Nghệ thuật cao siêu rất đời thường
Với nghiên cứu lý luận, lịch sử văn hóa nghệ thuật thì các công trình “hàn lâm”, dài hơi là phần lõi xác định tầm thâm cao của nghiên cứu. Với Phan Cẩm Thượng là các công trình uy tín như Điêu khắc cổ Việt Nam, Đồ họa cổ Việt Nam, Điêu khắc Tây Nguyên, Chùa Dâu- Tứ Pháp, Chùa Bút Tháp…
Hai vùng đệm và ngoại biên của Phan Cẩm Thượng làm người ta bất ngờ vì bề rộng của chúng với những gợi ý sắc, những tranh biện thoải mái và những nhận xét đôi khi cực đoan cùng xúc cảm thẩm mỹ rất tinh tế. Cái không khí “yên ba giang thượng”- trên sông khói sóng, vây phủ không xóa nhòa những đường cong tư duy có sức lay động như viên sỏi ném xuống hồ lặng. Có lẽ tính cách nghệ sĩ xuất hiện ở câu văn ở đây cũng giống như trên tranh của ông, đặc biệt ở các đồ họa đen trắng mạch lạc mà bí ẩn. Tất nhiên thiên về nghệ thuật cổ, cả trong nghiên cứu và sáng tác nhưng tác giả cũng là một người đương thời, dấn thân, rất hữu trách với mọi thứ tân kỳ, mọi thế sự của nhân gian trước mắt.
Văn phong vượt qua tài làm văn. Văn phong cho thấy phong thái, chiều kích của học giả. Khi đó nó không còn là cái thuyền chở đạo nữa mà chính là hình dạng của đạo. Thỉnh thoảng đạt tới mức đó đã là hiền.
Biết gì viết nấy là cách thành thật của người làm báo. Những nhận định có thể chưa nêu được bản chất sự việc, nhưng sau đó có thể đúc thành các khảo cứu chuyên sâu. Tôi cảm thấy, chỉ viết về mỹ thuật hay nghệ thuật thôi không đủ, cần phải mở rộng ra và đặt nó trong các tương quan xã hội. Vai trò người nghệ sỹ hôm nay cũng khác, họ chuyên môn hơn, chuyên nghiệp hơn, nhưng xã hội hóa cũng mạnh hơn. Người nghệ sỹ có thể làm bất cứ bộ môn nghệ thuật nào mà họ muốn và có khả năng. Sự liên hệ của nhiều ngành là tất yếu, ví dụ nghệ thuật và vật lý, sân khấu và hội họa… cho thấy đời sống nghệ thuật hôm nay đã thay đổi hoàn toàn, khả năng can thiệp của nó vào xã hội là cực mạnh và trực tiếp, dẫn đến những ngôn ngữ đại chúng.
PHAN CẨM THƯỢNG