Một số công nghệ và sản phẩm ứng dụng tế bào gốc ở Việt Nam

Các chuyên gia đánh giá tế bào gốc như “phát hiện của thế kỷ”: nhiều căn bệnh nguy hiểm liên quan đường hô hấp, ung thư, xương khớp, tự miễn,… đã được ứng dụng TBG để điều trị thành công.

Ngày 8/12, tại TPHCM, Hội Tế bào gốc TPHCM phối hợp cùng các đơn vị tổ chức Hội nghị khoa học lần thứ XII với chủ đề “Các công nghệ và sản phẩm ứng dụng từ tế bào gốc”.

PGS.TS.BS. Trần Công Toại, Chủ tịch Hội Tế bào gốc (TBG) TPHCM cho biết, TBG với khả năng đặc biệt của mình, đã mở ra một thế giới mới về điều trị bệnh, và y học tái tạo. TBG toàn năng và tế bào đa năng là những loại tế bào đặc biệt, có khả năng phát triển và biệt hóa thành mọi cơ quan của con người. Trong những năm qua, việc ứng dụng TBG đã đạt được bước tiến đáng kể khi chữa trị thành công nhiều loại bệnh lý, từ các bệnh lý ung thư cho đến các vấn đề tim mạch, lão hóa,… Thành công này không chỉ thấy rõ sức mạnh của TBG, mà còn cho thấy sự sáng tạo của cộng đồng nghiên cứu TBG.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu TBG và Công nghệ gen Vinmec, cho biết, đến nay đã có nhiều nghiên cứu được tiến hành để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của liệu pháp tế bào đối với nhiều loại bệnh trên mô hình động vật. Nhiều nghiên cứu ngẫu nhiên và phân tích tổng hợp ở người cũng đã chứng minh tính an toàn, hiệu quả của liệu pháp tế bào đối với bệnh nan y như gan mật, hệ thần kinh, bệnh hô hấp, tự miễn,…

Theo ông Liêm, đối với bệnh xơ gan, hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu, nhưng nhiều nghiên cứu đã cung cấp đủ bằng chứng về hiệu quả của liệu pháp ghép TBG, giúp giảm mức độ nặng của bệnh, duy trì chức năng gan và giảm tỷ lệ tử vong so với nhóm chứng (không ghép TBG). Đối với bệnh tiểu đường, thế giới cũng có nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả của liệu pháp ghép TBG trung mô dây rốn, giúp cải thiện chỉ số HbA1c, giảm liều insulin ở bệnh nhân tiểu đường.

Đối với lĩnh vực trẻ hóa, chống lão hóa, một số nghiên cứu ứng dụng liệu pháp TBG bước đầu cho thấy cải thiện hoạt động thể lực cũng như các chỉ số sinh học về miễn dịch. Ngoài ra, liệu pháp TBG những năm gần đây đã được ứng dụng nhiều đối với bệnh đột quỵ, chấn thương sọ não, điều trị hồi phục các di chứng thần kinh,…

Diễn giả báo cáo nghiên cứu về TBG tại Hội nghị. Ảnh: KA

TS.BS Ciro Gargilo, Khoa Bệnh viện SG Giuseppe Moscati (Taranto, Italia), cho rằng, tầm quan trọng của TBG trong quá trình phát triển, tái tạo và sửa chữa mô được khẳng định qua khả năng tự đổi mới và biệt hóa thành các tế bào trưởng thành của chúng. TBG hiện diện trong tất cả các cá thể và chúng có khả năng hoạt động đến cuối cuộc đời, tuy nhiên tác động trong bảo vệ vật chủ khỏi virus vẫn còn hạn chế.

Kháng virus là một cơ chế phổ biến của tất cả các loại tế bào trong cơ thể. Các tế bào trưởng thành kháng virus bằng con đường ức chế, phụ thuộc interferon thông qua đáp ứng với các protein được kích hoạt bởi interferon. Các TBG lại kháng virus thông qua cơ chế RNA can thiệp (RNAi). Cơ chế mà virus sử dụng để tránh hàng rào bảo vệ của vật chủ, là lý do sử dụng TBG tự thân cũng như khả năng sinh hóa và miễn dịch của chúng để thiết lập lại các phản ứng miễn dịch đã bị phá hủy. BS Ciro Gargilo cho biết thêm, gần đây, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu sử dụng tế bào trong lĩnh vực trị liệu miễn dịch, đặc biệt là mở rộng tiềm năng sử dụng TBG theo hướng có thể phục hồi các hoạt động của cơ thể.

Triển lãm, giới thiệu các kết quả nghiên cứu về TBG trong khuôn khổ Hội nghị. Ảnh: KA

Tại Việt Nam, cũng đã có nhiều đơn vị, cơ sở y tế nghiên cứu, ứng dụng liệu pháp TBG vào chữa trị nhiều loại bệnh.

Chẳng hạn, Bệnh viện Quốc tế DNA đã nghiên cứu thực hiện ghép tế TBG điều trị lão hóa do viêm. Bác sĩ Phan Thanh Hào, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Quốc tế DNA, cho biết, lão hóa do viêm khiến cơ thể con người giảm khả năng chống chọi với stress, mất dần cân bằng nội môi và tăng nguy cơ mắc bệnh như Alzheimer, Parkinson, xơ vữa động mạch, bệnh tim và các bệnh thoái hóa liên quan đến tuổi tác như tiểu đường loại II, loãng xương.

Các bác sĩ của Bệnh viện đã ghép TBG từ mô mỡ tự thân ở bệnh nhân (độ tuổi 40-64), viêm cấp độ thấp liên quan đến lão hóa. Nghiên cứu sử dụng TBG trung mô tự thân của những người có vấn đề lão hóa do viêm để nuôi cấy, truyền TBG lại cho chính người đó. Sau 6 tháng ghép TBG cho thấy an toàn, cơ thể người bệnh đáp ứng tốt.

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHM thì ứng dụng huyết tương giàu fibrin (PRF) kết hợp tế bào gốc trung mô từ máu tủy xương (BM-MSC) trong điều trị tổn thương sụn khớp gối. Kết quả cho thấy, liệu pháp PRF kết hợp BM-MSC tự thân an toàn, quá trình chuẩn bị nhanh chóng, có thể phối hợp dễ dàng với kĩ thuật nội soi khớp thông thường trong điều trị tổn thương sụn khớp gối. Liệu pháp này còn giúp cải thiện đau và chức năng cho người bệnh và phục hồi một phần sụn khớp hư tổn trên MRI.

Hay như Công ty TNHH Thế Giới Gen là một trong những công ty đầu tiên tại Việt Nam thực hiện những nghiên cứu và sản xuất các dòng sản phẩm ứng dụng công nghệ TBG như tách chiết TBG từ mô mỡ, nhung hươu, tảo xoắn Spirulina,…

Tại Hội nghị, các diễn giả đã trình bày những chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu về TBG như Từ tế bào sinh dưỡng đến TBG: Đạo đức trong nghiên cứu và ứng dụng; Liệu pháp tế bào điều trị bệnh nan y – chúng ta đang ở đâu; Tương lai của công nghệ nuôi cấy tế bào thực vật; Hoạt động chống virut của TBG: Giải thích hợp lý cho việc sử dụng chúng trong ứng dụng lâm sàng; TBG ung thư – ứng viên tiềm năng cho phương pháp điều trị nhắm trúng đích bằng thuốc thảo dược, Hiệu quả của việc cấy ghép các tấm tế bào gốc trung mô từ mô dây rốn người trong điều trị nhồi máu cơ tim ở chuột; Suy gan cấp trên nền mạn: Báo cáo ca lâm sàng điều trị thành công bằng thay huyết tương kết hợp ghép tế bào gốc trung mô dây rốn;…

Kiều Anh

Tác giả

(Visited 30 times, 1 visits today)