chính sách KH&CN (1); Hỗ trợ chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập và tăng cường liên kết doanh nghiệp với cộng đồng KH&CN (2); Nghiên cứu một số chính sách có liên quan trong quá trình thực hiện dự án (3).

Hợp phần 2 được đầu tư nhiều nhất, với 90 triệu USD, trong đó tiểu hợp phần hỗ trợ chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang mô hình tự chủ sẽ tài trợ cho 15 tổ chức KH&CN công lập, mỗi tổ chức từ 2 đến 4 triệu USD, để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực (bao gồm cả học tập ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài), mua sắm thiết bị, mua quyền sở hữu trí tuệ, và cải tạo hoặc sửa chữa nhỏ đối với các tòa nhà hiện có; còn tiểu hợp phần thúc đẩy liên kết đổi mới công nghệ giữa doanh nghiệp và cộng đồng KH&CN sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp spin-off, start-up tối đa 500 nghìn USD/doanh nghiệp để phát triển ý tưởng và nâng cao năng lực đổi mới công nghệ.

Một nội dung quan trọng của dự án là xây dựng thí điểm chính sách thu hút nhà nghiên cứu cứu giỏi người nước ngoài và người Việt ở nước ngoài, theo đó một cơ sở dữ liệu chi tiết về họ sẽ được xây dựng, quản lý và điều phối để có thể trở thành đầu mối thông tin, kết nối các tổ chức doanh nghiệp mỗi khi có nhu cầu hợp tác. Ngoài ra, sẽ có hai phương thức thí điểm được triển khai nhằm tạo điều kiện cho nhà nghiên cứu cứu giỏi người nước ngoài và người Việt ở nước ngoài làm việc với các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp Việt Nam trong ngắn hạn (sáu tháng) hoặc dài hạn (12 tháng) để thực hiện các chương trình R&D hoặc triển khai các dự án thành lập doanh nghiệp KH&CN tại Việt Nam. Mỗi đề xuất thuộc nội dung này được tài trợ tối đa 200 nghìn USD.

Theo chuyên viên cao cấp của WB, Trưởng nhóm công tác dự án FIRST – TS Suhas Parandekar – thập kỷ vừa qua, danh mục đầu tư của WB cho đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới vào khoảng 18,7 tỷ USD, trong đó nhiều nhất là dành cho khu vực Mỹ Latin. Tuy nhiên, có đến 1/3 số dự án đổi mới sáng tạo này đã thất bại và lý do chính là không tận dụng được hết các khoản tài trợ; quá trình xử lý và thủ tục bồi hoàn phức tạp đối với các khoản tài trợ; quy trình đấu thầu và lập kế hoạch không linh động; không tạo ra ảnh hưởng mang tính hệ thống về đổi mới sáng tạo mà chỉ có các ảnh hưởng ngắn hạn cho các doanh nghiệp được tiếp nhận tài trợ, ông Parandekar cho biết.

Cùng thời gian này, Việt Nam cũng đang tiến hành một dự án đổi mới sáng tạo khác là Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan IPP, vừa bước sang giai đoạn 2 (2014-2018) với kinh phí dự kiến khoảng 10 triệu euro từ vốn ODA của Phần Lan.

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)