Người tiêu dùng thành thị chưa ý thức hết sức mạnh của mình

Người tiêu dùng thành thị Việt Nam hiện không còn đón nhận sản phẩm của các doanh nghiệp một cách thụ động mà có thể chấp nhận hay không chấp nhận - thậm chí tẩy chay, một sản phẩm trên thị trường dựa trên nhiều yếu tố ngoài giá thành: an toàn cho sức khỏe, minh bạch nguồn gốc, không gây hại môi trường...

Người tiêu dùng có thể cùng đấu tranh để có chất lượng dịch vụ tốt hơn. | Ảnh minh họa: VietJet Air

Đây là nhận xét rút ra từ báo cáo của nhóm làm việc về đạo đức kinh doanh (EBWG) tại hội thảo công bố nghiên cứu “Quan điểm của người tiêu dùng về đạo đức kinh doanh”ngày 13/3/2019 tại Hà Nội. Báo cáo mới này là một trong những nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về đạo đức kinh doanh, hợp phần trước hết của nghiên cứu được tiếp cận dưới góc độ người tiêu dùng, chủ yếu sống ở thành thị. Sơ bộ có thể thấy, quan điểm và nhận thức về các sản phẩm tiêu dùng của họ đã có nhiều khác biệt so với trước, ví dụ theo nhận xét của anh Lê Quang Bình, giám đốc doanh nghiệp xã hội ECUE và là một thành viên của EBWG, “81% người tham gia từng tẩy chay sản phẩm vì lý do doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh như hủy hoại môi trường, quảng cáo không đúng sự thật, gian dối về nguồn gốc sản phẩm, gây hại sức khỏe cho người tiêu dùng…”

Dựa trên góc độ đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, Nhóm EBWG đã đưa ra một vài đặc điểm của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay: 75% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm từ doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh và khi càng cao tuổi, họ càng sẵn sàng mạnh tay chi vì yếu tố này; người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm với các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến mình và gia đình như an toàn cho sức khỏe, minh bạch nguồn gốc và không gây hại môi trường; trong khi đó ít quan tâm đến các đặc tính đạo đức nội bộ của công ty như không phân biệt đối xử với người lao động, chống quấy rối tình dục, đóng thuế, làm từ thiện… ; 81% người tiêu dùng đã tham gia tẩy chay ít nhất một sản phẩm…

Các số liệu này phản ánh những thay đổi về nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về các loại sản phẩm trên thị trường và vấn đề đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp cung cấp những sản phẩm đó: thứ nhất, quyết định sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm có mối quan hệ phụ thuộc vào tuổi tác (và phân hóa theo giới tính) của người tiêu dùng, không hẳn phụ thuộc vào học vấn và thu nhập; thứ hai, đã có một nửa người tiêu dùng cho rằng mình có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp và có thể thay đổi doanh nghiệp thông qua việc lên tiếng, phản đối, tẩy chay hoặc khiếu nại; thứ ba, nhìn chung người tiêu dùng mong muốn doanh nghiệp thực hiện và phát huy đạo đức kinh doanh và sẵn sàng chi trả thêm cho các sản phẩm từ doanh nghiệp thực hành đạo đức kinh doanh …

Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết quyền của mình, ví dụ một nửa số người tham gia khảo sát cho rằng đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp vẫn là việc riêng của doanh nghiệp hoặc vai trò quản lý nhà nước, 50% người tiêu dùng không tham gia tẩy chay vì không có thông tin hoặc không tin là tẩy chay có tác dụng.“Người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn đơn lẻ. Nếu không có sự liên kết, tiếp cận thông tin và dùng những công cụ hiệu quả thì họ khó thực thi quyền lực chính đáng của mình”, anh Lê Quang Bình giải thích.

Không hiếm trường hợp như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2018, 50% chuyến bay chậm, bị hủy tại Cảng vụ hàng không miền Bắc là của hãng VietJet Air song chưa có tiếng nói của một tập thể đủ lớn để buộc hãng phải minh bạch thông tin kịp thời, cũng chưa có hiệp hội người tiêu dùng nào tạo sức ép buộc hãng khắc phục tình trạng này và nâng cao chất lượng phục vụ. Trong khi đó, theo kinh nghiệm thế giới, những thay đổi quan trọng nhất liên quan đến đạo đức kinh doanh và các chuẩn mực được luật hóa đều bắt nguồn từ những khủng hoảng do doanh nghiệp gây ra và người tiêu dùng hành động phản ứng, tạo sức ép công luận buộc chính phủ phải điều chỉnh khung pháp lý. Trước khi thay đổi pháp luật thì có lẽ thay đổi nhận thức chính là điều cần ưu tiên hơn cả.

Theo quan điểm của anh Lê Quang Bình, người tiêu dùng Việt Nam chỉ thực sự phát huy được quyền lực của mình khi coi trọng đạo đức và trách nhiệm xã hội. Đây chính là con đường để chính họ, các tổ chức xã hội dân sự và ngay cả các doanh nghiệp làm ăn có đạo đức cùng nhà nước thúc đẩy điều này.

P.V

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)