Muốn tự chủ, phải có nguồn nhân lực chất lượng cao

Ngày 6/11 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo “Tự chủ ở các tổ chức nghiên cứu của các trường Đại học” nhằm trao đổi quan điểm và kinh nghiệm trong việc thực hiện nghị định 115 của các đơn vị này, với sự tham gia của thứ trưởng Phạm Công Tạc và nhiều lãnh đạo của các tổ chức nghiên cứu trong nhiều trường Đại học như Đại học Bách Khoa Hà Nội; Đại học Công nghệ; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Cần Thơ; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Học viện Bưu chính Viễn Thông; Học viện Kỹ thuật Quân sự…

Tham luận của ba diễn giả tại hội thảo: PGS.TS. Phạm Tất Cảnh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), GS.TS. Dương Nguyên Vũ (giám đốc viện John von Neumann, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), TS. Tạ Hải Tùng (giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Phát triển Định vị sử dụng vệ tinh, NAVIS, Đại học Bách Khoa Hà Nội) không chỉ giới thiệu những thành tựu và bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện cơ chế tự chủ của các viện nghiên cứu trong trường Đại học mà còn gợi mở, đề xuất một số giải pháp có thể áp dụng với nhiều tổ chức khoa học và công nghệ công lập trên cả nước.

Ba diễn giả đều khẳng định, điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện thành công cơ chế tự chủ, các tổ chức khoa học và công nghệ cần có năng lực nghiên cứu và nguồn nhân lực chất lượng cao. Và để có được điều kiện tiên quyết này, họ đã có một số giải pháp như hợp tác quốc tế thông qua việc đào tạo bằng đôi, thực hiện các đề tài liên kết hoặc hợp tác chiến lược với các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế. Một yếu tố khác, theo họ cũng hết sức quan trọng đó là chính phủ cần hỗ trợ bằng những chính sách  như công khai minh bạch trong việc xét duyệt đề tài, có định hướng nghiên cứu chiến lược rõ ràng và sẵn sàng đầu tư cho những đề tài, dự án “dài hơi” trong nhiều năm, thay đổi quy chế tuyển chọn nghiên cứu sinh (dựa trên năng lực nghiên cứu, tinh thần trách nhiệm…thay vì dựa trên đề cương như hiện nay).

Bản tham luận của GS.TS. Dương Nguyên Vũ đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Ông cho biết, đã xây dựng viện John Von Neumann của mình trên cơ sở tam giác tri thức của Châu Âu. Theo đó, một tổ chức nghiên cứu cần phát triển hài hòa ba nội dung: Đào tạo (Education), nghiên cứu (Research) và cách tân (Innovation). Trong đó, cách tân là những đổi mới sáng tạo để hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp. Lấy ví dụ về mô hình của viện nghiên cứu ứng dụng Fraunhofer tại Đức, được coi như một viện tự chủ điển hình ở Châu Âu với 70% kinh phí được doanh nghiệp tài trợ và 30% kinh phí đến từ ngân sách nhà nước, GS khẳng định rằng, các tổ chức nghiên cứu ứng dụng gắn kết với doanh nghiệp vẫn cần sự hỗ trợ về tài chính của chính phủ.

 
 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)