Ngày hội STEM 2018: Chạm vào 4.0
Tìm hiểu và trải nghiệm những công nghệ mới, đặc trưng cho thời đại Công nghiệp 4.0, như in 3D, trí tuệ nhân tạo, robot tự hành, thực tế ảo… là điểm nổi bật nhất của Ngày hội STEM 2018, diễn ra trọn ngày 13/5 tại Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội.
Phan Trường Anh Khôi (ngồi) và Nguyễn Công Huy (đứng) trình diễn điều khiển cánh tay robot bằng ý nghĩ. Ảnh: Công Nhất.
Không chỉ các hoạt động quan sát, trải nghiệm mà các hoạt động thuyết trình trước công chúng cũng tập trung vào chủ đề Công nghiệp 4.0 thông qua các bài trình bày về AI hay thực phẩm biến đổi gene.
Tại cuộc họp báo công bố sự kiện Ngày hội STEM 2018 với chủ đề “Chạm oooo” chiều 8/5, PGS.TS Vũ Hoàng Linh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức, bày tỏ, thông qua ngày hội này, xã hội, các bậc phụ huynh và các em học sinh sẽ được tiếp cận thông tin về nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, điều đặc biệt rất hữu ích trong bối cảnh CMCN 4.0.
Cũng tại buổi họp báo, hai học sinh Phan Trường Anh Khôi và Nguyễn Công Huy (trường THCS Trưng Vương) đã trình diễn điều khiển cánh tay robot bằng ý nghĩ như một tiết mục nhỏ thể hiện sinh động tinh thần của Ngày hội.
Kết nối giáo dục phổ thông – giáo dục đại học
Ngày hội STEM được tổ chức hằng năm trong khuôn khổ Ngày hội KH&CN Việt Nam từ năm 2015 theo sáng kiến của Tạp chí Tia Sáng (nay là Ấn phẩm Tia Sáng của báo Khoa học và Phát triển, Bộ KH&CN) và Liên minh STEM, dưới sự bảo trợ của Bộ KH&CN.
Trong số bốn lần tổ chức thì có ba lần Ngày hội được tổ chức ngay trong khuôn viên các trường đại học – Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học KH&CN Hà Nội (USTH), và lần này là Đại học Khoa học Tự nhiên.
Vì sao Ngày hội STEM lại không thể thiếu sự tham gia của các trường đại học? Có thể coi phát biểu của TS Phạm Trần Lê, Phó TBT Phụ trách báo Khoa học và Phát triển, tại buổi họp báo, là câu trả lời: “Ngoài khía cạnh đây là một mắt xích, một khâu cuối trong quá trình giáo dục đối với các em, thì giảng đường đại học là một không gian văn hóa đặc thù, là nơi khởi nguồn tri thức mới, là nơi khởi nguồn ra các xu hướng đổi mới sáng tạo.”
Về phía mình, Đại học Khoa học Tự nhiên coi việc đứng ra đăng cai Ngày hội STEM 2018 vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm xã hội. “Đây không chỉ là vinh dự, mà còn là trách nhiệm xã hội của nhà trường, bởi vì khẩu hiệu của chúng tôi là ‘Tri thức, tiên phong, sáng tạo và trách nhiệm xã hội’. Chúng tôi làm nghiên cứu cơ bản thì không chỉ tham gia nghiên cứu, mà còn có trách nhiệm trong việc truyền bá khoa học, truyền bá sự đam mê đến học sinh phổ thông…” PGS.TS Vũ Hoàng Linh nói.
TS. Đào Sỹ Đức, Bí thư Đoàn trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cho biết, trường đã chuẩn bị một chương trình labtour rất thú vị để cho các em học sinh được trực tiếp thực hiện thí nghiệm trong phòng thí nghiệm trọng điểm của trường. Trong đó, phòng thí nghiệm của Khoa Vật lý sẽ cho học sinh trải nghiệm một số thiết bị như thiết bị gia tốc, kính hiển vi điện tử quét; phòng thí nghiệm của Khoa Sinh học sẽ chuẩn bị các thí nghiệm rất gần gũi như quan sát trực tiếp vi sinh vật dưới các tiêu bản; Phòng thí nghiệm về môi trường của Khoa Môi trường sẽ cho học sinh tham gia vào toàn bộ quy trình đánh giá chất lượng nguồn nước; Bảo tàng Địa chất của Khoa Địa chất sẽ giới thiệu những bộ sưu tập đá, đá quý. Đặc biệt, sẽ có trình diễn loạt thí nghiệm được kịch hóa nhằm chính thức phát động cuộc thi tìm hiểu về Bảng Tuần hoàn hóa học.
Học sinh trường làng đã “chạm” vào STEM
Một trong những mục đích của Ngày hội STEM là nhằm phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM, theo đó học sinh được làm quen với việc phát triển ý tưởng sáng tạo và hướng nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, còn các nhà quản lý giáo dục – đào tạo và giáo viên tiếp cận phương pháp học qua hành hướng tới từng học sinh.
Khi ngày hội STEM được tổ chức lần đầu, đây là ngày hội duy nhất trên cả nước; từ sau đó, lác đác có vài trường tổ chức được Ngày hội STEM của riêng mình. Thế nhưng đến nay, ngay những trường cấp huyện hay các trường ven đô cũng tổ chức được Ngày hội STEM, theo TS. Đặng Văn Sơn, sáng lập Học viện sáng tạo S3, một trong những người đồng hành chung thủy với Ngày hội STEM. Nhiều trường thậm chí hình thành được các câu lạc bộ STEM hoặc đưa STEM vào chương trình học. Điều đó có nghĩa là hàng vạn lượt trẻ em và thầy cô đã được tiếp cận với phương pháp giáo dục STEM.
“Điểm mới của Ngày hội STEM 2018 là sẽ có sự tham gia của các trường THPT An Dương, Hải Phòng, khối chuyên thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên, Chuyên Hưng Yên; các CLB STEM của các trường phổ thông và đặc biệt là sự tham gia của các trường cao đẳng nghề sẽ góp phần định hướng nghề nghiệp cho các em,” TS Đặng Văn Sơn cho biết thêm. Đây là điểm rất đáng ghi nhận bởi các năm trước đó, chỉ có đại diện của các trường mà chưa có câu lạc bộ STEM nào góp mặt tại Ngày hội STEM.
Ngày hội STEM 2018 do Đại học Khoa học Tự nhiên, Học viện Sáng tạo S3, Học viện STEM, Kidscode, PoMath, Long Minh, và báo Khoa học và Phát triển tổ chức. Dự kiến, Ngày hội sẽ đón khoảng 3.000 lượt học sinh, cao gấp rưỡi năm ngoái, cùng 500 lượt cha mẹ, giáo viên và nhà quản lý giáo dục.
Hai hoạt động lớn dành cho học sinh (yêu cầu có đăng ký trước) bao gồm: Labtour (thăm các phòng thí nghiệm của DDHTN và thực hiện một số thí nghiệm nhỏ); Lớp học STEM (trải nghiệm lập trình, robot, hóa học vui, toán học ứng dụng…). Các hoạt động tự do dành cho học sinh (không cần đăng ký trước): Gian hàng của Các trường, CLB STEM sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm khám phá khoa học như: giải mật mã, makey makey (chơi nhạc cụ với trái cây), nhiễm điện do cọ sát, ống ma thuật, vẽ tranh bằng con lắc đơn, xây dựng mô hình gỗ Kapla, cân bằng trong thế giới tự nhiên, xe robot tự hành, bong bóng xà phòng, kim loại chạm nước, bộ sản phẩm smart school, nhà Rông Tây Nguyên, kính thực tế ảo, đồ chơi bắn bóng, robot biết đi, mô hình hệ mặt trời, mô hình đèn hệ mặt trời, các thiết bị tự động hóa, máy in 3D, máy vẽ, Laser CNC… Các em học sinh còn được làm thí nghiệm vui (Vòi rồng, Đĩa nhựa bay, Bong bóng xà phòng khổng lồ, Pháo dây cháy trong cốc nước…), xem trình diễn robot xếp rubic, đặc biệt là xem một số thí nghiệm về tạo tiếng nổ… Hoạt động dành cho phụ huynh và giáo viên (mở cửa tự do), bao gồm: Bài giảng đại chúng (GS. Hồ Tú Bảo, Viện trưởng Viện John Von Neumann, ĐHQG TP HCM, thành viên Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán giảng về “Trí tuệ nhân tạo”; PGS. TS. Nguyễn Quang Huy, Trưởng khoa Sinh học, Trường ĐHTN, ĐHQGHN giảng về “An toàn Sinh học với thực phẩm biến đổi gene”); Hội thảo cho giáo viên và cha mẹ học sinh nhằm đưa ra một số gợi ý hướng dẫn phụ huynh đến với giáo dục STEM và hướng dẫn giáo viên thực hiện các bài dạy định hướng STEM.