Mức căng thẳng nhiệt tại Việt Nam ngày một gia tăng 

Dữ liệu khí hậu trong bốn thập niên cho thấy, các mức căng thẳng nhiệt (heat stress) ngày một gia tăng trên hầu khắp Việt Nam.

Hầu hết các vùng của Việt Nam đều phải hứng chịu mức căng thẳng nhiệt ngày một gia tăng. Nguồn: VOV

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe con người, sinh kế và vô số khía cạnh xã hội theo nhiều cách khác nhau, từ việc gia tăng nguy cơ rủi ro đối diện các sự kiện khí hậu cực đoan đến việc gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Dẫu vậy thì chưa có nghiên cứu cụ thể nào về những thay đổi trong căng thẳng nhiệt liên quan đến mức gia tăng nhiệt độ trên khắp vùng miền Việt Nam (Căng thẳng nhiệt được định nghĩa là nền nhiệt cao hơn mức cơ thể con người có thể chịu đựng được nhưng không ảnh hưởng xấu đến sinh lý). Do đó, PGS. TS Ngô Đức Thành (trường Đại học KH&CN Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và nghiên cứu sinh Vũ Nhung (trường Khoa học liên ngành, ĐHQGHN) đã tìm hiểu mối quan hệ giữa nhiệt độ, độ ẩm liên quan và căng thẳng nhiệt thông qua hai câu hỏi chính: 1) sự tương tác giữa nhiệt độ và độ ẩm liên quan ảnh hưởng đến căng thẳng nhiệt như thế nào?; 2) căng thẳng nhiệt thay đổi suốt bốn thập kỷ trước sự gia tăng nhiệt độ như thế nào và cái gì là sự phân bố theo không gian của những thay đổi đó?  

Để trả lời những câu hỏi này, hai nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu thu được trong giai đoạn 1979 đến năm 2018 của 68 trạm khí tượng do Tổng cục Khí tượng Thủy văn quản lý và thực hiện các mô hình tính toán, tập trung vào dữ liệu nhiệt độ tối đa hằng ngày (Tx) và độ ẩm liên quan hằng ngày vào lúc 13h00 (RH13). Đây là cơ sở để họ tính toán mức nhiệt độ cầu ướt tối đa hằng ngày (TWmax), chỉ số thực nghiệm thể hiện sự căng thẳng nhiệt mà một người phải tiếp xúc. Kết quả cho thấy có hai đặc điểm nổi bật của độ ẩm liên quan hằng ngày vào lúc 13h00. Thứ nhất, các giá trị độ ẩm liên quan hằng ngày vào lúc 13h00 ở vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên thấp hơn các vùng khác trong mùa hè và mùa đông xuân. Hiệu ứng Phơn là nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này, khi hơi nước trong các khối khí ẩm đã bị giữ lại ở một bên sườn núi nên khi sang đến sườn núi bên kia chỉ còn khối không khí khô và nóng. Thứ hai, xu hướng giảm (tăng) của độ ẩm liên quan hằng ngày vào lúc 13h00 ở nhiều trạm khí tượng có thể liên quan đến các xu hướng phản hồi gia tăng (suy giảm) của nhiệt độ tối đa hằng ngày. Phát hiện này có thể giúp giải thích một phần từ việc trong một khí hậu ấm hơn (lạnh hơn), khí quyển nắm giữ độ ẩm nhiều hơn (ít hơn), do đó dẫn đến sự giảm (tăng) của độ ẩm tương ứng. 

Từ các kết quả này, hai nhà nghiên cứu phát hiện ra sự gia tăng các ngày căng thẳng nhiệt ở phần lớn các vùng ở Việt Nam, với phạm vi từ 0,8 đến 4,2 ngày qua từng thập kỷ. Các ngưỡng căng thẳng nhiệt mà họ tìm ra vào khoảng 10,5 đến 36,1 ngày mỗi năm (giai đoạn 1979 – 2018), trong đó phần nhiều các trạm khí tượng đều ở mức nhiều hơn 18,5 ngày mỗi năm. Một phát hiện quan trọng nữa là có sự gia tăng đáng kể các ngày căng thẳng nhiệt khắp bốn thập kỷ trên khắp Việt Nam, chủ yếu là mùa hè. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căng thẳng nhiệt nhưng mùa hè là nguyên nhân lớn nhất (chiếm từ 52 đến 80%) hằng năm, ngoại trừ Tây Nguyên và miền Nam, nơi mùa xuân là nguyên nhân lớn nhất (44% và 41%). 

Do đó, nghiên cứu chỉ dấu có sự gia tăng rủi ro căng thẳng nhiệt lên sức khỏe và sản xuất ở Việt Nam, đặc biệt đối với những người làm việc ngoài trời. 

Bài báo “Spatial Distribution and Trends of Heat Stress in Vietnam” (Sự phân bố theo không gian và các xu hướng căng thẳng nhiệt ở Việt Nam), được xuất bản trên tạp chí Environment and Natural Resources Journal, là một phần kết quả của đề tài NAFOSTED “Nghiên cứu biến đổi khí hậu trên khu vực Đông Nam Á và Việt Nam theo các ngưỡng nóng lên toàn cầu từ 1,5ºC đến 4ºC, sử dụng CMIP6 và các thí nghiệm hạ quy mô” (2021) do PGS.TS Ngô Đức Thành làm chủ nhiệm.

Bài đăng Tia Sáng số 11/2024

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)