NAFOSTED: Nhìn lại 5 năm đầu tiên

Sáng 16/5 tại Hà Nội, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) đã tổ chức  phiên họp toàn thể để nhìn lại những thành tựu cũng như những mặt bất cập trong chặng đường 5 năm đầu tiên của Quỹ.

Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ Đỗ Tiến Dũng đã trình bày trước các nhà khoa học, đại diện các Hội đồng khoa học ngành và Hội đồng quản lý Quỹ một số bước đổi mới trong công tác tổ chức quản lý của Quỹ, những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, và những định hướng cho các năm tiếp theo.

Theo đó, các công tác xét chọn hồ sơ đầu vào đã dần đạt được tính minh bạch với phương thức thực hiện trực tuyến, từ việc cập nhật thông tin nhà khoa học cho đến việc đánh giá và tạo hồ sơ. Các kết quả đánh giá và thực hiện cũng đã được công bố cụ thể trên website từ năm 2012 và mục tiêu năm 2014 sẽ bổ sung danh mục đầy đủ các đề tài đã thực hiện cùng với kết quả và kinh phí.

Về quản lý chất lượng, việc phản biện độc lập và phản biện quốc tế cũng đang được mở rộng để nâng cao tính khách quan và chất lượng đánh giá, và cũng nhằm tăng cường cơ hội giao lưu học hỏi giữa các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Đến năm 2013, phản biện quốc tế đã được áp dụng với ba ngành (Khoa học Máy tính, Vật lý Lý thuyết và Khoa học Sự sống- Nông nghiệp) và dự kiến trong năm 2014 sẽ áp dụng đối với trên 20% số đề tài của tất cả các lĩnh vực.

Trong nguyên tắc phân bổ kinh phí, Quỹ đã tách riêng hai mảng: công lao động và nguyên vật liệu để cân đối kinh phí giữa các ngành và loại hình nghiên cứu. Nhìn chung, trong 5 năm, kinh phí thực hiện trung bình có chiều hướng tăng và ổn định trong năm 2012- 2013.
Đánh giá cuối kỳ của tám Hội đồng khoa học đã cho thấy các mặt phát triển tích cực khác như xu hướng trẻ hóa lực lượng nhà khoa học (năm 2013 lực lượng nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi đã tăng từ 8 lên 93 so với năm 2009); sự phân bố công trình nghiên cứu đều hơn giữa các vùng- miền; tiếp tục duy trì các hợp tác song phương và chương trình tài trợ nước ngoài của Bỉ và Đức.

Tính hiệu quả của mô hình Quỹ đã được Chính phủ nhìn nhận, thể hiện qua việc mới đây đã chấp thuận tăng vốn điều lệ của Quỹ từ 200 lên 500 tỷ đồng (theo Nghị định 23/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, có hiệu lực từ ngày 1/6 tới đây).

Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại. Đánh giá cuối kỳ về tỷ lệ hoàn thành các đề tài chỉ ra sự chênh lệch lớn giữa các ngành, ví dụ ngành Toán học hoàn thành 93% trong khi ngành Khoa học Trái đất chỉ đạt 31%. Tiến độ hoàn thành nhìn chung cũng tương đối thấp: chỉ gần 64% đề tài đạt đúng tiến độ, nhiều đề tài đã quá hạn ba năm.

Giáo sư Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch HĐKH Vật lý nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng cơ chế khuyến khích các hoạt động hợp tác giữa các nhà khoa học trong nghiên cứu, và hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, đặc biệt là trong các ngành nghiên cứu thực nghiệm, bên cạnh việc đánh giá khách quan phần đóng góp của cá nhân các nhà khoa học. Ông cũng kiến nghị Hội đồng Quản lý xem xét lại thời điểm tính nghiệm thu của các công trình, bởi đối với ngành thực nghiệm, sự bị động trong kinh phí đã dẫn đến nhiều chậm trễ trong nghiệm thu. GS. Đào Tiến Khoa thì kiến nghị phát triển các chương trình dài hơi cho các nhóm nghiên cứu mạnh.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)