Lần đầu số hóa các bản nghiên cứu của Newton
ĐH Cambridge mới đây đã lần đầu đưa lên mạng trực tuyến những tài liệu nghiên cứu của nhà bác học thiên tài Isaac Newton, bao gồm những bản chú thích các công trình quan trọng nhất của ông. Các bản chú thích này được thể hiện theo dạng viết tay với các ghi chú, tính toán, và trả lời các ý kiến phản biện. 
Cho đến nay, có khoảng 4.000 trang tài liệu nghiên cứu – chiếm 20% tài liệu của Newton trong kho lưu trữ của trường – đã được chuyển thành bản điện tử, là một phần trong chương trình dự kiến sẽ cho phép công chúng được tiếp cận với nhiều công trình của các nhà khoa học nổi tiếng khác, từ Darwin tới Ernest Rutheford. Trong các giấy tờ còn có phần ghi chú viết tay sau khi Newton qua đời năm 1727, từ đồng nghiệp của ông là Thomas Pellet, người được thân nhân của Newton đề nghị thẩm định lại để công bố.
Trên một số trang nguyên bản còn có thể đọc được dòng chữ của Pellet: “Không in được”. Người ta cho rằng Pellet đã cố gắng không công bố một số tính toán táo bạo của Newton, thông qua đó che dấu các quan điểm không chính thống trong tôn giáo của nhà bác học.
Grant Young, người quản lý các vấn đề về số hóa trong thư viện trường đại học cho biết: “ Bạn có thể tìm thấy những suy nghĩ của Newton trong quá trình làm việc qua tính toán, và thấy được suy nghĩ của ông đã được phát triển như thế nào. Bản Principia của Newton có những trang xen kẽ các đoạn chữ in với các mẩu giấy ghi chép gắn kèm theo”.
“Cuốn sách đã bị những tác động môi trường nhất định như bị nhòe mực và bị ố, vì vậy chúng rất dễ hỏng và rất hiếm khi được đưa ra trưng bày. Ngày trước, bất kỳ ai muốn thấy những nghiên cứu này đều phải đến xin phép trường Đại học Cambridge, nhưng nay chúng tôi đã mang thư viện trường Đại học Cambridge đến với thế giới và mọi người có thể tiếp cận chỉ qua một cái click chuột”.
Một số các giấy tờ khác được tập hợp lại từ những ghi chú của Newton và “cuốn sách phế thải”, ông mang theo bên mình để tiếp tục làm việc trong giai đoạn trường Đại bị đóng cửa bởi nạn dịch hạch năm 1665.
Những tài liệu này cho thấy công việc ban đầu của Newton trong quá trình nghiên cứu về giải tích.
Các giấy tờ tiếp theo được xuất bản sẽ là những tài liệu ở thế kỷ 18 của Hội Kinh tuyến, liên quan đến các vấn đề, phương pháp điều hướng ở biển.
Các dữ liệu đầu tiên của một số nhà thiên văn hoàng gia, bao gồm Edmund Halley và John Flamsteed cũng sẽ lần lượt được đưa lên mạng. Những nghiên cứu của Charles Darwin trước đây đã được xuất bản trực tuyến, nhưng nay cũng sẽ được số hóa theo dự án mới này.
Dự án đưa các nghiên cứu khoa học lên hệ thống mạng điện tử ban đầu được trợ cấp khoảng 1,5 triệu bảng từ quỹ từ thiện Polinsky, một quỹ hỗ trợ nghiên cứu và giáo dục đại học.
Duyên Anh dịch theo
http://www.guardian.co.uk/science/2011/dec/12/isaac-newton-principia-mathematica
http://www.guardian.co.uk/science/2011/dec/12/isaac-newton-principia-mathematica
(Visited 8 times, 1 visits today)