Không để Việt Nam trở thành “bãi rác công nghệ”

Sau khi sửa đổi, bổ sung, Luật Chuyển giao công nghệ cần khắc phục tình trạng không kiểm soát được công nghệ và máy móc, thiết bị nhập khẩu, có thể biến nước ta thành một “bãi rác công nghệ” của thế giới...

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trình bày tờ trình Chính phủ về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CGCN. Ảnh: KH&PT

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN).

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CGCN tập trung vào 5 nội dung chính liên quan đến 16 Điều trên tổng số 61 Điều của Luật CGCN năm 2006. Các nội dung sửa đổi chủ yếu liên quan đến vấn đề về phát triển thị trường KH&CN; thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ; quản lý Nhà nước đối với hoạt động CGCN…

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, qua gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật CGCN đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ trong nước, ứng dụng các thành tựu tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế…

Tuy nhiên, đến nay bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi buộc chúng ta phải rà soát nội dung của Luật để có điều chỉnh phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu phát, những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

“Luật CGCN sau gần một thập kỷ đi vào cuộc sống đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập; chưa theo kịp được với xu thế cải cách, đổi mới trong phát triển kinh tế, KH&CN. Trước đòi hỏi của thực tiễn, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật CGCN là cần thiết và cấp bách nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, thu hút công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh thương mại hoá kết quả nghiên cứu và phát triển thị trường KH-CN”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CGCN khẳng định, Ban soạn thảo đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị dự án Luật và tiếp thu nhiều nội dung được đề xuất, đề nghị sửa đổi, bổ sung. Để chuẩn bị trình xin ý kiến Quốc hội về dự án Luật, Ban soạn thảo đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN; đánh giá, tổng kết việc thực hiện Luật CGCN năm 2006; đánh giá tác động của việc ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật CGCN; đã thực hiện đúng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Trước khi đi vào nội dung thảo luận, Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh cũng đã phân tích, làm rõ những vấn đề mà các đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi liên quan đến dự án Luật, nhất là các vấn đề về phát triển thị trường công nghệ; dịch vụ công nghệ; thương mại hóa công nghệ; việc khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quản lý Nhà nước về CGCN, tránh tình trạng không kiểm soát được công nghệ và máy móc, thiết bị nhập khẩu, có thể biến nước ta thành một “bãi rác công nghệ” của thế giới…

Phát biểu thảo luận về dự án Luật, ý kiến phát biểu của nhiều đại biểu cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CGCN phải được xây dựng trên tinh thần thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Việc sửa đổi Luật cần hướng tới mục đích cuối cùng là tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong nước và từ nước ngoài vào Việt Nam để cải thiện trình độ công nghệ quốc gia và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; từ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ; duy trì và phát huy lợi thế cạnh tranh để trụ vững trên thị trường nội địa, vươn tới thị trường khu vực và quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, trong xây dựng dự án Luật, cần hết sức quan tâm đến việc kế thừa các nội dung tiến bộ của Luật CGCN năm 2006, xác định, lựa chọn các vấn đề thực sự vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn tác động của Luật khi được ban hành.

Liên quan đến các nội dung sửa đổi, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và một số đại biểu đã nêu câu hỏi đối với Ban soạn thảo dự án Luật là: Việc sửa đổi 16 Điều trên tổng số 61 Điều của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 đã đủ chưa? Đã đáp ứng được các yêu mà thực tiễn đặt ra, những vấn đề tồn tại, hạn chế liên quan đến chuyển giao cần khắc phục hay chưa? Từ đó đặt vấn đề có nên sửa đổi toàn bộ Luật CGCN.

Đưa ra những dẫn chứng về các vụ việc ô nhiễm môi trường vừa qua liên quan đến những kẽ hở trong quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ, CGCN, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất dự án Luật cần có quy định cụ thể về những công nghệ nào cấm nhập, công nghệ nào hạn chế chuyển giao. Quan tâm tạo điều kiện trong việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến, phù hợp với Việt Nam và khắc phục tình trạng “lỗ hổng” trong kiểm soát công nghệ hiện nay, nhất là đối với việc kiểm tra sau chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, chính sách ưu tiên phát triển công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; quản lý đăng ký đối với hoạt động CGCN; việc thành lập, phát triển các trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ; hỗ trợ nhập khẩu công nghệ;… cũng là những vấn đề lớn được nhiều ý kiến đại biểu đề cập trong thảo luận.

Qua các câu hỏi, những vấn đề mà các đại biểu nêu lên đối với Ban soạn thảo dự án Luật và qua thảo luận, phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên họp, tiếp tục sửa đổi luật theo hướng toàn diện cũng như sửa đổi tên gọi của dự án Luật từ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CGCN như hiện nay thành Luật CGCN (sửa đổi), sớm trình Quốc hội xem xét.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)