Mai Thi Nguyễn-Kim và nguyên lý củ hành

Cuối tháng ba vừa qua, Tia Sáng đã có dịp tham gia một buổi thảo luận bàn tròn thân mật do Viện Goethe tổ chức về truyền thông khoa học với TS. Mai Thi Nguyễn-Kim. Mai Thi là một trong số ít những nhà nghiên cứu trở thành “người của công chúng” tại Đức, là gương mặt đắt giá sở hữu một show riêng vào “khung giờ vàng” trên kênh truyền hình quốc gia ZDF, đồng thời cũng có các trang riêng với hàng triệu người đăng ký trên mạng xã hội như YouTube, Instagram, TikTok.

TS. Mai Thi Nguyễn Kim (thứ hai từ phải sang) trong buổi tọa đàm. Ảnh: Viện Goethe Hà Nội.

Mai Thi được mời đến phỏng vấn tại các show giải trí chẳng khác gì ngôi sao nhạc pop. Thủ tướng Angela Markel đã từng nói về Mai Thi rằng: “Cô ấy đã nói lên cái gì đó mà cá nhân tôi không bao giờ có thể diễn tả được trực quan như thế”. Hai cuốn sách của Mai Thi, “Ngộ quá, cái gì cũng hóa!” và “Đừng như con ếch lên dây cót đã được xuất bản ở nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Việt. 

Điều gì khiến Mai-Thi hấp dẫn đến vậy? Cách thức truyền thông của cô có gì cuốn hút? Cô có một câu trả lời hết sức sáng tạo cho con đường không có gì quá mới lạ của mình: Nguyên lý củ hành. Hãy hình dung một củ hành là một vấn đề khoa học, nếu như phần nhân, phần lõi của nó là những gì là bản chất, là ý nghĩa to lớn nhất của nó, là mục tiêu mà nhà khoa học muốn truyền tải đến mọi người, thì lại là những gì mà đại chúng ít biết đến nhiều nhất. Trong khi đó, những gì ở ngoài vỏ của củ hành, những mẩu tin bề nổi và giật gân thì công chúng tiếp xúc nhiều nhất, thường xuyên nhất, phản ứng mạnh mẽ nhất trên khắp các mạng xã hội vốn chỉ đánh vào cảm xúc như Facebook, Instagram, TikTok. Không giống như nhiều đồng nghiệp e ngại và lo sợ về sự hời hợt của số đông, cô cho rằng đó là tâm lý bình thường của con người. Việc của cô, là làm sao lợi dụng điều này để khiến công chúng sẵn sàng đi cùng mình từ vỏ vào tâm của củ hành, từ những sự kiện “bề nổi” đến cốt lõi của vấn đề. 

Trước câu hỏi của phóng viên Tia Sáng rằng, liệu cô có bao giờ cảm thấy nản lòng, vì các thông tin bịa đặt và sai lệch thì nhan nhản và được yêu thích hơn những thông tin thực chứng. Cô nói: “Đôi lúc cô cũng khó khăn, lo lắng và có lúc muốn hét lên! Có những thứ thực sự nhảm nhí điên rồ (bullshit)” Nhưng đó cũng là lúc cô càng phải dẫn dắt công chúng vào phía bên trong củ hành. “Quan trọng không phải là nhà khoa học phát hiện ra điều gì mà họ đã phát hiện ra nó như thế nào. Nghiên cứu này đã được tiến hành ra sao. Thực ra đây là một cuộc chiến không cân sức, phải mất rất nhiều thời gian để có thể đảo ngược lại một tin giả” – Cô nói. 

Nguyên lý củ hành được Mai Thi triển khai triệt để từ cách kể chuyện cho đến cách lên chiến lược cho các kênh truyền thông của mình. Nhiều video của cô xuất phát từ những sự kiện thời sự đang nóng bỏng, gây tranh cãi và chia rẽ. Các video đều bắt đầu từ những hiện tượng quen thuộc hoặc nổi tiếng để rồi dẫn dắt người xem đến những nguyên lý và phương pháp khoa học sâu sắc hơn. Cô phủ sóng độc giả bằng những video ngắn và vui nhộn trên Facebook, Instagram và Tiktok để rồi kéo họ đến những video dài hơn trên YouTube và cuối cùng là khiến họ tập trung dài hơi hơn, nghiêm túc hơn bằng các cuốn sách của mình. Nếu như “tin giả” hấp dẫn người xem vì đánh vào cảm xúc của họ thì cô cũng “lợi dụng” chiến lược đó. Các nguyên lý khoa học cơ bản của khoa học được đóng gói bằng một vỏ bọc đầy hài hước dưới cách giải thích của Mai Thi. 

Gắn bó với ngành hóa học từ đại học đến tiến sĩ và sau tiến sĩ, từng học và làm việc tại các đại học danh tiếng ở Đức và Mỹ (trong đó có MIT và Harvard), chưa bao giờ cô từng nghĩ mình sẽ trở thành một phóng viên khoa học như bây giờ. Cô nhận thấy rằng, những nhà khoa học trẻ như mình có một tâm thế khác và sinh ra trong một thời kì quá nhiều biến động so với thế hệ trước. Chứng kiến cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 với sự tham gia của Donald Trump đã khiến cô nhận ra rằng: “Mọi thứ đều liên quan đến chính trị cả, kể cả khoa học, nên tôi phải bước ra tháp ngà của mình”.□   

Bài đăng Tia Sáng số 7/2025

Tác giả

(Visited 196 times, 1 visits today)