Nhìn vào mục đích của người Pháp khi họ viết về Việt Nam

Các tư liệu gốc, các hồi ký, chuyên khảo, báo cáo… của người Pháp những tưởng như khách quan? nhưng thực tế khối tri thức này hay tri thức nói chung đều có tính thứ bậc, tri thức cũng là sản phẩm của quyền lực, thể hiện quyền lực và phục vụ mục đích của người viết, và dù tác giả là ai cũng đều sản xuất ra tri thức dựa trên một hệ quy chiếu nhất định chứ không có cái gọi là “khách quan” hay “chân lý tuyệt đối”.

Chúng ta có thể thấy điều này qua phân tích tại buổi tọa đàm “Đối thoại với quá khứ: Việt Nam dưới góc nhìn của người Pháp (cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX)”, của diễn giả PGS Nguyễn Thị Hạnh và nhà nghiên cứu (NNC) Vũ Đức Liêm điều phối ngày 11/7. 

Trong quá trình khai thác thuộc địa ở Việt Nam và Đông Dương nói chung, những người Pháp, từ nhà du hành, quan cai trị cho đến các nhà nghiên cứu đã để lại những tư liệu đồ sộ, phong phú về đất nước, con người Việt Nam. Nhưng để hiểu được những nguồn tư liệu này không hề dễ dàng, và đã có những cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh một số tư liệu được tái bản gần đây, đơn cử như cuốn “Tâm lý dân tộc An Nam” trên các mặt báo, diễn đàn. Thậm chí, “có một người đã hỏi tôi ‘có phải là người Chăm đẻ ít nên lụi tàn, trong khi người Việt đẻ nhiều nên đã thắng lợi trước người Chăm’? Tôi phải đi tìm xem suy nghĩ ấy ở đâu ra? Hóa ra nó xuất phát từ trong tác phẩm ‘Tâm lý dân tộc An Nam’ của Paul Giran – có một chi tiết nói về việc người Việt Nam đẻ nhiều. Như vậy, một ghi chép từ trăm năm trước nay đã len lỏi vào người Việt hiện đại”, anh Vũ Đức Liêm kể. 

Khoan hãy phê phán cuốn sách của Paul Giran hay chỉ một tài liệu cụ thể nào của người Pháp cùng thời đúng hay không, điều cần hơn là người đọc đương đại được trang bị một phông kiến thức, một “công cụ” để “định vị” khi đọc, để bóc tách từng lớp tri thức các tư liệu của người Pháp để lại. Bởi vì trong một khối lượng các ấn phẩm đa dạng, phong phú mới được dịch gần đây, thì người đọc rất dễ hoang mang giữa những cuốn sách khen hoặc chê người Việt hết lời. Đặc biệt là giới trẻ hiện nay bắt đầu quan tâm đến lịch sử và nếu không hình dung ra được tại sao lại có tri thức này thì dễ bị ngợp bởi các tri thức.

Nhìn sâu xa Paul Giran đi theo quan điểm tiến hóa xã hội phổ biến trong thời kỳ này khi nhìn về Việt Nam như một dân tộc thấp kém hơn người Pháp. Nhưng PGS Nguyễn Thị Hạnh cho biết, ông không phải ví dụ duy nhất, mà các nhà nghiên cứu khác đều chịu ảnh hưởng của thuyết tiến hóa, trong đó đại diện tiêu biểu có sức lan tỏa lớn trong thời kỳ này là Gustave Le Bon thì còn ít được phân tích. Các tác phẩm “Những quy luật về tâm lý và sự tiến hóa các dân tộc”, hay “Cuốn thứ hai là tâm lý học đám đông” đều cho thấy tư tưởng các xã hội, chủng tộc đều thuộc về các nấc thang tiến hóa khác nhau.

Vì đứng trên quan điểm tiến hóa cao – thấp đó nên họ đã đưa ra nhiều nhận xét có thể khiến người Việt chạnh lòng như: 

“Các chủng tộc thượng đẳng khác chủng tộc hạ đẳng bởi đặc tính của họ và bằng trí tuệ, nhưng trên hết, những dân tộc thượng đẳng khác biệt với các dân tộc khác ở đặc tính của họ” – trích Gustave Le Bon (Những quy luật về tâm lý và sự tiến hóa các dân tộc).
“Người An Nam thường nhỏ bé, ốm yếu, vẻ bạc nhược; họ bẩn thỉu, ồn ào; về tính cách họ chỉ là một đứa bé lớn xác ham thích mọi thứ và thậm chí sống ngày nào hay ngày đó, không bao giờ suy tính tương lai” trong khi người Trung Quốc thì “thông minh, to khỏe, sạch sẽ” – trích bác sỹ Hocquard (Một chiến dịch ở Bắc kỳ).

Tuy vậy, ngay cả khi đứng trước những cuốn sách khen Việt Nam rất nhiều như xứ Đông Dương của Paul Doumer thì có chắc chắn là đáng tin không?

Toàn quyền Pau Doumer mặc dù có chính sách thuế hà khắc vô cùng lại nhận xét “Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc xung quanh. …Không một quốc gia nào trong Đế quốc các xứ Ấn Độ có những phẩm chất như họ”. “Người An Nam và người Nhật Bản chắc chắn có một quan hệ thân thuộc từ xa xưa. Cả hai đều thông minh, cần cù và dũng cảm. Người lính An Nam là một người lính giỏi, có kỷ luật và dũng cảm […] So với các dân tộc khác ở châu Á, trên tư cách người thợ và người lính, người An Nam vẫn xếp cao hơn một bậc”. 

Do đó, bên cạnh hệ quy chiếu mà họ sử dụng để viết thì “hãy nhìn vào mục đích của họ khi viết”, PGS. Nguyễn Thị Hạnh lưu ý. “Paul Dourme muốn sử dụng cuốn sách đó như một công cụ chính trị. Ông ta không thể chê một xứ sở mà ở đó ông ấy muốn chửng tỏ câu chuyện thành công nơi mình làm toàn quyền. Cái mà ông ta ca ngợi người lao động đó cũng hoàn toàn mang ý tưởng thực dân – ông ta không muốn người bản địa tham gia lãnh đạo mà chỉ người Pháp mới có thể lãnh đạo”, bà nói.

Tuy vậy nhìn chung khó đặt nặng để tách bạch sự khen – chê của các tác giả người pháp, vì chính người Pháp tự nhận mình là “quanh quẩn nơi xó nhà”, cũng đem tư duy phê phán cao – thấp vào phê phán chính dân tộc mình. 

Bà đưa ra lời khuyên không nên quá phê phán những tác phẩm mang nhiều cảm xúc cá nhân khi nhận định về người Việt như các cuốn hồi ký, du hành ký,  của người Pháp. Đó giống như “các bức tranh vẽ với cảm xúc, có giá trị, thú vị và vui hơn nhiều so với các chuyên luận nặng nề, nên đừng phán xét khắc nghiệt quá, “đặt quá nặng tranh cãi rằng đó có phải quan điểm thực dân hay không? Đã là thời thực dân thì đương nhiên nó phải quan điểm thực dân”. 

Bà cũng giới thiệu một số cuốn sách trang bị phông nền kiến thức đầy đủ mà các độc giả nên tìm đọc như “Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam” – Nguyễn Xuân Thọ; “Paul Doumer-Toàn quyền Đông Dương (1987-1902): Bàn đạp thuộc địa” – Amaury Lorin; “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa” – Yoshiharu Tsoiboi; “Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857-1914)”- Cao Huy Thuần.  

Đối với các nhà nghiên cứu, sinh viên, PGS Nguyễn Thị Hạnh và NNC Vũ Đức Liêm đặc biệt lưu ý thao tác phê phán, đánh giá, đối chiếu tư liệu gốc trong chuỗi tư liệu có liên quan khi sử dụng để phân tích và giảng dạy. 

Tọa đàm do Tia Sáng phối hợp cùng Omega+ tổ chức.

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi tọa đàm:


PGS.TS. Nguyễn Thị Hạnh (Học viện Ngoại giao Việt Nam), lấy bằng TS lịch sử tại đại học Paris 1 – Panthéon – Sorbonne – France. Bà là tác giả của công trình chuyên khảo: Les Conflits Frontaliers Sino-Vietnamiens de 1885 à Nos Jours (Paris: Demopolis, 2019) cũng như nhiều nghiên cứu quan trọng về lịch sử cận-hiện đại Việt Nam trên các tạp chí trong nước và quốc tế.

NNC Vũ Đức Liêm (ĐH Sư phạm Hà Nội) điều phối tọa đàm. Anh sẽ là người điều phối các buổi tọa đàm “Đối thoại với quá khứ” của Tia Sáng. Buổi nói chuyện ngày 11/7 là số đầu tiên.

NNC Ngô Thế Long cho biết thêm, có nhiều nhà nghiên cứu trẻ nghiên cứu về thời pháp thuộc và có công trình khảo cứu công phu như Trần Phương Hoa (Viện Lịch sử), Nguyễn Thụy Phương (ĐH Geneva), Nguyễn Phương Ngọc (Trường Đại học Aix-Marseille).

Bạn Trần Tiến Sơn, nghiên cứu văn học và thường dự các buổi tọa đàm của Tia Sáng. hỏi “liệu có những tư liệu, sách nào của những người khách quan?”.

PGS Nguyễn Thị Hạnh cho biết có những nhà nghiên cứu độc lập, ví dụ như Alain Ruscio nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và thành lập trung tâm nghiên cứu Việt Nam hiện đại một cách độc lập. Nhưng xét về tư tưởng, hệ quy chiếu để nghiên cứu thì không có một nhà nghiên cứu nào “độc lập” mà họ phải phụ thuộc vào một hệ tư tưởng nào đó. Vì vậy, cách tốt nhất “chúng ta làm để có sự độc lập là giới thiệu nhiều nghiên cứu khác nhau, một cách đa dạng”, “chứ còn độc lập hoàn toàn thì không”, bà nói.


TS Nguyễn Việt Huy, ĐH Kiến trúc Hà Nội hỏi: “Cuộc thảo luận hôm nay giờ mới chỉ đề cập tới một VN dưới góc nhìn của Nhà chính trị Pháp, còn người dân Pháp thì sao? Nhà khoa học pháp, nhà kỹ thuật, nhìn người VIệt Nam như thế nào?”, “Tôi xin đặt đề bài để có những buổi tiếp theo”.

PGS Nguyễn Thị Hạnh cho biết chị sẵn sàng cùng Tia Sáng tiếp tục tổ chức các buổi nói chuyện tiếp theo và mời các nhà Kiến trúc sư tham gia.

NNC Nguyễn Hải Hoành, là một nhà kỹ thuật chuyển sang nghiên cứu lịch sử bày tỏ ý kiến rất đồng tình với quan điểm cần phải phê phán, nghi ngờ sử liệu, bởi vì có rất nhiều nguồn sử liệu gốc nhưng mơ hồ và mặc nhiên được sử dụng mà không có sự phê phán. Ông cũng cho biết mình rất quan tâm đến các nguồn tư liệu của người Pháp và đề nghị khuyến khích xuất bản tài liệu người Pháp viết về Việt Nam.

NNC Tạ Long (NC dân tộc học) hỏi “có sự thay đổi về những vấn đè được người pháp quan tâm, từ cuối thé kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 hay không? do những quan điểm, hay nhu cầu khai thác thuộc địa thay đổi hay do những vấn đề chính trị?”

PGS. Nguyễn Thị Hạnh cho biết: Chắc chắn có sự thay đổi, đã có những làn sóng khác nhau: làn sóng đầu tiên là những giáo sĩ, thương nhân mong muốn khám phá tìm hiểu [An Nam] đã cho ra đời hàng loạt các tác phẩm du ký, hải trình, các ghi chép gửi về trung tâm truyền giáo hải ngoại ở Paris; làn sóng thứ hai mà chúng ta nhìn thấy là những nghiên cứu mang đậm tính thực dân, của các nhà thực dân – đó là thời kỳ của những học giả (như Gustave Le Bon) với những nhà thực hành [chủ nghĩa thực dân] tạo thành cặp bài trùng giữa lý thuyết và thực hành. Ở giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 bao giờ các nghiên cứu cũng tập trung vào đặc tính, đặc điểm dân tộc, các yếu tố xã hội để trả lời cho câu hỏi của người Pháp với mục đích chính trị rõ ràng là “người Pháp làm thế nào, có cách nào để cai trị xứ này cho tốt?”


TS Trần Ngọc Dũng (khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội) bình luận, về mặt tư liệu, bên ngoài tư liệu của người Pháp thì còn rất nhiều tư liệu khác viết về Việt Nam của người Anh, người Trung Quốc đều rất có giá trị.

Một cử tọa tên Nguyên hỏi: Liệu rằng người Pháp có chia Việt Nam làm ba kỳ để trị [dựa trên hiểu biết của họ] về căn tính người Việt không?

PGS Nguyễn Thị Hạnh cho biết: Ngay trong cuốn Tâm lý Dân tộc An Nam, người Pháp quan niệm rằng có sự khác biệt về mặt tâm lý, họ cho rằng dân Nam Kỳ rất hiền lành, dễ tính. Vì thế bỏ qua các yếu tố kinh tế chính trị khác, với bản tính đó của người Nam Kỳ, thì người Pháp đã rất muốn biến dân Nam Kỳ thành thuộc địa. Trong một số cuốn, họ cho biết e ngại nhất người Bắc Kỳ, trong “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”, họ cho biết e ngại dân thông ngôn Trung Kỳ và Bắc Kỳ, họ sang đây không biết tiếng, phải cảnh giác với người thông ngôn vì người thông ngôn không bao giờ dịch đúng những gì họ nói. Nhưng khi họ chia các kỳ và quyết tâm chuyển trung tâm ra Bắc Kỳ thì liên quan đến yếu tố chính trị chứ không phải là yếu tố về mặt tính dân tộc hay văn hóa.

NCC Vũ Đức Liêm cho biết thêm việc chia VN thành các kỳ và các tỉnh xuất phát từ thời Minh Mạng, và người Pháp kế thừa di sản này.


TS Trần Xuân Trí, Khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội bình luận: Những gì người Pháp Viết về VN là một kho tri thức khổng lồ. Các buổi nói chuyện như thế này rất quan trọng vì nó trao truyền tri thức, không chỉ là kiến thức về sử học, mà nó liên quan rất nhiều vấn đề của đời sống xã hội. Anh đánh giá rằng, không phủ nhận tư tưởng thực dân chi phối đến các tư liệu thời kỳ này nhưng có những tài liệu đã phản ánh đúng bức tranh thời kỳ đó. Anh lưu ý đến một số ví dụ như các nghiên cứu về kỹ thuật, có tính ứng dụng rất cao, không có tính mơ hồ, “khi người Pháp nghiên cứu làm cống, đập thì phải chính xác”.


TS Vũ Hoài Đức (ĐH Kiến trúc Hà Nội) giảng dạy về lịch sử quy hoạch và bổ sung rằng những nghiên cứu, tư liệu của người Pháp để lại về quy hoạch là rất cụ thể, không hề mơ hồ. Họ đã quy hoạch Hà Nội rất rõ ràng và mời những kiến trúc sư tinh hoa nhất thời đó sang quy hoạch, thực hiện. Với Huế họ cũng quy hoạch với sự tôn trọng về không gian, xây dựng một thành phố Âu nhỏ nhắn khiêm nhường đúng với Huế.

Tin: Bảo Như. Ảnh: Ngô Hà, Anh Thư

Tác giả

(Visited 96 times, 1 visits today)