Nhà khoa học công dân tham gia nghiên cứu về nhiễm nấm xâm lấn tại Việt Nam

Các bệnh nhiễm nấm xâm lấn (IFD) đang trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên toàn cầu. Trong bối cảnh dân số thế giới không ngừng tăng lên, các trường hợp nhiễm IFD cũng có chiều hướng gia tăng.

Cryptococcosis là một bệnh nhiễm nấm có khả năng gây tử vong chủ yếu ở phổi, biểu hiện dưới dạng viêm phổi và não. Nguồn: Wikipedia

Những người có nguy cơ mắc cao nhất là những người có bệnh nền hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như bệnh phổi mãn tính, bệnh lao, HIV, ung thư và đái tháo đường. 

Tại Việt Nam, với gánh nặng bệnh lao cao (172.000 ca mắc hằng năm) và HIV (tổng cộng 213.724 ca vào năm 2020), ước tính khoảng 2,5 triệu người bị ảnh hưởng bởi các bệnh nhiễm nấm khác nhau. Các chủng nấm Candida spp. và Aspegillus spp. là hai căn nguyên vi sinh thường gặp tại bệnh viện. Dù đã xác định được các căn nguyên, nhưng việc chẩn đoán và điều trị IFD tại Việt Nam còn nhiều thách thức do khả năng tiếp cận các phương pháp chẩn đoán và điều trị có chất lượng còn hạn chế, cũng như sự xuất hiện của tình trạng kháng kháng nấm.

Với mong muốn tiến hành giám sát nấm trong môi trường cũng như trong các phòng thí nghiệm chẩn đoán lâm sàng, đồng thời áp dụng các phương pháp tiếp cận One Health (Một Sức khỏe) tại Việt Nam, TS. Dương Nữ Trà My, nhà nghiên cứu Lê Minh Hằng và các đồng nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock (trường Đại học Sydney) đã triển khai phương pháp khoa học công dân (citizen science – những nghiên cứu mà người không chuyên có thể chủ động tham gia cùng tạo ra tri thức). Nhóm nghiên cứu nhắm mục tiêu giám sát sáu chủng nấm chính ở Việt Nam được xếp hạng ở mức cao hoặc nguy cấp trong danh mục nấm cần ưu tiên nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới và được công nhận là tác nhân gây bệnh chính ở Việt Nam. 

Trong nghiên cứu này, “chúng tôi đã mời các học sinh phổ thông làm nhà khoa học công dân để theo dõi sáu chi nấm khác nhau (Aspergillus spp., Candida spp., Mucorales spp., Talaromyces marnefei, Cryptococcus neoformans và Histoplasmacapsulatum)”, nhóm nghiên cứu viết trong công bố “Exploring fungal diversity in Vietnam: A citizen science initiative” được đăng tải trên tạp chí One Health của NXB Elsevier. Họ đã phối hợp với các chuyên gia tại Bộ GD&ĐT Việt Nam để xác định 90 học sinh lớp sáu từ các trường trung học ở Hà Nội là những nhà khoa học công dân phù hợp. Học sinh lớp sáu đã được làm quen với kiến thức về vi sinh học, vì vậy các em có kiến thức nền để tham gia vào dự án. Cụ thể, các em sẽ làm theo các bước đơn giản trong video hướng dẫn của nhóm nghiên cứu để thu thập các mẫu đất và không khí từ môi trường xung quanh. Vì học sinh chỉ thu thập mẫu chứ không tiến hành bất kỳ quá trình xử lý nào nên việc tham gia sẽ không gây ra rủi ro nào đến sức khỏe hoặc tinh thần của các em. 

Tất cả các mẫu sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm của Đại học Y Hà Nội, nơi các chuyên gia sẽ tiếp tục xử lý để phân lập và xác định loài. Sau khi quá trình xử lý hoàn tất, các nhà khoa học sẽ chia sẻ hình ảnh và thẻ chứa thông tin thú vị về các loại nấm thu được cho các nhà khoa học công dân để trả lời câu hỏi “Những loại nấm nào hiện diện trong môi trường của bạn?”

Kết quả cho thấy các chủng Aspergillus, Mucorale, Cryptococcus và Talaromyces thường được tìm thấy trong các môi trường tự nhiên khác nhau như không khí, đất, thực vật. Trong khi đó, Histoplasma và Candida chủ yếu xuất hiện trong các mẫu đất. Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy Candida auris trong mẫu không khí, nhưng chỉ trong điều kiện chảy rối sol khí.

Theo các nhà khoa học, khía cạnh giáo dục cũng là một điểm nổi bật đáng kể trong dự án này. Cụ thể, ở Việt Nam, Bộ GD&ĐT xác định hai thách thức chính khi lồng ghép kiến thức khoa học tự nhiên vào Chương trình Giáo dục Phổ thông: (i) cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu và (ii) giáo viên chưa được tập huấn đầy đủ và cơ hội cho học sinh tham gia vào các hoạt động khoa học thực tế còn hạn chế. Vì vậy, “dự án của chúng tôi sẽ mang lại cho học sinh những cơ hội tham gia hoạt động khoa học kích thích trí não và hỗ trợ chúng tiếp cận khoa học theo cách có tính tương tác. Chúng tôi cũng hy vọng có thể nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh nhiễm nấm xâm lấn ở Việt Nam”, các tác giả viết. 

Bài đăng Tia Sáng số 6/2024

Tác giả

(Visited 25 times, 1 visits today)