Lao động nữ ở nước ngoài lần đầu xuất bản sách về hành trình di cư

"Hành trình di cư lao động nước ngoài của phụ nữ Việt Nam: Những chuyện bây giờ mới kể", những mảnh ghép phản ánh cuộc sống của phụ nữ Việt Nam khi đi lao động xa xứ được Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) biên tập qua lời kể của người trong cuộc và xuất bản.


Bữa cơm của những người mắc kẹt do Covid-19 ở Đại Ân tự (Daionji), TP.Honjo (tỉnh Saitama, Nhật Bản). Nguồn: Chụp màn hình của tờ The Asahi Shimbun

Đó là hơn 70 câu chuyện phản ánh chân thực về điều kiện sống, lao động do phụ nữ di cư thuộc mạng lưới di cư tại Hà Tĩnh tự chia sẻ được tổ chức theo từng nhóm chủ đề như: hành trình xa xứ; bất đồng ngôn ngữ khi ở nước bạn; điều kiện làm việc; bạo lực giới, mang thai và chăm sóc sức khỏe ở nước bạn; chuyện chạm trán với công an và những ngày ở trong trại giam; khó khăn do dịch COVID-19; và ngày trở về, xây dựng lại cuộc sống ở quê nhà.

Đa số phụ nữ tham gia chia sẻ câu chuyện trong cuốn sách này đều là lao động phổ thông, thu nhập thấp, từng làm nông nghiệp nhưng thu nhập bấp bênh do thường xuyên phải hứng chịu thiên tai. Vì thế, di cư lao động tại nước ngoài là một trong những “chiến lược” thoát nghèo của phụ nữ. Cuộc khảo sát 323 mẫu vào năm 2018 tại năm tỉnh của ISDS cho thấy phụ nữ ra đi chủ yếu để trả nợ cho gia đình; trang trải cuộc sống gia đình và xây/sửa nhà cửa. Vì không có nhiều kỹ năng, kiến thức chuyên môn nên phụ nữ di cư nước ngoài chủ yếu làm giúp việc nhà (32%), công nhân (37%), dịch vụ (23) và nông nghiệp (8%). Tuy nhiên, chiến lược thoát nghèo này không dễ dàng vì để trả hết nợ nần vay mượn để đi nước ngoài và có tiền gửi về cho gia đình, phụ nữ di cư thường làm việc 8-12 tiếng/ ngày (51% người được khảo sát) hoặc làm việc trên 12 tiếng/ ngày (45%).  

Trong quá trình di cư lao động ở nước ngoài, không ít người phải đối mặt với các rủi ro và nguy cơ bị bóc lột, bạo lực, thậm chí có thể là nạn nhân của những đường dây mua bán người. Những người di cư lao động không chính thức khi chưa có thỏa thuận hợp tác lao động giữa Việt Nam và quốc gia nơi đến, nhất là phụ nữ, vị thành niên là các nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương. Nhiều người thiếu hiểu biết đã rơi vào bẫy của những kẻ môi giới lao động và trở thành người lao động bất hợp pháp. Do thiếu thông tin, hạn chế về ngôn ngữ họ không thể tìm kiếm sự bảo vệ của pháp luật và sự hỗ trợ của các tổ chức bảo vệ người lao động ở nước sở tại.

Những khó khăn của lao động di cư không phải câu chuyện mới mà đã từng được ISDS khảo sát từ hơn 10 năm trước. Khảo sát vào năm 2009 của ISDS cũng đã chỉ ra một tình trạng phân cực “năm ăn năm thua” – trong khi có 40,1% số hộ có người di cư lao động nước ngoài tăng thu nhập lên thì có 51,1% số hộ cho biết không có sự thay đổi tích cực nào. Trung bình, người di cư phải cật lực làm việc từ ba năm trở lên mới trả hết khoản vay để đi nước ngoài, còn nếu chỉ đi khoảng 1-2 năm và 2-3 năm thì tỉ lệ mắc nợ vẫn khá cao (tương ứng 59% và 32%).

Hiện nay, thậm chí khó khăn với người di cư còn tăng lên do đại dịch COVID-19 bùng phát hơn hai năm qua khiến nhiều người bị mất việc làm, mất thu nhập, mắc bệnh, không thể trang trải sinh hoạt phí, không thể tiếp tục chu cấp cho gia đình, chi trả các khoản nợ, và mắc kẹt không thể trở về nước.

Biên tập và xuất bản cuốn sách, ISDS hy vọng các câu chuyện giúp cộng đồng và các nhà làm chính sách hiểu rõ thêm về những khó khăn, thách thức và rủi ro mà nhiều phụ nữ Việt Nam đi lao động ở nước ngoài gặp phải đồng thời ghi nhận giá trị của những hi sinh, đóng góp của họ cho gia đình và quê hương. Nhóm nghiên cứu và mạng lưới di cư kỳ vọng các câu chuyện ở đây sẽ thúc đẩy các nỗ lực hỗ trợ đào tạo, trang bị kiến thức để phụ nữ di cư đi nước ngoài dần có được môi trường làm việc an toàn hơn.

Theo số liệu chính thức, có khoảng hơn 500 ngàn người Việt Nam đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và gửi về khoảng 3-4 tỉ USD/năm, trong đó hơn 30% trong số đó là phụ nữ. Thống kê này chưa bao gồm những người di cư lao động phi chính thức. □

Tác giả

(Visited 31 times, 1 visits today)