Nghiên cứu mới về “hoàng hôn nhiệm kỳ” trong các doanh nghiệp nhà nước

Một nghiên cứu mới đây cho thấy có hiện tượng lãnh đạo các công ty nhà nước tăng cường tuyển dụng trước khi kết thúc nhiệm kỳ mặc dù việc tuyển dụng này không hề giúp nâng cao lợi nhuận cũng như doanh thu cho đơn vị sử dụng lao động.


Doanh nghiệp tư nhân hóa cần phải tối ưu nguồn lực nên sẽ tránh được xu hướng tuyển dụng ồ ạt cuối nhiệm kỳ. Ảnh minh họa từ internet.

Việc tăng cường tuyển dụng, bổ nhiệm khi những nhà quản lý sắp hết nhiệm kỳ đã được các đại biểu quốc hội, báo chí nhắc đến nhiều nhưng đến nay còn chưa có nghiên cứu hoặc khảo sát cụ thể nào về hiện tượng này. Trong nghiên cứu “Last corrupt deed before retirement? Evidence from a lower middle-income country” [“Hành vi tham nhũng trước khi nghỉ hưu? Bằng chứng từ một nước thu nhập trung bình thấp] mới đây, được công bố trên tạp chí Journal of Development Ecoconmics1, một tạp chí uy tín của ngành Kinh tế, tác giả đã bước đầu đánh giá hiện tượng “hoàng hôn nhiệm kỳ” trong phạm vi các doanh nghiệp nhà nước. 

Sử dụng bộ dữ liệu Điều tra Doanh nghiệp Việt Nam của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2011-2013 để khảo sát lượng mẫu hơn 250 nghìn doanh nghiệp, TS.Nguyễn Việt Cường, đang công tác tại Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, nhận thấy có hiện tượng giám đốc sắp về hưu ở các doanh nghiệp nhà nước tuyển dụng nhiều một cách “đột biến”. Cụ thể, quy mô lao động ở các doanh nghiệp nhà nước có giám đốc ở tuổi 59 (trước khi nghỉ hưu một năm theo quy định) cao hơn 20% so với các doanh nghiệp nhà nước có giám đốc ở độ tuổi lân cận. Mặc dù quy mô lao động lớn hơn nhưng doanh thu cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp này lại không cao hơn các doanh nghiệp khác.

Ở các doanh nghiệp cổ phần hóa thì quy mô lao động của doanh nghiệp có giám đốc ở độ tuổi trước khi nghỉ hưu cũng lớn hơn các doanh nghiệp có giám đốc ở độ tuổi lân cận, nhưng mức độ thấp hơn ở các doanh nghiệp nhà nước. Hiện tượng quy mô lao động tăng lên khi giám đốc ở độ tuổi 59 không xuất hiện ở các doanh nghiệp tư nhân. Ở các doanh nghiệp tư nhân và cổ phần hóa, nhiệm kỳ giám đốc không bị ràng buộc chặt chẽ như ở doanh nghiệp nhà nước. 

Nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng hiện tượng tuyển dụng lao động trước khi giám đốc nghỉ hưu trong các doanh nghiệp nhà nước có dấu hiệu giảm đi ở các tỉnh có mức độ kiểm soát được tham nhũng tốt hơn. Các doanh nghiệp nhà nước ở những địa phương có điểm kiểm soát tham nhũng trong chỉ số Hiệu quả và quản trị công cấp tỉnh (PAPI) tốt hơn thì ít có xu hướng tuyển dụng lao động nhiều trước khi giám đốc nghỉ hưu. 

Nghiên cứu kết luận, việc tuyển dụng lao động với quy mô lớn mà không giúp tăng doanh thu cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp phản ánh hiện tượng “hoàng hôn nhiệm kỳ” như thông tin mà báo chí phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây. Tuyển dụng và bổ nhiệm lao động trước khi về hưu có thể mang lại lợi ích kinh tế cũng như phi kinh tế cho người tuyển dụng. Tuy nhiên, việc có đươc các con số thống kê chính thức và trực tiếp về việc lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước nhận hối lộ là rất khó và vượt khỏi phạm vi của nghiên cứu này, TS Nguyễn Việt Cường cho biết.

Chú thích: 
https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0304387821000523

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)