Khuyến nông gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp
Nghiên cứu của TS. Trần Anh Thông (Trường Địa lý, Đại học Melbourne, Úc) và cộng sự đã cho thấy các thách thức mà những người làm khuyến nông đang gặp phải - như thiếu nguồn lực, kỹ năng và năng lực - để đáp ứng những nhu cầu của ngành nông nghiệp.
Nhóm nghiên cứu đã công bố các phát hiện của mình trong bài báo “How agricultural extension responds to amplified agrarian transitions in mainland Southeast Asia: experts’ reflections” được đăng tải trên tạp chí Agriculture and Human Values.
Khuyến nông là hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, truyền bá kiến thức và đào tạo tay nghề cho nông dân nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi nông nghiệp hiện nay đã ảnh hưởng đến hệ thống canh tác, đòi hỏi các cơ quan khuyến nông xác định lại mục tiêu, kế hoạch và chiến lược phát triển của họ.
Trong bối cảnh nền nông nghiệp đang hứng chịu những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, xây dựng cơ sở hạ tầng, sự bất ổn của thị trường, các dịch vụ khuyến nông có thể làm gì để tăng cường hiệu quả hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp ở cấp địa phương? Để giải pháp vấn đề này, các tác giả đã phỏng vấn 35 chuyên gia về nông nghiệp tại Việt Nam, Campuchia và Lào thông qua bộ câu hỏi (1) “Bạn hiểu khuyến nông có nghĩa là gì?”; (2) “Khuyến nông đóng vai trò gì trong việc giải quyết những thách thức mà nông dân ở những khu vực bạn đã làm việc phải đối mặt?”; (3) “Những dự án khuyến nông nào đóng vai trò quan trọng nhất trong khu vực của bạn?”; (4) “Những thách thức chính mà công tác khuyến nông gặp phải là gì?”; và (5) “Ai là tác nhân chính định hình hoạt động khuyến nông?”. Đồng thời, các chuyên gia cũng chia sẻ hiểu biết của họ về nhiều vấn đề, bao gồm chuyển đổi nông nghiệp, cũng như những thách thức mà ngành khuyến nông đang phải đối mặt.
Kết quả cho thấy, thách thức lớn nhất mà những trung tâm khuyến nông đang gặp phải là tình trạng thiếu nguồn lực và sự hỗ trợ của địa phương. Họ không có đủ kinh phí để trang trải chi phí đi lại hoặc tiền công cho cán bộ khuyến nông. Điều này đã cản trở những người làm khuyến nông tham gia và thể hiện sự cam kết làm việc cùng với nông dân.
Các chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng tại các cơ quan khuyến nông. Một chuyên gia cho biết: “Những người làm khuyến nông thực tế chỉ tiếp cận được một phần nhỏ nông dân. Tôi không chắc liệu họ có thể đi đến những khu vực vùng sâu vùng xa hay không. Vì vậy, họ thường chỉ tập trung vào một số nông dân đứng đầu và một số nhóm, trang trại kiểu mẫu.”
Bên cạnh đó, nông dân đang phần nào thiếu niềm tin vào công tác khuyến nông. “Các trung tâm khuyến nông đến đây cùng những ý tưởng thực sự thú vị về đầu vào, hạt giống và công nghệ mới, nhưng họ không hiểu tình hình thị trường…”, một chuyên gia nhận định. Trong khi đó, một chuyên gia khác thì khẳng định rằng “các biện pháp khuyến nông truyền thống không thể nâng cao năng lực của nông dân trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và các tác động bên ngoài khác.”
Các chuyên gia khẳng định người nông dân cũng đang gặp không ít thách thức, chủ yếu xoay quanh việc tiếp cận nguồn vốn, chẳng hạn như các khoản vay từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính. Mặc dù việc tiếp thu các kỹ năng và kiến thức mới là cần thiết, nhưng cán bộ khuyến nông cũng cần tìm hiểu thêm về hoàn cảnh của người nông dân để cung cấp dịch vụ. Điều này cho thấy kiến thức, kỹ năng và năng lực là những yếu tố quan trọng để công tác khuyến nông thực sự hiệu quả.
Để cải thiện điều này, theo nhóm tác giả, công tác khuyến nông nên được mở rộng để những tổ chức tư nhân, tổ chức phi chính phủ, các nhà sản xuất có thể cùng tham gia vào phát triển các giải pháp. Các bên sẽ có cơ hội trao đổi, học hỏi và tăng cường năng lực của mình, từ đó giải quyết vấn đề của nông dân một cách hiệu quả hơn.