Người trẻ và tương lai
Chúng tôi cũng tin rằng mỗi lần viết cho độc giả trẻ là một cơ hội để người đi trước đặt mình vào tâm cảnh của người trẻ, tự phản biện, tự lật lại những nhận thức tưởng chừng đã hoàn toàn chắc chắn trong trải nghiệm quá khứ.
Tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương
Bạn đọc thân mến,
Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Những người từng trải đi trước thường nhận ra được những quy luật hữu ích và có thể truyền đạt lại cho người đi sau. Tuy nhiên, truyền đạt thông tin thì dễ, truyền đạt tâm cảnh thật không dễ, và tâm cảnh mới là điều tạo nên mạch đập cùng sức sống của thông tin.
Cũng giống như hai câu thơ của Mãn Giác Thiền Sư1, ai nghe cũng nhận ra quy luật sinh diệt tuần hoàn của cuộc sống, nhưng sẽ khô khan vô hồn nếu ta chỉ tiếp nhận ngữ nghĩa mà không cảm được tâm cảnh ung dung bình đạm của tác giả.
Khi những phóng viên trẻ của Tia Sáng đề xuất dành chủ đề số báo xuân năm nay cho thế hệ trẻ, trọng tâm là những điều gửi gắm của thế hệ đi trước tới thế hệ đi sau, bản thân tôi phần nào đã hình dung về những trở ngại của quá trình trao-nhận giữa người viết và người đọc.
Đành rằng các cộng tác viên của Tia Sáng đa phần là những nhà tri thức đầy tâm huyết, sẵn lòng gửi gắm đến các bạn trẻ những thông điệp về các giá trị và lý tưởng. Họ cũng là những người có uy tín và thành tựu trong lĩnh vực riêng, có thể chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về con đường đi tới thành công của mình.
Nhưng thế hệ trẻ ngày nay sống trong bối cảnh khác, trưởng thành từ một môi trường khác, có những mối bận tâm khác, và đối diện với những thử thách khác với người đi trước. Trên tất cả, tâm cảnh của thế hệ đi sau chưa chắc đã trùng khớp với thế hệ đi trước bởi họ sống với mạch đập khác. Mà nếu tâm cảnh không gặp nhau, mọi thông tin và trải nghiệm được chia sẻ sẽ trở thành vụn vặt và nhạt nhòa.
Hơn nữa, những gì đúng trong quá khứ chưa chắc đã đúng trong hiện tại. Những biến động thời cuộc chỉ trong ít năm trở lại đây đã cho thấy thế giới dễ bị đảo lộn, con người mong manh và cũng dễ ngộ nhận. Mọi kinh nghiệm chúng ta từng biết đều có thể là chưa đủ để ứng phó với bất ngờ phía trước.
Tuy nhiên, sau mọi xáo trộn và sự khác biệt, chúng tôi tin những bài học và quy luật mà thế hệ đi trước chắt lọc và lựa chọn trao gửi trong mỗi bài viết đều sẽ tìm thấy người đọc trẻ phù hợp và mang lại cho người đó giá trị đáng kể. Quan trọng hơn, dù tâm cảnh không hoàn toàn giống nhau, mạch đập khác nhau, các thế hệ khác nhau hẳn vẫn tìm thấy sự đồng cảm và những rung động chung. Có lẽ đó là nền tảng để chúng ta đặt niềm tin vào con người nói chung.
Chúng tôi cũng tin rằng mỗi lần viết cho độc giả trẻ là một cơ hội để người đi trước đặt mình vào tâm cảnh của người trẻ, tự phản biện, tự lật lại những nhận thức tưởng chừng đã hoàn toàn chắc chắn trong trải nghiệm quá khứ. Điều đó có lẽ cần thiết trong thời cuộc đang diễn ra, và hẳn xưa nay vẫn vậy. Ngay cả bậc cao tăng như Mãn Giác Thiền Sư, trong tâm cảnh ung dung không tạp nhiễm trước thế sự, vẫn tự thấy mình cần phải phá chấp kia mà:
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai
Mỗi lần lột xác trong nhận thức cũng là thêm một lần ta được trẻ lại. Khi cầm trên tay một vài bài viết trong số báo này, của những ai đó từng kinh qua rất nhiều những thăng trầm dâu bể, nhưng tâm cảnh vẫn không ngừng tự phản tư, luôn vận động để làm mới mạch đập của mình, hẳn bạn đọc có thể đồng ý rằng số báo dành cho người trẻ nhưng kỳ thực dành cho tất cả chúng ta, nhắc mỗi chúng ta rằng mình vẫn còn đang trẻ. Tất yếu, chúng ta mong điều ấy không giới hạn chỉ trong một số báo.
——-
1 Các câu thơ trong bài Cáo Tật Thị Chúng của Mãn Giác Thiền Sư, bản dịch của Ngô Tất Tố
(Visited 5 times, 1 visits today)