Một phần của lịch sử Đông Á và Đông Nam Á đã ra đi
Sau sự ra đi của dịch giả Phan Hồng Giang vào tháng 9, trong những ngày này, “ngôi nhà” Tia Sáng lại phải chia tay thêm một cộng tác viên: giáo sư lịch sử Ngô Vĩnh Long (Đại học Maine, Mỹ).
Dẫu hay vạn sự ở đời đều vô thường, mọi khởi đầu đều ẩn chứa trong lòng kết thúc, nhưng tin giáo sư Ngô Vĩnh Long ra đi không khỏi khiến mọi người cảm thấy bàng hoàng. “Trang nhà” facebook mà ông vẫn dùng để trao đổi với bạn hữu gần xa vẫn lặng lẽ mở cửa, trang cá nhân của ông trong trang web của trường đại học Maine vẫn lưu giữ đầy đủ những chia sẻ của ông về con đường học thuật 1:
“Tôi nhận bằng tiến sĩ về lịch sử Đông Á và các ngôn ngữ Viễn Đông từ trường đại học Harvard vào năm 1978. Đầu tiên, tôi tham gia vào Khoa Lịch sử tại Maine năm 1985 và tham gia giảng dạy nhiều khóa về Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á và quan hệ quốc tế giữa các quốc gia trong vùng và với Mỹ. Hiện tại, tôi dạy đại cương Văn minh Đông Á, Nam và Đông Nam Á, lịch sử Trung Quốc hiện đại, lịch sử Nhật Bản hiện đại, Mỹ và Việt Nam: Một lịch sử, và Chiến tranh Lạnh và hệ quả của nó ở Đông Á. Khóa học cuối là một seminar cuối khóa được thiết kế để giới thiệu cho sinh viên sau đại học một nghiên cứu chi tiết về Chiến tranh Lạnh ở Đông Á từ các quan điểm của các cường quốc cũng như những quốc gia bị ảnh hưởng trong vùng. Mục tiêu của nó là đem đến cho các sinh viên sau đại học hiểu biết nền tảng cần thiết và những phân tích tổng thể về những mối quan hệ và tương tác trong các vấn đề quốc gia và quốc tế trong suốt thời kỳ trọng yếu này vì nó có thể giúp các sinh viên đó phát triển các khóa giảng của chính mình một khi họ bắt đầu sự nghiệp giảng dạy…”
Ngoài công việc giảng dạy, giáo sư Ngô Vĩnh Long còn là một chuyên gia tập trung vào các vấn đề về nông dân và phát triển nông thôn ở Đông và Đông Nam Á. “Trong những năm gần đây, tôi ngày càng quan tâm đến câu hỏi về sự phát triển và các vai trò của các chính phủ”, ông viết.
Trong suốt cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy, ông xuất bản hơn 200 bài báo học thuật, sách và chương sách ở nhiều thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Việt. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Before the Revolution: The Vietnamese Peasants under the French (NXB Massachusetts Institute of Technology, 1973; NXB trường ĐH Columbia, 1991); Vietnamese Women in Society and Revolution: The French Colonial Period (NXB Cambridge: Vietnam Resource Center, 1974), Coming to Terms: Indochina, the United States and the War – đồng biên tập với Douglas Allen (NXB Westview, 1991); Nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa (NXB Chính trị quốc gia, 1997)… Với uy tín học thuật của mình, ông thường được mời làm diễn giả tại nhiều hội nghị quốc tế 2
Tuy sống và làm việc nhiều năm ở nước ngoài nhưng ông dành nhiều mối quan tâm đến Việt Nam cũng như tìm những cơ hội có thể để tham gia giảng dạy ở Việt Nam. “Trong suốt năm 2000-2001, tôi là một học giả Fulbright ở Việt Nam, giảng dạy các khóa về sự phát triển kinh tế ở Đông và Đông Nam Á sau Chiến tranh thế giới thứ hai và lịch sử quan hệ quốc tế ở Đông và Đông Nam Á kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”, ông viết như vậy trên trang web cá nhân. Đây chính là quãng thời gian ông đến với Tia Sáng và trao đổi về học thuật trên Tia Sáng.
Là một học giả có tiếng nhưng trong cuộc sống hằng ngày, ông đối xử với mọi người rất hòa nhã, gần gũi và giản dị. Thói quen làm việc một cách nghiêm túc của một học giả, ngay cả khi viết bình luận về một công trình nghiên cứu của đồng nghiệp cũng khiến ông tận tâm tận lực đưa thêm nhiều chi tiết và những thông tin có giá trị quan trọng mà không thể tìm thấy ở đâu vào bài bình luận, đã thể hiện trong những bài viết cho Tia Sáng cũng như những bài trên các báo khác ở Việt Nam.
Vậy mà, một học giả ưu tú như vậy đã vĩnh viễn ra đi…..
————
1.https://umaine.edu/history/people/dr-ngo-vinh-long/
2. https://www.umass.edu/ellsberg/speaker/ngo-vinh-long/