Mục tiêu cụ thể cho Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ nhất tổ chức ngày 22/11 của Hội đồng Chính sách và Khoa học và Công nghệ (Hội đồng), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi gắm ở Hội đồng nhiều kỳ vọng, và đưa ra những yêu cầu nhiệm vụ cụ thể.

Phiên họp toàn thể lần này của Hội đồng có mục đích nhằm thông qua Quy chế hoạt động của Hội đồng trước khi trình Thủ tướng phê duyệt, xây dựng chương trình công tác và phân công nhiệm vụ các thành viên Hội đồng cho nhiệm kỳ 2012 – 2016.

Ông Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng, khẳng định Hội đồng trong nhiệm kỳ lần này sẽ tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến cho các đề án bổ sung, sửa đổi một số Luật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao Công nghệ, Luật Năng lượng Nguyên tử, v.v, đồng thời đóng góp ý kiến vào các đề án thuộc chương trình công tác của Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ như: xây dựng quy hoạch hệ thống các tổ chức KH&CN; đổi mới mô hình và phương thức hoạt động của các tổ chức KH&CN; chính sách sử dụng nhân lực KH&CN và trọng dụng người tài; chính sách phát triển thị trường công nghệ; đổi mới chính sách đầu tư và cơ chế tài chính cho các hoạt động KH&CN; đường lối hội nhập quốc tế về KH&CN.

Ngoài ra, có bốn vấn đề mà Hội đồng sẽ tập trung nghiên cứu trong thời gian tới, bao gồm: đánh giá tác động của hệ thống cơ chế chính sách đối với hoạt động KH&CN; chính sách ứng dụng những công nghệ của nước ngoài tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao; chính sách phát triển đội ngũ doanh nghiệp KH&CN; chính sách thu hút các nhà đầu tư công nghệ và nguồn nhân lực công nghệ trình độ cao.

Đa số các đại biểu tham dự phiên họp đều nêu những bất cập của cơ chế tài chính hiện hành dành cho các hoạt động khoa học và công nghệ, với tình trạng các thủ tục rườm rà chậm trễ gây thiệt hại cho các dự án và lợi ích quốc gia, trong khi nguồn tiền phân bổ hàng năm quá chậm trễ, ví dụ như liên tiếp trong 2 năm 2011 và 2012, nguồn tiền Ngân sách Nhà nước mới được phân bổ về.

Một số đại biểu đề nghị Nhà nước có chính sách, cơ chế đặc thù để giúp xây dựng đội ngũ các nhà nghiên cứu có năng lực, hình thành nên những nhóm nghiên cứu mạnh, phục vụ những dự án khoa học và công nghệ trọng điểm. Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Quân của Bộ Khoa học và Công nghệ nêu ba điều kiện cần thiết để giúp dự án hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc xây dựng thành công một viện nghiên cứu trọng điểm theo mô hình Viện KIST của Hàn Quốc tại Việt Nam, đó là: một cơ sở pháp lý đặc thù đặc biệt; sự ủng hộ sát sao của Thủ tướng; thu hút thành công đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong nước và nước ngoài. Nếu không có những điều kiện này, mô hình viện KIST sẽ không thể thành công tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Sau khi lắng nghe những ý kiến của các ủy viên Hội đồng và các đại biểu tham dự phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn nhìn nhận rằng những vướng mắc về cơ chế chính sách và những hạn chế trong nhận thức của các nhà quản lý (chưa có ý thức đặt hàng các nhà khoa học) đã và đang khiến các nguồn lực khoa học và công nghệ của đất nước chưa được phát huy đúng mức. Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng yêu cầu Hội đồng phải đề xuất được những điều chỉnh cụ thể về cơ chế, chính sách khoa học và công nghệ, tập trung vào những vấn đề sau.

Một là đóng góp ý kiến cho những đề án cụ thể của Nghị quyết Trung ương VI, đặc biệt trong đó có vấn đề cơ chế đãi ngộ xứng đáng cho các nhà khoa học.

Hai là đưa ra những đề xuất cơ chế chính sách giúp thúc đẩy doanh nghiệp KH&CN, như chính sách về đất đai, thuế, tín dụng, v.v. Thủ tướng lưu ý rằng Việt Nam cần sớm có cơ chế khuyến khích, ưu đãi những sản phẩm KH&CN trong nước có chất lượng tương đương với sản phẩm quốc tế, ví dụ như sản phẩm vắc-xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng, để những sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong nước mà còn tăng khả năng xuất khẩu.

Ba là Hội đồng cần xây dựng đề xuất cơ chế khoán, đặt hàng sản phẩm cho các nhà khoa học. Ông nhấn mạnh rằng Hội đồng cần đề xuất những đề tài nghiên cứu thiết thực với nhu cầu đời sống, ví dụ như nghiên cứu công nghệ chế biến để giải quyết vấn đề thất thoát sau thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Từ những đề tài này, Hội đồng cần đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để giúp nghiên cứu và triển khai thành công. Thủ tướng cũng yêu cầu Hội đồng nghiên cứu cơ chế cụ thể để có thể sử dụng kinh phí của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia cho những đề tài ứng dụng KH&CN được khoán cho các nhà nghiên cứu.

Bốn là nghiên cứu xây dựng kế hoạch tài chính cho khoa học và công nghệ trên khung thời gian 5 năm thay vì hàng năm như hiện nay. Tuy nhiên Ngân sách Nhà nước cho khoa học và công nghệ sẽ tiếp tục được phân bổ hằng năm tùy theo nhu cầu sử dụng của từng năm.

Năm là xây dựng những quy định phù hợp trong Luật Khoa học và Công nghệ để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ.

Sáu là đề xuất chính sách đãi ngộ xứng đáng, thể hiện sự trân trọng đúng mức đối với các nhà khoa học tài năng, qua những chính sách cụ thể như mức lương và chế độ nhà ở.

Trả lời đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Quân về dự án xây dựng viện nghiên cứu theo mô hình Viện KIST tại Việt Nam, Thủ tướng khẳng định sự ủng hộ cao của Chính phủ Việt Nam cũng như Chính phủ Hàn Quốc đối với dự án này. Ông yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ sớm đưa ra những đề xuất cụ thể, khẳng định rằng sẵn sàng nhất trí với những đề xuất cấp thiết trong phạm vi thẩm quyền, và sẽ đề xuất trình Quốc hội thông qua những vấn đề nào nằm ngoài thẩm quyền Chính phủ.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)