Năng suất lao động thấp vì đầu tư cho khoa học chỉ 3,1 USD/người
Trong khi đầu tư cho KH&CN tại Singapore là 1.340 USD/người thì ở Việt Nam, mức đầu tư chỉ 3,1 USD. Chưa nói tỷ trọng đầu tư cho KH&CN trên GDP chỉ 0,4% - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải thích vì sao năng suất lao động của Việt Nam lại thấp nhất khu vực.
Dẫn báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Thủ tướng cho biết NSLĐ ở VN có bước thu hẹp khoảng cách so với khu vực. Nếu như năm 2007 NSLĐ bình quân khu vực gấp 2,12 lần thì đến 2013 khoảng cách này thu hẹp chỉ còn 1,98 lần. So với NSLĐ tại Singapore giảm xuống còn 18 lần. So với Phillipin từ 2 xuống còn 1,8 lần.
Tuy nhiên, Thủ tướng nói dù có bước cải thiện nhưng NSLĐ vẫn còn rất thấp. Dẫn lời Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân rằng NSLĐ tăng chỉ 3% mỗi năm, Thủ tướng cho biết mức tăng NSLĐ này “thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP hàng năm”.
Bên cạnh yếu tố NSLĐ kém, nền kinh tế còn chứa đựng một số yếu tố khác. Đó là việc các ngành công nghiệp sử dụng tới 47% tổng lao động xã hội, cao hơn nhiều so với các nước. Số lao động có chứng chỉ ở mức thấp với chỉ 18,2%. Chỉ số đổi mới công nghệ đứng 71/143 nền kinh tế, đứng thứ 4 Asean, nhưng việc ứng dụng còn hạn chế. Cơ khí, tự động tin học hóa còn thấp.
Dẫn kết quả khảo sát, Thủ tướng cho biết trong ngành chế biến, có tới 52% DN chế biến công nghệ thấp, 31% trung bình và chỉ 12% công nghệ cao.
Đây là hậu quả của tỷ trọng đầu tư cho khoa học công nghệ trên GDP chỉ 0,4%. Hậu quả của đầu tư trên đầu người cho khoa học chỉ 3,1 USD, trong khi ở Singapore, mức đầu tư lên tới 1340 USD.
NSLĐ thấp cũng có nguyên nhân từ việc sản xuất công nghiệp chủ yếu gia công. Công nghiệp hỗ trợ kém. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu xuất khẩu thô. Thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện. Hiệu quả sản xuất kinh doan của DNNN còn thấp.
Để nâng cao NSLĐ, theo Thủ tướng cần phát triển hài hòa giữa ngành vùng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích ứng dụng KHCN nhất là công nghệ sinh học, tăng nhanh sản phẩm nông nghệp lợi thế, có sức cạnh tranh cao, thu hút DN vào nông thôn.
Hình thành chuỗi giá trị từ SX, tiêu thụ. Phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ. Phát triển mạnh nguồn nhân lực trú trọng đào tạo ĐH, đẩy nhanh đào tạo nghề và đặc biệt là phát triển mạnh kinh tế tư nhân, coi đây là động lực phát triển kinh tế, nâng cao NSLĐ.