Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Đúc kết những kinh nghiệm của Nhật Bản và một số nước Châu Á, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cho biết, để thúc đẩy nguồn vốn từ bên ngoài nhà nước, Việt Nam cần tạo ra môi trường khuyến khích ĐMST, thiết lập các ưu tiên (về lĩnh vực, sản phẩm, tiêu chí lựa chọn đề tài) để tập trung nguồn lực vốn rất hạn chế cả về tài chính và nhân lực.
Ngày 26/5, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN Việt Nam và Viện Sau đại học về Nghiên cứu phối Nhật Bản (GRIPS) hợp tổ chức hội thảo “Huy động nguồn lực ngoài nhà nước cho KH&CN” với sự góp mặt của Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc và đại diện ba doanh nghiệp: Công ty cổ phần Traphaco, Công ty Cổ phần sơn KOVA, Tập đoàn Viễn Thông quân đội Viettel.
Theo GS. Atsushi Sunami, Phó giám đốc Chương trình Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo Nhật Bản, khối doanh nghiệp nước này đang giảm chi phí R&D (thấp hơn cả Trung Quốc) và Nhật Bản cũng không thể hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu bằng ngân sách sau cơn chấn động Lehman (Lehman Brothers – một trong bốn ngân hàng lớn nhất toàn cầu tuyên bố phá sản vào năm 2009). GS. Sunami cho biết, làm thế nào để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào R&D, Nhật Bản vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, không thể bắt buộc các doanh nghiệp làm điều này bằng chính sách mà chỉ có thể tạo ra một môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo. Theo đó, họ tạo mạng liên kết giữa các ngành công nghiệp khác nhau (để có thể cùng đầu tư R&D cho một hướng nghiên cứu), liên kết giữa trường Đại học và Công nghiệp, tạo ra các ưu đãi về thuế cho các vốn đầu tư mạo hiểm. Ngoài ra, họ nâng cao tiêu chuẩn về sản phẩm và công nghệ trong các doanh nghiệp (Ví dụ như buộc các bệnh viện phải sử dụng phương pháp quản lý bằng công nghệ thông tin), thúc đẩy khối tư nhân phải đầu tư vào R&D nhiều hơn. Một sáng kiến khác của Nhật Bản là yêu cầu một số trung tâm vùng ở các tỉnh áp dụng KH&CN (áp dụng KH&CN nào tùy chọn) để nâng cao hiệu quả sản xuất.
GS. Patarapong Intarakumnerd đến từ GRIPS, nói về kinh nghiệm của các nước Châu Á cho biết, con đường phát triển năng lực nghiên cứu của Doanh nghiệp phải đi từ chế tạo – thiết kế – phát triển đến nghiên cứu (chứ không phải ngược lại). Chính vì thế, ở các nước đang phát triển, trước hết cần biết tận dụng các công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài bằng cách nội địa hóa và cải tiến chúng rồi dần dần làm chủ. Về việc xác định các ưu tiên để phát triển, ông cho biết, có hai cách ưu tiên theo chiều ngang (ưu tiên về thiết kế, chế tạo và phát triển sản phẩm) và ưu tiên theo chiều dọc (ưu tiên về lĩnh vực, sản phẩm khoa học).
Ba doanh nghiệp gồm Tập đoàn Viễn Thông quân đội Viettel, Công ty cổ phần dược phẩm Traphaco và Công ty cổ phần sơn KOVA đều dành hơn 3% cho R&D. Trong đó, Viettel dành 10% tổng doanh thu cho R&D và Sơn KOVA dành 20% doanh thu cho R&D. Các công ty này thường nghiên cứu rất kỹ thị trường và lấy đó làm cơ sở để nghiên cứu tạo ra sản phẩm. Ví dụ, ở Viettel, có được sản phẩm thử mới đạt được 40% quá trình nghiên cứu, chỉ khi thương mại hóa được sản phẩm ra nước ngoài, quá trình nghiên cứu mới hoàn thiện.