Chỉ 1% cá rạn san hô ở Phú Quốc lớn hơn 20 cm
Một nghiên cứu mới đây, là kết quả khảo sát trong hai năm, ghi nhận tổng cộng 125 loài sinh vật biển, thuộc 74 chi của 40 họ, cho thấy số lượng cá có giá trị cao còn rất ít.
Trong đó, các loài ăn tạp chiếm số lượng nhiều nhất (38%), tiếp theo là động vật phù du (24%), các loài ăn thịt chiếm (2%). Mật độ các loài thủy sản có giá trị cao đều rất thấp, như cá sạo (Haemulidae) dưới 0,01%, cá khế (Carangidae) dưới 0,2%, cá hè (Lethrinidae) dưới 0,3%, cá hồng (Lutjanidae) dưới 0,4%, cá mú (Serranidae) dưới 2% và cá bướm (Chaetodontidae) dưới 3%.
Kết quả nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Aquatic Conservation: Marine and Freshwater Ecosystems còn cho thấy một vấn đề đáng lưu tâm hơn, cá lớn có chiều dài trên 20 cm chỉ còn chiếm khoảng 1% tổng số cá rạn (trong phạm vi vùng khảo sát).
Trong nghiên cứu về cỏ biển và quần thể cá rạn san hô ở các khu bảo tồn biển Phú Quốc và quần đảo An Thới, Việt Nam [“Marine Protected Areas ineffectively protect seagrass and coral reef fish communities in the Phu Quoc and An Thoi archipelago, Vietnam”], nhóm tác giả nghiên cứu đánh giá đây là vấn đề “đáng báo động”. Đồng thời, nghiên cứu cũng cho thấy không có sự khác biệt quan trọng về cấu trúc thành phần, đa dạng cá giữa trong vùng bảo tồn và ngoài vùng bảo tồn.
Nghiên cứu đánh giá “những điều này cho thấy hoạt động bảo tồn biển ở khu bảo tồn Phú Quốc chưa hiệu quả”, không như kỳ vọng của các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu về giá trị của các khu bảo tồn biển, đặc biệt những nơi không cho phép đánh bắt (no-take marine protected areas), trong việc cải thiện hệ sinh cảnh biển, bao gồm cả khả năng phát triển nguồn cá, cũng như hỗ trợ nguồn sinh kế thông qua khuyến khích việc sử dụng nguồn lợi hải sản bền vững.
Khu bảo tồn biển Phú Quốc được thành lập từ năm 2007, là một trong 16 khu bảo tồn biển ở Việt Nam hiện nay. Ngoài chức năng bảo tồn loài, sinh cảnh các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, Khu bảo tồn biển Phú Quốc còn bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn và các loài động thực vật biển quí hiếm ở khu vực này.
Từ trước tới nay, Phú Quốc là một trong những ngư trường lớn nhất, trù phú nhất của Việt Nam. Vùng biển khu vực Phú Quốc và An Thới, Kiên Giang có tầm quan trọng lớn đối với ngành thủy sản biển của Việt Nam. Ví dụ, trong năm 2014, tổng sản lượng thủy sản khai thác được ở vùng biển Kiên Giang là 636.170 tấn, tương đương với 20% tổng lượng thủy sản đánh bắt tại Việt Nam. Không chỉ có các loài tôm cá có giá trị cao, nhiều loại “cá tạp” được khai thác để sản xuất nước mắm, bột cá, dầu cá…
Đây cũng là vùng có thảm cỏ biển rộng lớn, có những rạn san hô lớn sinh sống, các rạn san hô ở đây đang là nơi cư trú và cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho các loài cá sống ở rạn. Tuy nhiên, trước nghiên cứu này, cách đây 10 năm, đã có những báo cáo ghi nhận tình trạng suy giảm của rạn san hô Phú Quốc ở mức độ rất nghiêm trọng. Vào năm 2012, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường tỉnh Kiên Giang đánh giá, diện tích san hô ở Khu Bảo tồn biển Phú Quốc bị chết trung bình 56,6%. Nguyên nhân gây ra hiện tượng suy giảm diện tích các rạn san hô là do nhiệt độ nước biển gia tăng bất thường và do hoạt động khai thác mang tính hủy diệt của con người như sử dụng hóa chất, khai thác san hô sống, rác thải, neo đậu tàu thuyền…
Gần đây, nguồn lợi thủy sản ở Việt Nam nói chung đang suy giảm, theo các số liệu điều tra đã được công bố, trữ lượng nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 đã giảm khoảng 14 – 15% so với giai đoạn 2000 – 2005; giai đoạn 2016-2020 tiếp tục suy giảm 22,1 % so với giai đoạn 2000-2005.