Nhà nước luôn coi KH&CN là quốc sách hàng đầu

Tại buổi gặp mặt các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh “Đảng và Nhà nước luôn coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, KH&CN giữ vai trò then chốt để phát triển kinh tế tri thức vươn lên trình độ của thế giới và nâng cao sức cạnh tranh của đất nước”.


Nhân ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam, 18/05/2016, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (Viện) tổ chức buổi gặp mặt các nhà khoa học của Viện, đến dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, đại diện cơ quan quản lý KH&CN.

Cho đến nay, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam luôn là đơn vị dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao như: công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ vệ tinh viễn thám, công nghệ vũ trụ. Kết quả các nghiên cứu của Viện được thể hiện qua số lượng công bố quốc tế, Viện có khoảng 3100 công bố quốc tế, trong đó trên 200 công trình công bố có ISI, chiếm 40 – 45% số công bố quốc tế của cả nước về khoa học tự nhiên. Số bài tạp chí quốc tế có ISI thường xuyên tăng 20%/ năm. Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology của Viện cũng là một tạp chí duy nhất của Việt Nam được xếp vào danh mục các tạp chí quốc tế đạt chuẩn SCI-e năm 2015. Đồng thời, các nghiên cứu ứng dụng của Viện đã phát huy hiệu quả cao cho kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Có thể kể đến một số kết quả chính như: vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNRESAT-1, chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon, chế tạo máy bay không người lái, xây dựng hệ thống thông tin động đất và cảnh báo sóng thần…

Nhưng cho rằng cơ chế hiện nay còn chưa phát huy được hết tiềm năng của các nhà khoa học, GS.TS Nguyễn Khoa Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Viện KH&CN Việt Nam và GS.TS Nguyễn Đại Hưng, nguyên Phó Viện trưởng viện Vật lý (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) kiến nghị Nhà nước cần sớm có giải pháp mạnh mẽ để tạo động lực cho các nhà khoa học thông qua chính sách đãi ngộ chuyên gia và đầu tư cho cơ sở hạ tầng nghiên cứu KH&CN. Cần đảm bảo đầu tư cho nghiên cứu KH&CN theo hướng chọn lọc dựa trên căn cứ vào nhu cầu thực tiễn và đẩy mạnh những chương trình nghiên cứu cơ bản với các định hướng dài hạn.

Việt Nam đang còn thiếu nhiều cơ sở vật chất cho KH&CN. Một số phòng thí nghiệm được coi là trọng điểm quốc gia nhưng cũng chỉ ở điều kiện rất thấp so với khu vực, chưa xứng tầm để đạt tới mục tiêu nghiên cứu khoa học như đã đặt ra.
GS. Nguyễn Đại Hưn
g

Lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định KH&CN đã có đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội trong thời gian qua và chính là yếu tố then chốt để nâng cao sức cạnh tranh của đất nước, phát triển kinh tế tri thức vươn lên trình độ của thế giới. Ông cũng đề nghị Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu quốc tế, tranh thủ tối đa tri thức nhân loại cho nghiên cứu cơ bản và lấy ứng dụng và chuyển giao công nghệ làm “thước đo” cho các nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng. Đồng thời, ông yêu cầu các bộ ngành và địa phương phối hợp, hỗ trợ Viện Hàn lâm KH&CN để Viện có thể thực hiện tốt nhất các nghiên cứu, tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu. Chủ tịch nước cũng hẹn sẽ thu xếp thời gian để tổ chức một buổi lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học về KH&CN.

Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam được thành lập từ năm 1975 có 52 đơn vị trực thuộc. Hiện nay, Viện đang triển khai nhiều chương trình do Chính phủ giao như: Dự án vệ tinh nhỏ quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai (VNREDsat-1), Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam, Quy chế dự báo cảnh báo sóng thần, Quy hoạch hệ thống bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Thành lập Trung tâm quốc gia Miền Bắc về công nghệ sinh học…

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)