Nhiều rào cản khi dùng xe điện hai bánh ở Việt Nam
Xe điện hai bánh (xe đạp điện, xe máy điện) được coi là một trong những giải pháp xanh ở các trung tâm đô thị nhưng để khuyến khích sử dụng nó phải vượt qua nhiều rào cản lớn.
Đó là kết quả rút ra từ nghiên cứu “Electrifying Vietnam’s streets: Identifying the determinants of electric two-wheelers uptake” (Điện khí hóa các đường phố ở Việt Nam: Nhận diện những yếu tố quyết định đến việc mở rộng sử dụng xe điện hai bánh), được xuất bản trên tạp chí Transportation Research Part D: Transport and Environment.
Trong nghiên cứu này, hai nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Trung và Tania Urmee (trường Kỹ thuật và Năng lượng, Trung tâm Nước, năng lượng và chất thải, ĐH Murdoch, Australia) đã tìm hiểu về 1) hiện trạng và sự phát triển của thị trường xe điện hai bánh (E2Ws) ở đô thị Việt Nam, 2) những nhân tố ảnh hướng chính đến việc chấp thuận sử dụng E2Ws ở Việt Nam; 3) ảnh hưởng của chính sách đến việc chấp nhận sử dụng E2Ws
Để thực hiện nghiên cứu, bên cạnh việc phân tích tài liệu, họ đã thực hiện khảo sát ở khu vực công cộng trong thời gian từ ngày 15/7 đến 10/8/2023 tại Hà Nội (tỷ lệ phản hồi 100 %), phỏng vấn các chuyên gia giao thông, nhà quản lý các ngành công nghiệp liên quan và các nhà khoa học.
Trong số những người được khảo sát về việc sử dụng xe hai bánh (xe đạp và xe máy), có 35% từng sử dụng trong vòng mười năm; 43,9 % sử dụng hằng ngày, 49,1 % sử dụng 1 đến 2 giờ mỗi ngày – thông tin cho thấy phần lớn những người này có kinh nghiệm lái xe, thường có quãng đường đi làm ngắn hơn hoặc muốn tiết kiệm thời gian. Với chi phí hằng tháng cho xe hai bánh, 63,1 % phản hồi là mất khoảng 43 USD/tháng, 28,3 % từ 43 đến 85,99 USD/tháng.
Liệu họ có sẵn sàng chuyển sang E2Ws không? Có một số yếu tố chính có ảnh hưởng đến quyết định này. Thứ nhất là sự sẵn sàng và chất lượng của cơ sở hạ tầng ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định sử dụng E2Ws, ví dụ như sự có sẵn của các trạm sạc, điều kiện đường xá vì ngay cả những dòng xe tiên tiến nhất hiện nay cũng có giới hạn về pin và những người sẵn sàng chấp nhận E2Ws cũng ngần ngại vì điều kiện đường xá ảnh hưởng đến độ bền và chức năng của pin… Thứ hai là yếu tố kinh tế: tiền mua, chi phí vận hành và bảo trì E2Ws ảnh hưởng đến quyết định mua xe hay không, trong đó chi chí ban đầu để mua xe ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định bởi với nhiều người ở Việt Nam, vấn đề chi phí có thể dẫn đến quyết định mua hoặc không. Thứ ba là yếu tố môi trường: E2Ws hứa hẹn không chỉ góp phần cho thành phố sạch hơn, yên tĩnh hơn trong khi người dân ở các khu vực thành thị của Việt Nam đang mong muốn được thoát khỏi tiếng ồn. Thứ tư là yếu tố xã hội, liên quan đến nhận thức và mong muốn của người dân đô thị về một môi trường sạch hơn, bền vững hơn, coi E2Ws có thể là một trong những giải pháp thay thế thân thiện với môi trường, giảm lượng khí thải và tiếng ồn độc hại. Thứ năm là chính sách của chính phủ, ví dụ các chính sách ưu đãi.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, có nhiều rào cản thúc đẩy việc sử dụng E2Ws tại Việt Nam. Thứ nhất là rào cản liên quan đến khí hậu: đặc điểm địa lý thách thức sự triển khai E2Ws, ví dụ mưa, lũ lụt khiến E2Ws dễ bị hư hỏng và gây lo ngại về an toàn. Thứ hai là thách thức về tài chính: quá trình chuyển đổi sang E2Ws đòi hỏi nhiều về tài chính. Một số chuyên gia nhấn mạnh chi phí ban đầu cao, đặc biệt đối với các E2Ws có chất lượng hàng đầu. Thứ ba là khoảng trống về cơ sở hạ tầng của hệ sinh thái EV, đặc biệt là hệ thống sạc, vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, thiếu trạm sạc công cộng. Thứ tư là rào cản chính sách và quy định: việc chính phủ không có lộ trình rõ ràng sẽ làm chậm quá trình chuyển đổi từ xăng sang E2Ws, thiếu các chính sách toàn diện và cơ chế hỗ trợ như các thị trường, như miễn thuế trước bạ cho E2Ws, giảm thuế và khuyến khích tài chính dưới dạng trợ cấp. Sự không nhất quán về loại pin và hệ thống cũng được coi là rào cản pháp lý.
Các yếu tố còn lại là thái độ và hành vi của công chúng với E2Ws; những thiếu sót của hệ sinh thái hỗ trợ; vấn đề kỹ thuật như các khía cạnh kỹ thuật của E2Ws, bao gồm chất lượng pin và thời gian sạc.
Bài đăng Tia Sáng số 7/2024