Nhiều thách thức trong phòng chống kháng kháng sinh ở Việt Nam 

Là quốc gia đi đầu khu vực Tây Thái Bình Dương lập kế hoạch hành động quốc gia về kháng kháng sinh (AMR) nhưng Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức để nâng cao hiệu quả của chương trình này.

Ảnh: iStock

Đó là một trong những nhận xét mà nhóm nghiên cứu Việt Nam và quốc tế ở Đơn vị lâm sàng Ocrux, Văn phòng đại diện Ausvet tại TPHCM và trường Y Cơ đốc giáo (Ấn Độ) đưa ra từ một nghiên cứu dựa trên phân tích dữ liệu thu thập vào năm 2021, “Public perception and community-level impact of national action plans on antimicrobial resistance in Vietnam”, xuất bản trên tạp chí JAC-Antimicrobial Resistance.

Từ lâu, AMR là một mối đe dọa toàn cầu, tác động không tương xứng giữa các quốc gia, đặc biệt gây hệ quả trầm trọng với các quốc gia thu nhập thấp. Ở Việt Nam, đây là vấn đề nghiêm trọng và khó giải quyết, mặc dù đã có kế hoạch hành động quốc gia về AMR từ năm 2013 và đến năm 2017 có kế hoạch hành động quốc gia trong quản lý và sử dụng kháng sinh, kiểm soát kháng kháng sinh trên gia súc vật nuôi. Năm 2021, báo cáo về AMR và sử dụng và giám sát sử dụng toàn cầu của WHO nhấn mạnh vào sự cần thiết phải giảm thiểu tình trạng AMR ở Việt Nam, khi sự gia tăng sử dụng kháng sinh từ năm 2000 đến 2018 đã gần gấp năm lần.

Ở Việt Nam, ARM là vấn đề có nhiều khía cạnh phức tạp với những hệ quả rất lớn cho từng cá nhân, hệ thống chăm sóc sức khỏe. Bản chất đa lớp của AMR đòi hỏi những bên tham gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau và do đó, phù hợp với cách tiếp cận ‘One Health’ (Một sức khỏe). Cách tiếp cận này thông thường đòi hỏi một sự hiểu biết chung của cả cộng đồng hỗ trợ, và sự cam kết của cả cộng đồng.

Trong nghiên cứu này, những người tham gia phỏng vấn là những người đã từng sử dụng thuốc kháng sinh trong chẩn đoán và điều trị các bệnh nhiễm trùng hoặc làm việc trong môi trường có liên quan đến kháng sinh như bác sĩ, trưởng trạm y tế xã, nhân viên phòng xét nghiệm, giảng viên trường đại học, dược sĩ, trình dược viên… Họ đều nhận thức tốt về các chương trình AMR do bệnh viện và trường đại học thực hiện. Họ cũng có khả năng tác động lên tình trạng AMR và hệ quả của nó cũng như cảnh báo người dùng về tác hại của thuốc nếu sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, hiểu biết của họ chưa được tối ưu và gắn kết với các hoạt động hạn chế sử dụng kháng sinh.

Phần lớn những người được phỏng vấn cho rằng AMR chưa được chính quyền các cấp ưu tiên hàng đầu hay chưa được mọi người thực sự quan tâm. Có một thực trạng ở lĩnh vực y tế là hiểu biết nghèo nàn về ẢM của người dân còn thầy thuốc khó truyền tải được kiến thức cho họ trong khi ở lĩnh vực thú y, người chăn nuôi dễ thấy rõ tác động của các dịch bệnh truyền nhiễm hơn là AMR và họ không mấy quan tâm đến AMR. “Chính phủ đã thực hiện nhiều hoạt động quảng bá về kháng kháng sinh nhưng chưa thành công trong việc thay đổi hành vi. Mẹ tôi vẫn mua kháng sinh không cần kê đơn và đồng nghiệp tôi vẫn sử dụng liều cao. Tôi nghĩ chương trình hành động quốc gia chưa chạm đến mọi người hoặc chưa tạo được ảnh hưởng trong cộng đồng”, một người tham gia cho biết. 

Việc sử dụng kháng sinh còn chịu ảnh hưởng của rất nhiều thực hành kinh tế xã hội và văn hóa nên việc thiết kế các hoạt động thúc đẩy thay đổi hành vi cần dựa trên văn hóa và bối cảnh sống của họ. Bên cạnh đó, cần tham vấn ý kiến của chính quyền hoặc người có uy tín ở các làng xã để thiết kế và triển khai các chính sách AMR. Việc nhận thức được mối liên hệ giữa AMR và các yếu tố tác động và các lợi ích tiềm năng tức thời trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng, tránh phải mất tiền chữa bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, an ninh lương thực và ô nhiễm môi trường, qua đó ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội lâu dài của các thế hệ tương lai có thể giúp huy động nguồn lực và ưu tiên hành động chống AMR.

Mặt khác, việc cung cấp kháng sinh trong lĩnh vực thú y là một hoạt động sinh lời và rất cạnh tranh ở Việt Nam. Cơ chế khuyến khích trong chuỗi giá trị kháng sinh cũng làm tăng khả năng sử dụng kháng sinh để giữ gìn sức khỏe vật nuôi và sản lượng nuôi trồng trong khi người nuôi thường sử dụng kháng sinh đem lại những kết quả tức thời. Do đó, những động lực kinh tế của sử dụng kháng sinh có sẵn trong cộng đồng, bất chấp các chiến lược quốc gia. Trong lĩnh vực y tế, lợi ích của các chủ hiệu thuốc thường xung đột với những nỗ lực giảm thiểu sử dụng kháng sinh.

Đó là những thách thức Việt Nam cần giải quyết trong quá trình thực hiện các chương trình hành động trong tương lai.□ 

Bài đăng Tia Sáng số 24/2025

Tác giả

(Visited 125 times, 1 visits today)