Ngày hội STEM: Những giá trị không đo đếm được
Trong việc truyền bá và phát triển các hoạt động cộng đồng về giáo dục STEM thì Ngày hội STEM là một hoạt động nổi bật, thu hút được rất nhiều sự quan tâm của học sinh, phụ huynh, các chuyên gia giáo dục và cả chính quyền.
Tiêu Hồng Nhung (phải), HS lớp 11, trường THPT An Dương, huyện An Dương, Hải Phòng đang giải thích về quá trình thiết kế, lập trình hai robot dò đường và tránh vật cản trong ngày hội STEM 2018. Ảnh: Bảo Như.
Ngày hội STEM đầu tiên ở cấp độ quốc gia được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ KH&CN vào năm 2015 với sự tham gia của nhiều đơn vị giáo dục STEM tư nhân và đồng thời là những người sáng lập ra chuỗi sự kiện này như: Học viện Sáng tạo S3, Học viện STEM, Công ty Long Minh,… và Tạp chí Tia Sáng [nay là Ấn phẩm Tia Sáng của báo Khoa học và Phát triển, Bộ KH&CN]. Sự kiện diễn ra tại hội trường C2 trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tuy nhiên, trường Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ đóng vai trò như một đơn vị cho thuê địa điểm chứ hoàn toàn không tham gia các công tác tổ chức. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KH&CN lúc bấy giờ là ông Nguyễn Quân đã dự lễ khai mạc, thể hiện sự quan tâm, cổ vũ quý giá đối với giáo dục STEM.
Tại Ngày hội STEM lần thứ 2 do Cục Thông tin và Công nghệ Quốc gia (Bộ KH&CN) đăng cai vẫn thiếu vắng sự tham gia của các trường đại học, đặc biệt là các trường thuộc các khối ngành STEM. Bởi vậy, những người sáng lập chuỗi sự kiện Ngày hội STEM đã quyết tâm đưa sự kiện này trở về với nơi nhẽ ra nó phải bắt đầu. Kết quả là, các Ngày hội STEM quốc gia tiếp theo liên tục được tổ chức tại các trường đại học: Trường Đại học KH&CN Hà Nội (Đại học Việt – Pháp) năm 2017 và Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2018 và 2019.
Điều quan trọng nhất trong việc kêu gọi sự tham gia các trường đại học,viện nghiên cứu, tổ chức, công ty liên quan đến các lĩnh vực STEM chính là để hình thành nên Hệ sinh thái giáo dục STEM tại Việt Nam và tạo ra sự hỗ trợ qua lại giữa các bên mà đối tượng thụ hưởng trực tiếp là các em học sinh. Nhưng mối quan hệ này không chỉ diễn ra theo một chiều bởi khi mang đến cho các em học sinh cơ hội tiếp cận trực tiếp với các sản phẩm, vấn đề KH&CN, nhà nghiên cứu và phòng lab thì bản thân các trường đại học có cơ hội quảng bá tuyển sinh, các công ty có dịp đào tạo khách hàng tiềm năng về các công nghệ mà công ty đang sử dụng,…
Thành công của chuỗi Ngày hội STEM cho đến nay không phải là việc có bao nhiêu em học sinh, bao nhiêu công ty, trường đại học… tham gia, mà ở khả năng lan tỏa của tinh thần giáo dục STEM tới khắp các trường phổ thông trên cả nước. Khởi đi từ Ngày hội STEM đầu tiên, cùng với sự vận động, hỗ trợ không ngừng nghỉ của các thành viên trong “Liên minh STEM”, phong trào giáo dục STEM đã lan tỏa đến các vùng miền từ miền núi, biên giới như Hà Giang, Nghệ An, tới các vùng đồng bằng ven biển như Hải Phòng, Hạ Long… bằng các hoạt động cụ thể. Cũng đã có hàng trăm Ngày hội STEM được tổ chức ngay tại các trường phổ thông và các cấp giáo dục cao hơn như Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục.
Trong số các địa phương đi đầu về hoạt động phong trào phải kể đến huyện Thanh Chương – Nghệ An, nơi có 88 CLB STEM ở các cấp học với 100% giáo viên phụ trách các CLB STEM đã được tập huấn chuyên môn về Robot và tích hợp STEM theo chủ đề. Khác với mô hình CLB STEM tại các thành phố lớn, được vận hành và duy trì hoạt động bởi các giáo viên đến từ các công ty giáo dục STEM, tại các vùng nông thôn, hoạt động của các CLB STEM do chính giáo viên của nhà trường đảm trách với sự đào tạo, chuyển giao chương trình của Học viện Sáng tạo S3 và Học viện Kidscode. Thanh Chương cũng là nơi đầu tiên trên cả nước tổ chức cuộc thi Robot bơi cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở trong Ngày hội STEM năm 2018 tại địa phương.
Cùng với Thanh Chương còn có các huyện khác như Nam Trực – Nam Định, Thái Thụy – Thái Bình, đều là nhưng huyện có các CLB STEM ngoài giờ học hoạt động rất tích cực, làm tiền đề cho các Ngày hội STEM cấp trường và cấp huyện hàng năm với sự tham gia của 100% các trường trên địa bàn.
Trở lại với những thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi hoạt động giáo dục STEM thực ra mới chỉ được tổ chức chủ yếu tại các trường tư thục; trong khi đó, các trường công còn rất dè dặt với các hoạt động giáo dục STEM và mô hình CLB STEM. Chỉ có một số khu vực vùng ven như quận Bắc Từ Liêm là có 100% các trường THCS có CLB STEM và đã tổ chức các Ngày hội STEM xen kẽ với các hoạt động khác như hoạt động chào xuân, hoạt động kỉ niệm thành lập Đoàn TNCS hay Ngày hội đọc sách của nhà trường.
Sự lan tỏa của Ngày hội STEM là tín hiệu rất đáng mừng và cũng là mong muốn của những người sáng lập ra sự kiện này. Tuy nhiên, để hoạt động Ngày hội STEM diễn ra thường xuyên và liên tục hơn nữa tại các trường học, những người sáng lập rất mong chờ những chính sách ở tầm vĩ mô của ngành giáo dục theo hướng đưa Ngày hội STEM trở thành một hoạt động bắt buộc của các trường có triển khai mô hình CLB STEM. Cùng với đó là sự đồng hành mật thiết hơn nữa của các trường đại học, viện nghiên cứu, công ty… để Hệ sinh thái STEM tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
TS Đặng Văn Sơn (Nhà sáng lập Học viện Sáng tạo S3)