Nghiệm thu quy trình xử lý rác thải sinh hoạt bằng chế phẩm vi sinh sản xuất tại chỗ
Bộ KH&CN vừa nghiệm thu một đề tài độc lập cấp nhà nước đã xây dựng thành công quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh tại chỗ để xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành thứ mùn mà từ đó có thể tiếp tục chế biến thành phân hữu cơ.  
Trong phiên họp nghiệm thu đề tài độc lập cấp nhà nước “Hoàn thiện công nghệ sản xuất và triển khai ứng dụng chế phẩm vi sinh vật ưa nhiệt để xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại các nhà máy xử lý rác thải” chiều 18-3, chủ nhiệm đề tài PGS.TS Tăng Thị Chính cho biết, từ tháng 9/2012 đến tháng 9/2014, Viện Công nghệ môi trường đã cùng với Công ty TNHH một thành viên Quản lý Công trình đô thị Hà Tĩnh bắt tay thực hiện dự án theo các công đoạn: xây dựng nhà xưởng, hoàn thiện quy trình tuyển chọn, nhân giống các chủng vi sinh hữu ích, hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh vật ưa nhiệt (Sagi Bio) phân hủy chất thải hữu cơ, quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh hữu ích để sản xuất phân hữu cơ vi sinh…
Một trong những thành công của dự án là xây dựng được quy trình chế phẩm vi sinh vật ưa nhiệt Sagi bio tại chỗ cho các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, làm giảm chi phí sản xuất và vận chuyển chế phẩm. Dự án cũng đồng thời xây dựng quy trình chế biến mùn hữu cơ thu được từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân hữu cơ vi sinh đạt yêu cầu theo quy định của Bộ NN&PTNT.
Quy trình sản xuất chế phẩm Sagi bio bước đầu đã được đưa vào áp dụng tại nhà máy của Công trình đô thị Hà Tĩnh với công suất 100 đến 200 kg/mẻ có chất lượng ổn định và đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ NN&PTNT, thời gian xử lý cũng được rút ngắn từ 45 đến 50 ngày xuống còn 30-25 ngày. Việc sản xuất phân bón hữu cơ đạt công suất 15 đến 20 tấn/ngày. Sản phẩm phân hữu cơ này đã được dùng để cải tạo hàng trăm ha đất hoang hóa bạc màu ven biển tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh và đưa vùng đất này thành vùng trồng rau cho hiệu quả kinh tế cao.
Kết thúc dự án, toàn bộ quy trình sử dụng chế phẩm vi sinh vật xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ đã được PGS. TS Tăng Thị Chính chuyển giao cho công ty Quản lý Công trình đô thị Hà Tĩnh. Quy trình sản xuất cũng được Viện Công nghệ môi trường đăng ký bảo hộ độc quyền với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN.
Trước những kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài thực hiện ở mức tốt, có 6/12 sản phẩm vượt mức đăng ký song yêu cầu chủ nghiệm đề tài cần làm rõ mức hoàn thiện công nghệ theo mục tiêu đề ra: xử lý mùi, rút ngắn thời gian xử lý…
Sự phối hợp của Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam với công ty Quản lý Công trình đô thị Hà Tĩnh trong vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt đã đem lại mô hình thành công về hợp tác giữa nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Viện Công nghệ môi trường đã chủ động nghiên cứu các chủng vi sinh vật hữu ích từ nhiều năm qua và tuyển được những chủng phù hợp với yêu cầu như ưa nhiệt, cố định ni tơ, sinh chất kích thích sinh trưởng… Mặt khác, công ty Quản lý Công trình đô thị Hà Tĩnh cũng hội tụ đủ điều kiện hợp tác như có phòng thí nghiệm đủ khả năng triển khai ứng dụng công nghệ được chuyển giao, sở hữu hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại nhập từ Bỉ, có số vốn đối ứng phù hợp để giải bài toán kinh phí và thực hiện dự án. Vì vậy, ngoài 4,5 tỷ đồng được cấp từ ngân sách nhà nước, dự án sản xuất thử nghiệm còn có thêm 26,671 tỷ từ công ty để hội tụ đủ điều kiện cơ sở vật chất, mua mới trang thiết bị, kinh phí hỗ trợ công nghệ, chi phí lao động… trong triển khai.