Nguồn hải sản xa bờ sẽ cạn kiệt nếu không quản lý tốt hệ sinh thái ven bờ
Trái với suy nghĩ phổ biến trong khai thác thủy hải sản là càng đánh bắt xa bờ càng nhiều cá, càng đóng tàu lớn càng đánh được nhiều cá và có lãi hơn, một số nghiên cứu gần đây cho thấy điều ngược lại.
Nguyên nhân chủ yếu do nguồn lợi và các hệ sinh thái có giá trị kinh tế cao chủ yếu tập trung gần bờ (thềm lục địa). Các nghiên cứu đã cho thấy rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa hệ sinh thái ven bờ và nguồn lợi xa bờ1, nếu không quản lý tốt hệ sinh thái ven bờ thì nguồn lợi xa bờ cũng sẽ bị cạn kiệt. Ngoại trừ một số loài di cư như cá ngừ, còn lại càng xa bờ càng ít các loài có giá trị kinh tế cao và chi phí đánh bắt càng cao sẽ càng dễ lỗ hơn. Đặc biệt ở vùng nhiệt đới quy mô đàn cá nhỏ như ở Việt Nam thì đóng tàu càng lớn càng dễ lỗ (cùng với nguyên nhân hiệu quả quản lý, đây cũng chính là một trong những lý do khiến nhiều đội tàu công suất vài trăm đến vài nghìn mã lực đã phá sản).
Dữ liệu nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho thấy, trợ cấp, hỗ trợ nhiều cho ngư dân đánh bắt cá không hẳn giúp thu nhập của ngư dân tăng lên. Bởi thủy sản là loại tài nguyên tái sinh, hằng năm chỉ sinh sản bổ sung một số lượng nhất định, việc đánh bắt quá số lượng sinh sản làm nguồn lợi cá cạn kiệt (như tiêu quá tiền lãi gửi tiết kiệm ở ngân hàng thì một thời gian sẽ mất cả tiền gốc). Trong điều kiện quản lý nghề cá cho phép ngư dân tiếp cận tự do, càng trợ cấp thì sẽ càng khiến chi phí đánh bắt giảm xuống, khuyến khích ngư dân tham gia khai thác dẫn đến nguồn lợi càng cạn kiệt do vậy về dài hạn sẽ càng giảm thu nhập và mất sinh kế của người dân2,3,4.
Đơn cử về cá ngừ đại dương đang suy kiệt, một công bố mới đây của chúng tôi trên tạp chí Regional Studies in Marine Science5 cũng cho thấy nguồn lợi cá ngừ đang ngày càng cạn kiệt do ngư dân được đánh bắt ngoài khơi tự do, được nhận trợ cấp cho đánh bắt. Nguồn lợi cá suy giảm dẫn tới tình trạng trong dài hạn ngư dân sẽ mất kế sinh nhai. Một trong những dấu hiệu nguồn lợi cạn kiệt và khai thác quá mức, quá nhiều tàu tham gia khai thác là các tàu cá Việt Nam phải sang vùng biển của các quốc gia lân cận để đánh bắt trộm và mâu thuẫn, xung đột nặng nề giữa các tàu đánh bắt cá trong vùng biển Việt Nam, như các phương tiện truyền thông đã đưa tin.
Như vậy, dưới góc độ kinh tế, càng trợ cấp thì hoạt động đánh bắt sẽ càng thua lỗ. Hiện nay, bài học của các quốc gia phát triển là, tuy hầu hết các quốc gia có thể làm chủ công nghệ đánh bắt cá ở mọi ngóc ngách của đại dương nhưng có xu hướng kiểm soát chặt chẽ việc đánh bắt để duy trì sử dụng bền vững nguồn lợi, thiết lập hệ thống đảm bảo quyền đánh bắt (fishing rights- property rights) và xây dựng thị trường mua bán quyền đánh bắt (ITQs) để nâng cao hiệu quả đánh bắt.
Trong một công bố đăng trên tạp chí Marine Policy6, chúng tôi phát hiện ra rằng chỉ một bộ phận rất nhỏ (6%) các hộ gia đình ở các xã ven biển theo đuổi chiến lược sinh kế dựa vào hoạt động nuôi trồng thủy sản. Hoạt động này đem lại thu nhập cao hơn đáng kể so với các nhóm sinh kế khác. Thực tế cho thấy tiếp cận đất hay mặt nước cho nuôi trồng thủy sản là nhân tố quan trọng cho mở rộng phát triển loại hình sinh kế này. Từ thực trạng đó, nhóm nghiên cứu của chúng tôi cũng đã đề xuất giải pháp giúp các hộ có được sinh kế tốt hơn qua việc khuyến khích các hộ tham gia nhiều hơn vào hoạt động nuôi trồng thủy hải sản khu vực ven biển. Cùng với đó là công tác quy hoạch và quản lý tốt sẽ giúp cho nguồn lợi thủy sản được khai thác bền vững ở Việt Nam.
Thay vì phân lô bán nền đất ven biển chỉ mang lại lợi ích cho nhóm nhỏ (thường không phải dân địa phương), giải pháp thúc đẩy nuôi trồng thủy sản sẽ mang lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương, có thể bù đắp lại mất mát tạm thời (ngắn hạn) do hạn chế đánh bắt để có lợi ích lâu dài. □
*TS. Trần Quang Tuyến, TS Nguyễn Viết Thành, Đại học Quốc gia Hà Nội
——
Tài liệu tham khảo
1 https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1093/cep/21.1.59
2 https://community.plu.edu/~econ330/doc/mangroves.pdf
3 https://www.science.org/doi/10.1126/science.abm1680
4 https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0308597X19303677,
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0308597X21001184
5 https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S2352485523002104
6 https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0308597X23001616?via%3Dihub