Khuôn mẫu giới: Thủ phạm gây ra bất bình đẳng giới
Từ trước đến nay vấn đề bình đẳng giới hầu như chỉ được nhìn từ góc độ của nữ giới mà thiếu hiểu biết quan điểm thực sự của nam giới về vấn đề này cũng như căn nguyên thực sự phía sau của bất bình đẳng chính là khuôn mẫu giới đã định hình, bó buộc lấy mỗi giới. Tình trạng đó có thể khiến các chương trình vận động xã hội chưa thể nhắm đến “thủ phạm” đích thực gây bất bình đẳng giới, thậm chí là giới này “đổ lỗi” cho giới kia
PGS.TS Phạm Quỳnh Phương tại tọa đàm “’Chuẩn mực giới’ hay những ‘vòng kim cô’? – Góc nhìn từ lịch sử và các thảo luận đương đại trên mạng xã hội”. Ảnh: VGEM
Thực tế, trên các trang mạng xã hội, hai giới liên tục “gây hiềm khích” và đổ lỗi cho nhau rằng giới kia chính là thủ phạm gây ra bất bình đẳng. Nếu ở các không gian công cộng, hiếm có người đàn ông nào dám công khai đả phá bình đẳng giới, thì ở các không gian mạng xã hội có thể ẩn danh, nhiều người cất lên tiếng nói bức xúc của mình: “Lúc đi ăn đi chơi thì đòi nữ quyền, đàn ông phải trả tiền, phải gánh, phải mời. Lúc làm việc thì đòi bình đẳng, lương phải cao, việc nặng thì đẩy cho đàn ông làm. (…) Các chị khôn lắm đấy.” Còn nữ giới thì phản pháo: “Thế mới thấy đàn ông Việt Nam yếu đuối như thế nào, (…) Tới hiện tại, mới bình đẳng có hơn tí, đàn ông có trách nhiệm hơn tí, thì các ông đã áp lực, tự tử tăng cao, nọ kia.”
“Đây là phần chìm của tảng băng cần được lắng nghe để hiểu rõ hơn những khúc mắc và những thách thức của vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam”, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương cho biết tại tọa đàm “’Chuẩn mực giới’ hay những ‘vòng kim cô’? – Góc nhìn từ lịch sử và các thảo luận đương đại trên mạng xã hội” do ECUE, VGEM, sáng kiến của chính phủ Úc Investing in Women và Australian Aid phối hợp tổ chức ngày 4/3.
Trước đó, nhóm tác giả Phạm Quỳnh Phương, Lê Quang Bình và Nguyễn Minh Huyền đã tiến hành nghiên cứu “Khuôn mẫu giới và vấn đề việc làm: Một nghiên cứu về giới trẻ Việt Nam đương đại qua các thảo luận trên báo chí và mạng xã hội” nhằm hiểu hơn về thực trạng, tinh thần thực sự của xã hội chúng ta trước vấn đề bình đẳng giới và vì sao các cuộc vận động về bình đẳng giới lại giậm chân tại chỗ.
Theo PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, từ trước đến nay vấn đề bình đẳng giới chủ yếu chỉ được nhìn chủ yếu từ mỗi giới (chủ yếu từ góc độ của phụ nữ) và thiếu hiểu biết quan điểm thực sự của nam giới trong xã hội đương đại, cũng như nguyên nhân thực sự phía sau của bất bình đẳng. Các vận động xã hội và chính sách phải nhắm đến thủ phạm của bất bình đẳng giới là khuôn mẫu giới, chứ không phải do giới này hay giới kia gây ra. “Nếu các thảo luận xã hội, thậm chí các giải pháp chỉ tập trung vào phụ nữ thì có thể dẫn đến việc ngầm định nam giới là thủ phạm của bất bình đẳng, và từ đó nam giới có thể bị bỏ rơi trong tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới”, bà cho biết. Khi có “đích ngắm” chung (khuôn mẫu giới) thì việc có cả nam giới và phụ nữ tham gia giải quyết vấn đề chung sẽ khả thi và hiệu quả hơn.
Mặt khác, bà cũng cho biết các thảo luận trên mạng xã hội về bình đẳng giới đang tập trung vào việc phân công công việc (ai làm gì, làm nhiều hay ít, việc nặng hay nhẹ, việc quan trọng hay không quan trọng, việc phù hợp hay không phù hợp). Sự so sánh này không hợp lý, “vì nó phụ thuộc vào bối cảnh của từng gia đình và cảm nhận của từng cá nhân nên dẫn đến những căng thẳng và bế tắc khi tìm ra giải pháp”, bà Phương nhận định. Chính vì vậy, thúc đẩy bình đẳng giới không nên khuyến khích phụ nữ phấn đấu theo những tiêu chuẩn thành công của nam giới, cũng như bình đẳng giới trong lao động và nghề nghiệp không nhất thiết khuyến khích phụ nữ làm những công việc như nam giới, vì điều đó sẽ chỉ làm tăng lên gánh nặng cho phụ nữ trong bối cảnh những nền tảng có tính cấu trúc của xã hội chưa dễ thay đổi.
Nhìn chung, mặc dù hiện nay đã xuất hiện xu hướng gỡ bỏ các khuôn mẫu trong giới trẻ, nhưng phần đông cả hai giới đều vẫn nhập tâm trách nhiệm của mình, gồng mình lên để mang chiếc mặt nạ ‘nam tính’, ‘nữ tính’ ra ngoài xã hội. Trước những trông đợi của cộng đồng, con người luôn tự điều chỉnh, thậm chí hủy hoại cả bản tính tự nhiên, cố sức nam tính hóa hay nữ tính hóa để khớp với chuẩn mực của xã hội. Để hướng đến một xã hội Việt Nam bình đẳng, “chúng tôi đề nghị phải hướng đến việc ‘tháo khuôn’, cởi bỏ những khuôn mẫu giới đang đè nặng lên thực hành làm đàn ông và làm đàn bà”, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương kết luận.