Nhà khoa học trẻ – những diễn viên cần sân khấu

Chiều 25/8, Tạp chí Tia Sáng đã tổ chức cuộc tọa đàm về những kiến nghị của các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực KH&CN với sự tham dự của một số nhà khoa học sống và làm việc ở Hà Nội.

Tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Thị Khôi (Viện tiên tiến KH&CN, ĐH Bách Khoa HN), mới trở về từ Mỹ hơn một năm, cho rằng, các nhà khoa học trẻ thiếu cơ hội làm việc trong nước, nếu may mắn có việc làm trong các viện/trường cũng ít khi nhận được nhiệm vụ nghiên cứu. TS. Khôi ví von, khi rơi vào trường hợp này, nhà nghiên cứu trẻ giống như những diễn viên không được trao không gian sân khấu để thể hiện tài năng diễn xuất. Vì vậy, chị mong muốn các nhà quản lý khoa học, các nhà khoa học lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm cần đặt niềm tin vào những người trẻ, những người mới nhập cuộc và đang chờ đợi cơ hội được tham gia vào những dự án nghiên cứu tại quê hương mình.

Lấy dẫn chứng từ thời gian học tập và nghiên cứu tại Mỹ, TS. Nguyễn Thị Khôi nhấn mạnh sự tin tưởng và trao quyền tự chủ từ các giáo sư hướng dẫn trong các trường đại học. Sau khi hoàn thành chương trình tiến sỹ và sau tiến sỹ, cũng như các nhà khoa học trẻ khác, chị đã có đủ khả năng hoạt động độc lập, có thể tự tổ chức nhóm, mở phòng thí nghiệm. Nếu được tuyển vào các trường/viện, chị vẫn có thể được coi trọng như các giáo sư, dù tuổi nghiên cứu, kinh nghiệm và danh tiếng khoa học còn ít ỏi.   

Đồng tình với nhận định của TS Khôi, một số nhà khoa học trẻ khác cũng cho rằng, môi trường nghiên cứu khoa học ở Việt Nam chưa tạo nhiều điều kiện cho những người trẻ phát huy khả năng. Việc tham gia các dự án nghiên cứu thuộc chương trình khoa học trọng điểm cấp nhà nước, chương trình KC… của họ còn gặp rất nhiều khó khăn, do phần lớn các chương trình này chỉ ưu tiên các “bậc tiền bối” có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy thời gian đầu về nước, họ cũng trải qua thời điểm hoang mang tìm cách tiếp tục hướng nghiên cứu mà mình đã theo đuổi ở nước ngoài.

Trong số các tiến sỹ trẻ về nước, cũng có những người may mắn trở thành chủ trì nhiều đề tài Nafosted, đề tài Nghị định thư… nhưng đều là những đề tài nghiên cứu ngắn hạn. Là một trường hợp như vậy, TS Trương Thị Diệu Linh (ĐH Bách Khoa Hà Nội) băn khoăn về những cơ hội theo đuổi dự án nghiên cứu dài hơi để có thể triển khai tốt hơn những dự định nghiên cứu.

Cũng là một trong số ít những trường hợp được trao trọng trách phụ trách một viện nghiên cứu khi tuổi đời còn khá trẻ, TS Tạ Hải Tùng, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS, ĐH Bách Khoa Hà Nội) lo lắng về việc các nhà khoa học trẻ có khả năng sống bằng nghề khoa học hay không. Theo quan điểm của anh, dù mong muốn có sự thay đổi nhưng sẽ rất lâu nữa, môi trường nghiên cứu khoa học ở Việt Nam mới được như ở nước ngoài. Để có được đề tài, dự án nghiên cứu, các nhà khoa học trẻ cần bám sát những thông tin mới về thông tư, nghị định, chương trình KC… để tìm hiểu chương trình nào phù hợp với mình và tìm cách tiếp cận.

Góp mặt tại buổi tọa đàm, PGS. TS Nguyễn Ngọc Châu (Viện Sinh thái và tài nguyên môi trường, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam) chia sẻ, hiện nay, việc tuyển các nhà khoa học trẻ gặp nhiều khó khăn, dù viện đã có nhiều chính sách hỗ trợ họ như khen thưởng thành tích nghiên cứu khoa học, tạo sự bình đẳng trong đãi ngộ như với các nhà khoa học lão thành. Tuy nhiên để tạo sự thông thoáng hơn nữa trong quản lý và tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ, các viện nghiên cứu Việt Nam cần được hệ thống lại, tinh giản biên chế…

Theo PGS. TS. Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), để các nhà khoa học trẻ không bị đứt đoạn trong nghiên cứu khi trở về nước, cần có một cầu nối về thông tin giữa họ với các nhà khoa học giàu kinh nghiệm cùng lĩnh vực, ví dụ như một trang thông tin điện tử cập nhật công trình khoa học, hướng nghiên cứu. Qua trang thông tin đó, các thế hệ nhà khoa học cùng lĩnh vực nghiên cứu sẽ có nhiều cơ hội kết nối và khi đó, họ sẽ có thể cùng nhau trao đổi thông tin về đề tài, dự án sẽ thực hiện. Như vậy, các nhà khoa học trẻ sẽ được trao cơ hội tham gia các đề tài, dự án ngay từ khi về nước.

Các viện nghiên cứu sẽ khó tuyển được người giỏi, nếu chỉ dừng lại ở việc hứa hẹn tạo điều kiện phát huy khả năng, TS Tạ Hải Tùng đã đưa ra quan điểm như vậy. Anh cho rằng, những tác động của xã hội hiện tại khiến nhiều nhà khoa học trẻ đặt vấn đề chuyển hướng nghề nghiệp, nếu như sau khoảng thời gian năm năm theo đuổi nghiên cứu mà vẫn không thể sống bằng nghề, trong khi họ có đủ khả năng tự mở công ty hoặc có việc làm lương cao.

Về nguyên nhân gặp khó khăn trong việc tiếp cận đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trẻ, theo TS Tạ Hải Tùng, một phần cũng vì nhiều viện nghiên cứu lớn ở Việt Nam vẫn còn “kín cổng cao tường”, không rộng mở thông tin, dù rằng được trao chủ trì rất nhiều chương trình lớn của đất nước.  

 

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)