Lập Ban công tác xử lý công việc khi dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban công tác liên ngành xử lý công việc khi dừng đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (Ban công tác) để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề về kinh tế - tài chính và kỹ thuật khi dừng đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tổng giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano (thứ tư từ phải sang) tới thị sát tại Ninh Thuận vào ngày 10/1/2014. Nguồn: IAEA

Ban công tác liên ngành sẽ do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng ban, hai phó trưởng ban gồm Thứ trưởng Bộ Công Thương (Phó Trưởng Ban thường trực) và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Các Ủy viên gồm một Thứ trưởng của các bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ KH&CN; Bộ GD&ĐT; một lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận; Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ban công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi thẩm quyền giải quyết các vấn đề về kinh tế – tài chính và kỹ thuật liên quan đến việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các công việc khác theo phân công của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Ban công tác thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ về kinh tế – tài chính và kỹ thuật; giải quyết các vấn đề có tính liên ngành liên quan đến dừng đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; định kỳ và đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ được giao; đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các nội dung vượt thẩm quyền.

Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Ban công tác. Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định thành phần Tổ giúp việc Ban công tác bao gồm cán bộ, chuyên viên các bộ, ngành, đơn vị tham gia Ban công tác và mời các chuyên gia thích hợp khi cần thiết.

Trước đó, vào tháng 11/2016, Văn phòng Chính phủ đã ra thông cáo báo chí về việc dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vì lý do kinh tế. Trong thông cáo báo chí cũng đề cập đến một số giải pháp, hướng xử lý khi dừng thực hiện Dự án như bảo đảm cung cấp điện, xử lý đối với cơ sở hạ tầng đã đầu tư, nguồn nhân lực đã và đang đào tạo, một số chi phí đã thực hiện, quan hệ với các đối tác 1.

Nguồn: http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Lap-Ban-cong-tac-xu-ly-cong-viec-khi-dung-Du-an-dien-hat-nhan-Ninh-Thuan/20174/21487.vgp

———————————————-

1. http://tiasang.com.vn/-tin-tuc/Dung-Du-an-DHN-Ninh-Thuan-vi-ly-do-kinh-te-10230

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)