Lỗ hổng và cuộc lật đổ
Tiểu thuyết “Mùi hương’, của Patrick Suskind* khởi đầu từ cái gì? Người ta rất có thể bị lôi cuốn ngay lập tức bởi đoạn dẫn nhập đầu tiên “Vào thế kỷ 18, ở nước Pháp có một gã thuộc loại thiên tài...” (Mùi hương, tr.18), nhưng thực ra đấy không phải là sự khởi đầu cho câu chuyện này. Bởi vì đoạn dẫn nhập đó, cho dù rất lạ lùng và khoáng đạt tầm vóc, chỉ là một biến thể theo cái mô thức Ngày xửa ngày xưa, ở nơi nọ nơi kia, có một...
Cái mô thức đó hoàn chỉnh đến mức bạn chỉ cần thêm ít dòng sinh động là đã có thể kết thúc câu chuyện một cách phù hợp với trật tự kể, không sợ thiếu sót.
Đoạn dẫn nhập không dài, kết thúc bằng một chỉ dẫn hết sức gợi cảm nói rằng gã thiên tài kia liên quan đến lĩnh vực “vương quốc phù du của hương thơm” (Mh, tr. 13). Và câu chuyện chỉ thực sự được đặt nền móng bằng đoạn văn dài cả trang sau đó. Cái khởi đầu thực sự ấy chính là việc mô tả về “mùi hôi” bao trùm tất cả các thành phố vào thời đại mà câu chuyện này xảy đến. “Sông hôi, quảng trường hôi, nhà thờ hôi, gầm cầu hôi mà cung điện cũng hôi. Người nông dân cũng hôi như vị linh mục…” (Mh, tr.14). Các thành phố chính là những biểu hiện đậm đặc nhất của sự hiện diện con người, là gương mặt của một xã hội, bởi vậy chúng cũng là những gì mang tính người một cách tiêu biểu nhất. Vậy mà, ở đây, đặc trưng nổi bật nhất của chúng là hôi; một đặc trưng phổ quát: “phải, ngay cả đức vua cũng hôi như một con thú dữ còn hoàng hậu hôi như một con dê già, mùa hè cũng như mùa đông”, và tóm lại, “không biểu lộ nào của mầm sống hay sự tàn lụi lại không đi kèm với mùi hôi” (Mh, tr. 14). Cái bầu khí quyển của mùi hôi đó, tràn ngập và xuyên suốt, đặc trưng và bản chất, được mô tả như là dấu chỉ của một thế giới đặc hữu – thế giới người – và như vậy là dấu chỉ của mùi người. Nó khiến ta nhớ đến (- một cách bất kính, ôi, cái tay nhà văn này!- ) cái mệnh đề nổi tiếng: Khởi thủy là lời.
Mùi, mùi hôi, mùi thơm – đó dường như là một cõi trần gian khác, mặc dù vẫn trùng khớp với cái thực tại duy nhất này, thực tại của sự có mặt con người. Nhưng một mô tả đại lược bao quát như đã dẫn ở trên (Mh, tr.14 – 15), tương đương với một người quan sát, đã đưa cái cõi thế giới của mùi vào bình diện tồn tại, không còn chỉ là những tập hợp rời rạc những thuộc tính hay phẩm chất. Cái nền tảng đó, mà câu chuyện của Patrick Suskind đặt ra, đã lập tức tách đôi thế giới: một thế giới tồn tại bởi ngôn từ song hành với một thế giới tồn tại bởi mùi. Thoạt nhìn, sự tách đôi như vậy có vẻ chỉ là một phép ẩn dụ/hoán dụ, một trò tu từ bao quát. Nhưng Patrick đặt vào cái dải phân cách mập mờ giữa hai thế giới đó nhân vật “gã thiên tài kinh tởm” của mình: “Tất nhiên Paris hôi nhất, vì Paris là thành phố lớn nhất nước Pháp. Tại Paris lại có một nơi đặc biệt hôi khủng khiếp… Chính nơi đây, nơi hôi thối nhất trong toàn vương quốc, Jean – Baptiste Grenouille đã ra đời ngày 17 tháng 7 năm 1738” (Mh, tr.14 – 15). Nhân vật đặc dị chưa từng có này mang đến cõi nhân sinh quen thuộc của chúng ta một cái đài quan sát mùi có thể sánh ngang với tầm vóc chiếc kính viễn vọng của Galile: hãy xem trang 31 (Mh.), nhân vật Cha Terrier đã từ ngạc nhiên đến kinh hãi khi nhận thấy hài nhi Grenouille hướng cái mũi nhỏ xíu của nó vào ông “như thể nó nhìn ông chăm chắm, soi mói, thấu suốt hơn là người ta có thể nhìn bằng mắt, như thể nó nuốt chửng bằng mũi cái gì đấy tiết ra từ người ông,”
Đây là tình huống điển hình đầu tiên trong câu chuyện này về sự phân tách hai thực tại, một đằng “khởi thủy là Lời” với một đằng “khởi thủy là” Mùi.
[Nếu bạn vẫn băn khoăn về tính thích đáng của việc đặt vấn đề từ cái sự kiện đầy vẻ hoang đường này, bởi vì dù sao mối băn khoăn đó cũng vẫn có chỗ đứng bên mọi câu chuyện, thì xin hãy nhẩm đến một câu Kiều: “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh. Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng. Có nhà viên ngoại họ Vương”… Ở đây cũng vậy thôi. Vào cái “ngày 17 tháng 7 năm 1738”, ở cái chốn “hôi thối nhất” của thành phố Paris, Grenouille đã chào đời một cách xác thực chẳng khác gì cô Kiều!].
Vậy là Cha Terrier, một đại diện của Ngôi Lời trên trần thế, đối mặt với gã Hồng hài nhi Jean-Baptiste Grenouille trong một bầu không khí lặng im, đầy ngờ vực và chia rẽ. Cha có thể nói gì với nó được?! Tất cả quyền lực của Cha đối với đứa bé này, vào lúc đó, chỉ có thể biểu thị ra đường ngôn ngữ. Mà Cha đã biểu thị rồi, bằng những âm thanh nựng nịu, nhưng chẳng nước non gì. (Đây cũng là một phần trong motif của Mùi hương: quyền lực tối cao của cái có thể tác động đến lòng yêu thương trong con người.) Trong khi đó, gã hài nhi lại có thể tác động đến Cha, nắm bắt và thấu suốt Cha bằng cái mũi lạ lùng của nó, cái mũi giống như “thứ hoa nhỏ ăn thịt trồng trong vườn của đức vua” (Mh, tr.31).
Tình huống này lên đến đỉnh điểm gay gắt qua lời kể diễn giải: “Nó đánh hơi ông! Và ông chợt có cảm giác như người ông hôi mùi mồ hôi và giấm, mùi cải muối chua và mùi quần áo không giặt. Ông có cảm giác mình đang trần truồng và xấu xa…” (Mh, tr.31). Lời trần thuật về cảm giác này giống như một lời xưng tội thành khẩn nhất, và tệ hơn, giống như một lời cáo buộc. Và thực ra còn tệ hơn nữa: nó giống như một sự lật tẩy, không chút xót thương nào – Và bởi cái cảm giác đó quy chiếu về cái thực tại của mùi, cho nên nó ngăn chặn vĩnh viễn bất cứ một lời biện bạch bào chữa nào quy chiếu về thực tại của ngôn ngữ. Chẳng hạn, với cái cảm giác bị lột trần, bị lật tẩy trước động thái “đánh hơi” của thằng nhỏ Grenouille còn đang phải ẵm ngửa kia, liệu nhân vật Cha Terrier có thể cất lời cãi vã, phủ nhận… gì không? – Không. Không một chút nào. Trong cuộc đối thoại với lặng im như thế, ngôn từ cũng trở thành lặng im.
Nhưng đó không phải là kiểu lặng im một tiếng trống đánh lảng. Mùi hôi toát lên từ người Cha Terrier đã được xác nhận trong những mô tả trước đó (Mh, tr.14), vậy nên lời trần thuật (đã dẫn) về cảm giác bị lật tẩy của Cha Terrier đã xác nhận tính chân lý trong kết quả “đánh hơi” của đứa bé Grenouillle. Chân lý như là một định nghĩa: phát biểu về sự vật trùng khớp với sự vật ấy. Ở đây, tạm gọi đó là một chân lý duy kinh nghiệm.
Và sự so sánh đã được đưa ra rồi. Trước đó, trước lúc Cha Terrie rụng rời nhận ra thằng bé nó ngửi được mình, thì Cha đã rất hùng hồn bác bỏ ý kiến của nhân vật chị vú Jeanne Bussie về việc thằng nhỏ Grenouille quái gở không có mùi trẻ con thông thường; các lập luận của Cha rất sách vở, như đinh đóng cột; cuối cùng Cha còn viện dẫn một câu thơ của Horace (- La Mã! Kinh viện! Thế giới của ngôn từ!-) và Cha chẳng khó khăn gì khi xếp sắp những quân Domino chân lý của mình: “Mùi thơm của con người bao giờ cũng là mùi thơm xác thịt, nghĩa là một mùi thơm tội lỗi. Thế thì làm thế nào mà trẻ sơ sinh ngay cả trong mơ cũng không biết đến tội lỗi xác thịt lại có mùi được? Làm thế nào nó có mùi được? Tú ti tú ti? Tất nhiên là không rồi?” (Mh, tr.30). Ừ nhỉ!! Câu hỏi tất nhiên mà Cha không đặt ra là: làm thế nào Cha biết những điều này là đúng? – Nhờ sách vở.
Với nhân vật Cha Terrier, chân lý trước hết là những chân lý siêu nghiệm mà nền tảng và căn cứ là ngôn từ, là lời.
Đến đây, có thể nói câu chuyện của Patrick Suskind đã giương xong hai gọng kìm, một trận thế, một cái bẫy. Bộ khung cận – lịch sử của truyện kể này, chọn bối cảnh nước Pháp giữa thế kỷ 18, gợi lên tính chất một dụ ngôn về thời hiện đại bằng cách hư cấu một diện mạo buổi đầu của cái thời đại đó. Thiên tiểu sử này không có chút gì là ngẫu nhiên, từ cái tên nhân vật Jean-Baptiste Grenouille, cuộc đời ngắn ngủi 25 năm kỳ lạ của gã, niềm xác tín hẹp hòi và bất chấp của gã vào “cái đẹp thuần túy” của một thứ nước hoa có sức lôi cuốn và mê hoặc hết thảy mọi người, tạo nên một thứ quyền lực chuyên chế vô hạn độ – mà để đạt đến, gã đã trở thành một kẻ giết người hàng loạt, trở thành thuốc độc đối với bất kỳ ai gần gũi gắn bó với gã – tất cả những điều ấy tìm thấy hậu duệ trong đời sống hiện đại sau này: từ tình trạng cô đơn rộng khắp, sự sùng bái cái mới, các xu hướng cực đoan thẩm mỹ hay chính trị, cho đến tình trạng miễn dịch đạo đức của nạn ma túy và tội phạm có tổ chức…
Những tình thế biến dạng của nhân cách thật phong phú, nhiều khi đến mức xóa nhòa ranh giới với các chứng tâm thần.
Vậy thì “gã thiên tài kinh tởm” Grenouille là một giả thuyết văn học về phía cội nguồn của tình trạng ấy. Với cỗ máy khứu giác siêu phàm ngửi, phân biệt, ghi nhớ, tái tạo và sáng tạo mọi thứ mùi, bên trong con người của Grenouille, cái tôi duy nghiệm lấn át tuyệt đối. “Nó chỉ cần một chút tối thiểu thức ăn và quần áo. Còn chẳng cần gì cho phần hồn cả. Sự che chở, mối quan tâm, sự dịu dàng, tình yêu, những tình cảm mà người ta gọi bằng đủ thứ tên và cho rằng một đứa trẻ nhất thiết phải có, thì với thằng nhỏ Grenouille là hoàn toàn không cần thiết” (Mh, tr. 36).
Ngoài sự giải thích mang tính định mệnh của truyện kể, rằng nó đã lựa chọn sự sống sót theo kiểu “như một hạt đậu rơi vãi tự quyết định nảy mầm hay không” (Mh, tr.37), yếu tố cho nó mang một cái tôi duy kinh nghiệm lấn át và hoàn hảo đến thế chính là vì thế giới của mùi đã đến với nhận thức của nó trước, một cách lấn át và hoàn hảo. Mãi đến khi bốn tuổi nó mới thốt ra tiếng nói, mà chủ yếu là gọi “tên riêng của những vật, cây cỏ, thú vật, người cụ thể và cũng chỉ khi nào mùi của những vật, cây cỏ, thú vật và người này đột nhiên chế ngự nó” (Mh, tr.40).
Sự chế ngự đó chính là biểu hiện hoàn hảo và lấn át của kinh nghiệm: nó không chỉ ngửi, chẳng hạn, gỗ nói chung, mà ngửi ra từng loại gỗ, “thậm chí từng khúc gỗ một, dằm, mảnh gỗ và ngửi rành rẽ những vật thể khác nhau mà người khác không phân biệt nổi bằng mắt” (Mh, tr. 42). Nó phân biệt, tức là nó nhận thức, “hàng trăm mùi khác nhau, biến đổi thiên hình vạn trạng từng phút, thậm chí từng giây thành một thể thống nhất mới” (Mh, tr. 43). Trình độ cao nhất của sự phân biệt nhận thức thì Grenouille cũng đã đạt tới, như khi bị đẩy đến làm thằng nhỏ cho xưởng thuộc da của lão Grimal, “lần đầu tiên đánh hơi lớp mùi bao quanh Grimal nó biết ngay ông này sẵn sàng đánh nó chết ngay dù chỉ phạm một điều sai trái nhỏ” (Mh, tr.49-50). Sự hoàn hảo này, bạn thấy không, thật đáng ngờ.
Không phải đáng ngờ bản thân sự hoàn hảo đó của những nhận thức kinh nghiệm đó, mà đáng ngờ rằng liệu với sự hoàn hảo đó, có thực là “những khái niệm trừu trượng, đặc biệt về đạo đức và luân lý, là quá khó đối với nó” (Mh, tr.42), đối với gã thần đồng ngửi này?
Những dữ liệu của truyện kể này cho thấy một sự hoán vị đáng kinh ngạc đã diễn ra: cái trừu tượng của mùi đã thế chỗ cái trừu tượng độc quyền của ngôn ngữ. Thay vì một lời giảng giải có điều kiện về một ứng xử đạo đức có điều kiện, chẳng hạn trong tình cảnh Grenouille bị đẩy đến xưởng thuộc da của Grimal, thì “lớp mùi bao quanh Grimal” mà Grenouille ngửi được đã lập tức đưa ra những chỉ dẫn đạo đức mà nó cần tuân thủ, để sống còn. Tình huống đó có vẻ đã biến một chân lý duy kinh nghiệm thành một chân lý siêu nghiệm.
Cho dù không thể là siêu nghiệm theo đúng nghĩa, thì cái chân lý mà Grenouille nắm chắc cũng không cần đến cái tính siêu nghiệm kia. Bản thân nó và những kinh nghiệm tuyệt vời về mùi của nó đã khiến nó trở nên khác biệt một cách hiển nhiên, không thể hình dung nổi.
Và như vậy, trở nên một hiện thân của cái siêu nghiệm, sự hiện diện của “gã thiên tài kinh tởm” này làm phát lộ cái lỗ hổng hun hút của ngôn từ và thế giới ngôn từ. Cái “vương quốc phù du của hương thơm” (Mh, tr.13), với sự có mặt của Grenouille, trở thành một tấm gương soi khiến nhận ra sự phù du lộn ngược của vương quốc ngôn ngữ.
Lộn ngược, một phần bởi những điều là tội ác ở thế giới này lại hóa ra chỉ là sự cần thiết ở thế giới kia – việc Grenouille giết 25 trinh nữ để cất lấy mùi của họ cho việc chế tạo nước hoa, thứ nước hoa duy nhất có sức mạnh khơi dậy và chinh phục tình yêu của mọi con người bất kể nam phụ lão ấu; và còn bởi trong khi tất cả yêu đến phát cuồng cái mùi thơm duy nhất ấy thì Grenouille lại hoàn toàn lãnh đạm: đó chỉ là cái gã sùng bái như sùng bái chính mình, chứ không bị quyến rũ.
Lộn ngược còn bởi vì cái mùi thơm ấy đã làm bộc lộ tính vô đạo đức hồn nhiên (!) như một khía cạnh bản chất, một tính người vốn có trong hầu hết những con người mà Grenouille đã gặp, bất kể họ là ai.
Sự bộc lộ đó cũng đồng thời lật tẩy chính ngôn ngữ – một thứ không hề có mùi, cũng như chính Grenouille là một gã không có mùi – rằng chính ngôn ngữ cũng phù du và ảo tưởng, theo đó thì dường như những đạo đức và luân lý cũng chỉ là ảo tưởng mà ngôn ngữ sinh ra.
Chuỗi lật đổ kinh hoàng dưới tay Grenouille dần trở nên giống như dãy Domino các chân lý siêu nghiệm của Cha Terrier. Và khi cả hai nửa duy nghiệm và siêu nghiệm này của một thực tại duy nhất đã chập vào làm một thì nó trở thành một đương lượng nổ tới hạn.
Trên cái đỉnh vinh quang mà chỉ một mình gã hiểu và nhận biết, “gã thiên tài kinh tởm” này phát hiện ra chính mình là một lỗ hổng – gã không thể nào tự ngửi ra mình, chẳng hóa ra gã cũng chỉ là ngôn từ thôi sao?! Trong cái lỗ hổng đó, cái chết trở thành nỗ lực cuối cùng để tồn tại./.
—————-
* Lê Chu Cầu dịch, Cty Nhã Nam & Nxb Văn học ấn hành, 2007
Đoạn dẫn nhập không dài, kết thúc bằng một chỉ dẫn hết sức gợi cảm nói rằng gã thiên tài kia liên quan đến lĩnh vực “vương quốc phù du của hương thơm” (Mh, tr. 13). Và câu chuyện chỉ thực sự được đặt nền móng bằng đoạn văn dài cả trang sau đó. Cái khởi đầu thực sự ấy chính là việc mô tả về “mùi hôi” bao trùm tất cả các thành phố vào thời đại mà câu chuyện này xảy đến. “Sông hôi, quảng trường hôi, nhà thờ hôi, gầm cầu hôi mà cung điện cũng hôi. Người nông dân cũng hôi như vị linh mục…” (Mh, tr.14). Các thành phố chính là những biểu hiện đậm đặc nhất của sự hiện diện con người, là gương mặt của một xã hội, bởi vậy chúng cũng là những gì mang tính người một cách tiêu biểu nhất. Vậy mà, ở đây, đặc trưng nổi bật nhất của chúng là hôi; một đặc trưng phổ quát: “phải, ngay cả đức vua cũng hôi như một con thú dữ còn hoàng hậu hôi như một con dê già, mùa hè cũng như mùa đông”, và tóm lại, “không biểu lộ nào của mầm sống hay sự tàn lụi lại không đi kèm với mùi hôi” (Mh, tr. 14). Cái bầu khí quyển của mùi hôi đó, tràn ngập và xuyên suốt, đặc trưng và bản chất, được mô tả như là dấu chỉ của một thế giới đặc hữu – thế giới người – và như vậy là dấu chỉ của mùi người. Nó khiến ta nhớ đến (- một cách bất kính, ôi, cái tay nhà văn này!- ) cái mệnh đề nổi tiếng: Khởi thủy là lời.
Vâng, ở đây, khởi thuỷ là mùi! (mà là mùi hôi – một sự uốn giọng rất ý tứ).
Mùi, mùi hôi, mùi thơm – đó dường như là một cõi trần gian khác, mặc dù vẫn trùng khớp với cái thực tại duy nhất này, thực tại của sự có mặt con người. Nhưng một mô tả đại lược bao quát như đã dẫn ở trên (Mh, tr.14 – 15), tương đương với một người quan sát, đã đưa cái cõi thế giới của mùi vào bình diện tồn tại, không còn chỉ là những tập hợp rời rạc những thuộc tính hay phẩm chất. Cái nền tảng đó, mà câu chuyện của Patrick Suskind đặt ra, đã lập tức tách đôi thế giới: một thế giới tồn tại bởi ngôn từ song hành với một thế giới tồn tại bởi mùi. Thoạt nhìn, sự tách đôi như vậy có vẻ chỉ là một phép ẩn dụ/hoán dụ, một trò tu từ bao quát. Nhưng Patrick đặt vào cái dải phân cách mập mờ giữa hai thế giới đó nhân vật “gã thiên tài kinh tởm” của mình: “Tất nhiên Paris hôi nhất, vì Paris là thành phố lớn nhất nước Pháp. Tại Paris lại có một nơi đặc biệt hôi khủng khiếp… Chính nơi đây, nơi hôi thối nhất trong toàn vương quốc, Jean – Baptiste Grenouille đã ra đời ngày 17 tháng 7 năm 1738” (Mh, tr.14 – 15). Nhân vật đặc dị chưa từng có này mang đến cõi nhân sinh quen thuộc của chúng ta một cái đài quan sát mùi có thể sánh ngang với tầm vóc chiếc kính viễn vọng của Galile: hãy xem trang 31 (Mh.), nhân vật Cha Terrier đã từ ngạc nhiên đến kinh hãi khi nhận thấy hài nhi Grenouille hướng cái mũi nhỏ xíu của nó vào ông “như thể nó nhìn ông chăm chắm, soi mói, thấu suốt hơn là người ta có thể nhìn bằng mắt, như thể nó nuốt chửng bằng mũi cái gì đấy tiết ra từ người ông,”
Đây là tình huống điển hình đầu tiên trong câu chuyện này về sự phân tách hai thực tại, một đằng “khởi thủy là Lời” với một đằng “khởi thủy là” Mùi.
[Nếu bạn vẫn băn khoăn về tính thích đáng của việc đặt vấn đề từ cái sự kiện đầy vẻ hoang đường này, bởi vì dù sao mối băn khoăn đó cũng vẫn có chỗ đứng bên mọi câu chuyện, thì xin hãy nhẩm đến một câu Kiều: “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh. Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng. Có nhà viên ngoại họ Vương”… Ở đây cũng vậy thôi. Vào cái “ngày 17 tháng 7 năm 1738”, ở cái chốn “hôi thối nhất” của thành phố Paris, Grenouille đã chào đời một cách xác thực chẳng khác gì cô Kiều!].
Vậy là Cha Terrier, một đại diện của Ngôi Lời trên trần thế, đối mặt với gã Hồng hài nhi Jean-Baptiste Grenouille trong một bầu không khí lặng im, đầy ngờ vực và chia rẽ. Cha có thể nói gì với nó được?! Tất cả quyền lực của Cha đối với đứa bé này, vào lúc đó, chỉ có thể biểu thị ra đường ngôn ngữ. Mà Cha đã biểu thị rồi, bằng những âm thanh nựng nịu, nhưng chẳng nước non gì. (Đây cũng là một phần trong motif của Mùi hương: quyền lực tối cao của cái có thể tác động đến lòng yêu thương trong con người.) Trong khi đó, gã hài nhi lại có thể tác động đến Cha, nắm bắt và thấu suốt Cha bằng cái mũi lạ lùng của nó, cái mũi giống như “thứ hoa nhỏ ăn thịt trồng trong vườn của đức vua” (Mh, tr.31).
Tình huống này lên đến đỉnh điểm gay gắt qua lời kể diễn giải: “Nó đánh hơi ông! Và ông chợt có cảm giác như người ông hôi mùi mồ hôi và giấm, mùi cải muối chua và mùi quần áo không giặt. Ông có cảm giác mình đang trần truồng và xấu xa…” (Mh, tr.31). Lời trần thuật về cảm giác này giống như một lời xưng tội thành khẩn nhất, và tệ hơn, giống như một lời cáo buộc. Và thực ra còn tệ hơn nữa: nó giống như một sự lật tẩy, không chút xót thương nào – Và bởi cái cảm giác đó quy chiếu về cái thực tại của mùi, cho nên nó ngăn chặn vĩnh viễn bất cứ một lời biện bạch bào chữa nào quy chiếu về thực tại của ngôn ngữ. Chẳng hạn, với cái cảm giác bị lột trần, bị lật tẩy trước động thái “đánh hơi” của thằng nhỏ Grenouille còn đang phải ẵm ngửa kia, liệu nhân vật Cha Terrier có thể cất lời cãi vã, phủ nhận… gì không? – Không. Không một chút nào. Trong cuộc đối thoại với lặng im như thế, ngôn từ cũng trở thành lặng im.
Nhưng đó không phải là kiểu lặng im một tiếng trống đánh lảng. Mùi hôi toát lên từ người Cha Terrier đã được xác nhận trong những mô tả trước đó (Mh, tr.14), vậy nên lời trần thuật (đã dẫn) về cảm giác bị lật tẩy của Cha Terrier đã xác nhận tính chân lý trong kết quả “đánh hơi” của đứa bé Grenouillle. Chân lý như là một định nghĩa: phát biểu về sự vật trùng khớp với sự vật ấy. Ở đây, tạm gọi đó là một chân lý duy kinh nghiệm.
Và sự so sánh đã được đưa ra rồi. Trước đó, trước lúc Cha Terrie rụng rời nhận ra thằng bé nó ngửi được mình, thì Cha đã rất hùng hồn bác bỏ ý kiến của nhân vật chị vú Jeanne Bussie về việc thằng nhỏ Grenouille quái gở không có mùi trẻ con thông thường; các lập luận của Cha rất sách vở, như đinh đóng cột; cuối cùng Cha còn viện dẫn một câu thơ của Horace (- La Mã! Kinh viện! Thế giới của ngôn từ!-) và Cha chẳng khó khăn gì khi xếp sắp những quân Domino chân lý của mình: “Mùi thơm của con người bao giờ cũng là mùi thơm xác thịt, nghĩa là một mùi thơm tội lỗi. Thế thì làm thế nào mà trẻ sơ sinh ngay cả trong mơ cũng không biết đến tội lỗi xác thịt lại có mùi được? Làm thế nào nó có mùi được? Tú ti tú ti? Tất nhiên là không rồi?” (Mh, tr.30). Ừ nhỉ!! Câu hỏi tất nhiên mà Cha không đặt ra là: làm thế nào Cha biết những điều này là đúng? – Nhờ sách vở.
Với nhân vật Cha Terrier, chân lý trước hết là những chân lý siêu nghiệm mà nền tảng và căn cứ là ngôn từ, là lời.
Đến đây, có thể nói câu chuyện của Patrick Suskind đã giương xong hai gọng kìm, một trận thế, một cái bẫy. Bộ khung cận – lịch sử của truyện kể này, chọn bối cảnh nước Pháp giữa thế kỷ 18, gợi lên tính chất một dụ ngôn về thời hiện đại bằng cách hư cấu một diện mạo buổi đầu của cái thời đại đó. Thiên tiểu sử này không có chút gì là ngẫu nhiên, từ cái tên nhân vật Jean-Baptiste Grenouille, cuộc đời ngắn ngủi 25 năm kỳ lạ của gã, niềm xác tín hẹp hòi và bất chấp của gã vào “cái đẹp thuần túy” của một thứ nước hoa có sức lôi cuốn và mê hoặc hết thảy mọi người, tạo nên một thứ quyền lực chuyên chế vô hạn độ – mà để đạt đến, gã đã trở thành một kẻ giết người hàng loạt, trở thành thuốc độc đối với bất kỳ ai gần gũi gắn bó với gã – tất cả những điều ấy tìm thấy hậu duệ trong đời sống hiện đại sau này: từ tình trạng cô đơn rộng khắp, sự sùng bái cái mới, các xu hướng cực đoan thẩm mỹ hay chính trị, cho đến tình trạng miễn dịch đạo đức của nạn ma túy và tội phạm có tổ chức…
Những tình thế biến dạng của nhân cách thật phong phú, nhiều khi đến mức xóa nhòa ranh giới với các chứng tâm thần.
Vậy thì “gã thiên tài kinh tởm” Grenouille là một giả thuyết văn học về phía cội nguồn của tình trạng ấy. Với cỗ máy khứu giác siêu phàm ngửi, phân biệt, ghi nhớ, tái tạo và sáng tạo mọi thứ mùi, bên trong con người của Grenouille, cái tôi duy nghiệm lấn át tuyệt đối. “Nó chỉ cần một chút tối thiểu thức ăn và quần áo. Còn chẳng cần gì cho phần hồn cả. Sự che chở, mối quan tâm, sự dịu dàng, tình yêu, những tình cảm mà người ta gọi bằng đủ thứ tên và cho rằng một đứa trẻ nhất thiết phải có, thì với thằng nhỏ Grenouille là hoàn toàn không cần thiết” (Mh, tr. 36).
Ngoài sự giải thích mang tính định mệnh của truyện kể, rằng nó đã lựa chọn sự sống sót theo kiểu “như một hạt đậu rơi vãi tự quyết định nảy mầm hay không” (Mh, tr.37), yếu tố cho nó mang một cái tôi duy kinh nghiệm lấn át và hoàn hảo đến thế chính là vì thế giới của mùi đã đến với nhận thức của nó trước, một cách lấn át và hoàn hảo. Mãi đến khi bốn tuổi nó mới thốt ra tiếng nói, mà chủ yếu là gọi “tên riêng của những vật, cây cỏ, thú vật, người cụ thể và cũng chỉ khi nào mùi của những vật, cây cỏ, thú vật và người này đột nhiên chế ngự nó” (Mh, tr.40).
Sự chế ngự đó chính là biểu hiện hoàn hảo và lấn át của kinh nghiệm: nó không chỉ ngửi, chẳng hạn, gỗ nói chung, mà ngửi ra từng loại gỗ, “thậm chí từng khúc gỗ một, dằm, mảnh gỗ và ngửi rành rẽ những vật thể khác nhau mà người khác không phân biệt nổi bằng mắt” (Mh, tr. 42). Nó phân biệt, tức là nó nhận thức, “hàng trăm mùi khác nhau, biến đổi thiên hình vạn trạng từng phút, thậm chí từng giây thành một thể thống nhất mới” (Mh, tr. 43). Trình độ cao nhất của sự phân biệt nhận thức thì Grenouille cũng đã đạt tới, như khi bị đẩy đến làm thằng nhỏ cho xưởng thuộc da của lão Grimal, “lần đầu tiên đánh hơi lớp mùi bao quanh Grimal nó biết ngay ông này sẵn sàng đánh nó chết ngay dù chỉ phạm một điều sai trái nhỏ” (Mh, tr.49-50). Sự hoàn hảo này, bạn thấy không, thật đáng ngờ.
Không phải đáng ngờ bản thân sự hoàn hảo đó của những nhận thức kinh nghiệm đó, mà đáng ngờ rằng liệu với sự hoàn hảo đó, có thực là “những khái niệm trừu trượng, đặc biệt về đạo đức và luân lý, là quá khó đối với nó” (Mh, tr.42), đối với gã thần đồng ngửi này?
Những dữ liệu của truyện kể này cho thấy một sự hoán vị đáng kinh ngạc đã diễn ra: cái trừu tượng của mùi đã thế chỗ cái trừu tượng độc quyền của ngôn ngữ. Thay vì một lời giảng giải có điều kiện về một ứng xử đạo đức có điều kiện, chẳng hạn trong tình cảnh Grenouille bị đẩy đến xưởng thuộc da của Grimal, thì “lớp mùi bao quanh Grimal” mà Grenouille ngửi được đã lập tức đưa ra những chỉ dẫn đạo đức mà nó cần tuân thủ, để sống còn. Tình huống đó có vẻ đã biến một chân lý duy kinh nghiệm thành một chân lý siêu nghiệm.
Cho dù không thể là siêu nghiệm theo đúng nghĩa, thì cái chân lý mà Grenouille nắm chắc cũng không cần đến cái tính siêu nghiệm kia. Bản thân nó và những kinh nghiệm tuyệt vời về mùi của nó đã khiến nó trở nên khác biệt một cách hiển nhiên, không thể hình dung nổi.
Và như vậy, trở nên một hiện thân của cái siêu nghiệm, sự hiện diện của “gã thiên tài kinh tởm” này làm phát lộ cái lỗ hổng hun hút của ngôn từ và thế giới ngôn từ. Cái “vương quốc phù du của hương thơm” (Mh, tr.13), với sự có mặt của Grenouille, trở thành một tấm gương soi khiến nhận ra sự phù du lộn ngược của vương quốc ngôn ngữ.
Lộn ngược, một phần bởi những điều là tội ác ở thế giới này lại hóa ra chỉ là sự cần thiết ở thế giới kia – việc Grenouille giết 25 trinh nữ để cất lấy mùi của họ cho việc chế tạo nước hoa, thứ nước hoa duy nhất có sức mạnh khơi dậy và chinh phục tình yêu của mọi con người bất kể nam phụ lão ấu; và còn bởi trong khi tất cả yêu đến phát cuồng cái mùi thơm duy nhất ấy thì Grenouille lại hoàn toàn lãnh đạm: đó chỉ là cái gã sùng bái như sùng bái chính mình, chứ không bị quyến rũ.
Lộn ngược còn bởi vì cái mùi thơm ấy đã làm bộc lộ tính vô đạo đức hồn nhiên (!) như một khía cạnh bản chất, một tính người vốn có trong hầu hết những con người mà Grenouille đã gặp, bất kể họ là ai.
Sự bộc lộ đó cũng đồng thời lật tẩy chính ngôn ngữ – một thứ không hề có mùi, cũng như chính Grenouille là một gã không có mùi – rằng chính ngôn ngữ cũng phù du và ảo tưởng, theo đó thì dường như những đạo đức và luân lý cũng chỉ là ảo tưởng mà ngôn ngữ sinh ra.
Chuỗi lật đổ kinh hoàng dưới tay Grenouille dần trở nên giống như dãy Domino các chân lý siêu nghiệm của Cha Terrier. Và khi cả hai nửa duy nghiệm và siêu nghiệm này của một thực tại duy nhất đã chập vào làm một thì nó trở thành một đương lượng nổ tới hạn.
Trên cái đỉnh vinh quang mà chỉ một mình gã hiểu và nhận biết, “gã thiên tài kinh tởm” này phát hiện ra chính mình là một lỗ hổng – gã không thể nào tự ngửi ra mình, chẳng hóa ra gã cũng chỉ là ngôn từ thôi sao?! Trong cái lỗ hổng đó, cái chết trở thành nỗ lực cuối cùng để tồn tại./.
—————-
* Lê Chu Cầu dịch, Cty Nhã Nam & Nxb Văn học ấn hành, 2007
Nguyễn Chí Hoan
(Visited 14 times, 1 visits today)