Nhiều ngành đào tạo có hơn 60% sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành
Hiện nay, trung bình tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành cho tất cả các ngành đào tạo là 21.43%; kỹ thuật, công nghệ, kiến trúc & xây dựng (31,6%); nhân văn & nghệ thuật (63%); khoa học tự nhiên, toán & CNTT (60,6%); nông lâm ngư & thú y (67%). Còn với nhóm ngành kinh doanh, quản lý, tỉ lệ sinh viên làm trái ngành thấp nhất, 13.26%.
Đó là thông tin được nhóm nghiên cứu của TS. Trần Quang Tuyến, NCS Vũ Bích Ngọc, TS. Vũ Văn Hưởng đưa ra tại tọa đàm Việc làm trái ngành của các cử nhân kinh doanh và quản lý ở Việt Nam, tại Trường Quốc tế, ĐHQG Hà Nội, ngày 31/8/2022. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ điều tra lao động việc làm các năm 2018,2019 và 2020, tập trung vào lao động với bằng cấp cao nhất là bậc đại học và làm công ăn lương với giới hạn tuổi là 60.
Việc làm trái ngành ở đây được hiểu là gồm việc làm trái ngành theo chiều ngang (education-job mismatch: horizontal mismatch) – xảy ra khi người lao động đảm nhận các công việc không phù hợp với lĩnh vực được đào tạo và việc làm trái ngành chiều dọc (over or under-education mismatch: vertical mismatch) do người lao động có bằng cấp/học vấn cao hoặc thấp hơn so với yêu cầu của công việc.
Trước khi có thống kê này của nhóm nghiên cứu, cũng có lác đác thông tin từ một số trường công bố kết quả khảo sát tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp, cho thấy tình hình làm việc trái ngành khá phổ biến, có trường như Đại học Bạc Liêu công bố tỉ lệ lên tới 40%, hoặc khoa học thư viện, khoa học môi trường của Đại học Sài Gòn lần lượt là 60% và 72%. Nhưng phải tới tính toán này mới cho thấy tình trạng làm trái ngành là phổ biến ở nhiều ngành học hiện nay. Nhìn chung, nhiều ý kiến cho rằng việc học ngành này nhưng ra trường làm ngành khác vừa gây lãng phí thời gian, chi phí không chỉ người học mà cả xã hội.
Để tìm hiểu sâu hơn về khác biệt giữa trái ngành so với làm đúng ngành, nhóm nghiên cứu tập trung đo lường ở nhóm ngành kinh doanh vàquản lý, bởi số lao động đại học từ ngành này chiếm tỷ trọng lớn hiện nay (khoảng 28,6% năm 2018 và 29.5 % năm 2020).
Nhóm đo lường việc làm trái ngành đào tạo bằng phương pháp phân tích công việc (job analysis method). Ngành đào tạo được phân thành 13 lĩnh vực và mỗi nghề nghiệp theo Phân loại tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc tế hay còn gọi là phân loại chuẩn quốc tế về nghề nghiệp – mã ISCO-3 chữ số sẽ phù hợp với một hoặc một số lĩnh vực đào tạo. Ví dụ: Cử nhân ngành Kinh doanh – Quản lý phù hợp 28 công việc như: quản lý, giáo viên đại học, cao đẳng và trường nghề, nhà chuyên môn tài chính hoặc quản trị, chuyên môn toán ứng dụng và tài chính, thư ký, nhân viên đại lý dịch vụ kinh doanh, thư ký, nhà chuyên môn chính sách của chính phủ…
Phân tích thống kê mô tả cho thấy, tỉ lệ làm việc trái ngành của nhóm quản lý, kinh doanh tăng dần đều từ ít tuổi tới nhiều tuổi, từ 11.64% ở độ tuổi mới ra trường tới 21.88% ở độ tuổi 50 tới khi về hưu. Nhìn chung, nhóm trái ngành có mức thu nhập trung bình thấp hơn nhóm đúng ngành. Chẳng hạn, mức lương trung bình của nhóm ngành kinh doanh quản lý khi làm việc đúng ngành vào năm 2020 là 9,4 triệu, còn trái ngành là 8.01 triệu, lần lượt các năm 2019, 9.1 triệu/ 7.6 triệu, năm 2018 là 8.2 triệu/ 6.9 triệu. Tỷ lệ trái ngành cao hơn ở nông thôn; cao hơn với nhóm lao động nam; và cao hơn ở khu vực kinh tế hộ hộ gia đình, khu vực kinh tế có yếu tố nước ngoài và nhà nước.
TS Trần Quang Tuyến cho biết, nhóm nghiên cứu sẽ phân tích thêm để tiếp tục đánh giá việc làm trái ngành có tác động tiêu cực tới tiền lương như thế nào theo các đặc điểm của người lao động và khu vực việc làm. Ví dụ, tác động này có thể khác nhau ở các khối ngành khác nhau, ở khu vực tư nhân và nhà nước và theo giới tính, và theo đặc điểm của nơi làm việc (ví dụ, đặc điểm về công nghệ và ngành nghề của công ty). Bên cạnh đó, và việc làm trái ngành có thể xuất phát từ cả phía cung và cầu lao động, nên cần thêm các nghiên cứu về nhân tố tác động tới việc làm trái ngành.□