Những cuốn sách- một cuộc đời

Một năm sau khi Phạm Xuân Ẩn qua đời, độc giả Việt Nam tiếp tục được đọc những cuốn sách về cuộc đời của nhà tình báo vĩ đại. Và điều đặc biệt là tác giả của chúng đều là những người nước ngoài. Jean Claude Pomonti là phóng viên thường trú của Le Monde, là người đã từng ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, đã từng là bạn của nhà tình báo khi đó là phóng viên của tạp chí Time. Trước cuốn sách về Phạm Xuân Ẩn mang tiêu đề Một người Việt Nam thầm lặng, ông đã từng có hai cuốn sách khác về đất nước này: Cuồng nhiệt trở thành người Việt Nam và Việt Nam, cộng sản và con rồng. Tác giả thứ hai, Larry Berman là giáo sư khoa học chính trị tại đại học California, Davis, và cũng từng có những cuốn sách về Việt Nam trước cuốn Điệp viên hoàn hảo: Chiến tranh của Lyndon Johnson: con đường dẫn tới sự sa lầy ở Việt Nam; Lên kế hoạch cho một bi kịch: Mỹ hóa chiến tranh ở Việt Nam và nổi tiếng nhất là cuốn Không hòa bình, chẳng danh dự: Nixon, Kissinger và sự phản bội tại Việt Nam. Tất cả những cuốn sách đó mang đến cho chúng ta điều gì?

Trước hết, có lẽ, so với Jean-Claude Pomonti, Larry Berman đã chọn được một tiêu đề thích hợp với nhân vật chính của cuốn sách. “Một người Việt Nam thầm lặng” điều đó có thể đúng với công việc và tính cách của ông Ẩn nhưng dẫu sao, nó vẫn không thể thoát khỏi sự ám ảnh của G. Green và cuốn tiểu thuyết của ông – Một người Mĩ trầm lặng. Đó là một sự lựa chọn có ý thức với những sự tương đồng trong không khí của những khách sạn và thành phố miền Nam Việt Nam ở buổi suy tàn của chế độ thực dân kiểu cũ. Cũng phải nói thêm rằng Pomonti đặc biệt thành công trong việc tái tạo lại cái khung cảnh của quán cà phê Givral và thế giới của những nhà báo và những “con người bí ẩn” xung quanh quán cà phê này. Phải chăng là từ chính những trải nghiệm của tác giả? Thế nhưng dầu sao, cũng khó mà có thể đặt ông Ẩn bên cạnh anh chàng người Mỹ của G. Green, ngoài cái vẻ bề ngoài “trầm lặng”. Có lẽ tiêu đề “điệp viên hoàn hảo” là phù hợp với ông Ẩn hơn cả.  Một cách giản dị, nó phản ánh được đúng công việc đã làm nên tên tuổi của ông – nghề tình báo – và đồng thời “hoàn hảo” có lẽ là tính từ đúng nhất để nói về ông, cả trên phương diện nghề nhà báo và nghề tình báo cũng như trên phương diện một con người.
 

Cho đến lúc kết thúc cuộc đời, ông Ẩn vẫn luôn là một người điệp viên hoàn hảo. So sánh nội dung của hai cuốn sách, có thể thấy khả năng tuyệt vời của ông trong việc làm chủ hình ảnh của chính mình. Ông kiểm soát được điều mà người khác biết về mình thế nên trong cả hai cuốn sách, toàn bộ cái khung chung của các sự kiện và những biến cố cũng như một phần cách lí giải những biến cố đó hầu như là trùng lặp, dẫu rằng tác giả này có thể dừng lại đi sâu ở điểm này trong khi người kia lại lướt qua như một tình tiết phụ. Qua cả hai cuốn sách, chúng ta biết rằng ông Ẩn là một nhà tình báo chiến lược. Đó là một kiểu điệp viên rất xa lạ với những công việc kiểu như “chui sâu” vào hậu phương của đối phương, thu thập tin tức, tổ chức những hoạt động chống đối… Dường như chưa bao giờ ông được học sử dụng vũ khí và cũng chưa bao giờ ông thể hiện khả năng sử dụng vũ khí của mình. Công việc chính của ông, như chính ông giải thích, là: “Tôi phân tích học thuyết quân sự của địch. Tôi cung cấp tài liệu liên quan đến chiến lược, chiến thuật, kịch bản và tin tức gắn với chiến tranh đặc biệt. Tôi cung cấp cho cấp trên của tôi những gì họ đang cần. Chỉ có thế!”1.  Điều này khiến cho vai trò của ông đặc biệt nổi bật trong những khoảnh khắc có tính quyết định của cuộc chiến tranh như thời điểm chiến lược “chiến tranh đặc biệt” được áp dụng năm 1963, cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu thân năm1968 và mùa xuân năm 1975. Chúng ta cũng biết rằng, ông là một con người chân chính trong mối quan hệ bằng hữu với những đồng nghiệp bất kể quốc tịch nào và là một con người có những ứng xử cao thượng với những đối thủ, đồng thời cũng là một con người có tinh thần nhân ái. Thế nhưng tất cả chỉ có vậy. Không hơn.
Từ cuộc đời làm tình báo của Phạm Xuân Ẩn, hàng lọat câu hỏi lớn vẫn tiếp tục được đặt ra không chỉ với những tác giả viết sách về ông mà với cả tất cả những ai bị cuộc đời độc đáo đó hấp dẫn. Ông đã tổ chức “lưới”  tình báo của mình như thế nào? Thực chất thì cái công việc “tình báo chiến lược” ấy là gì? Ông đã khai thác tin ra sao mà sau những thất bại, đối phương không hề có những nghi ngờ đối với ông, thậm chí các cơ quan tình báo của miền Nam Việt Nam (cũ) và Hoa kì còn đề xuất với ông những đề nghị cộng tác? Và trên hết, làm thế nào mà ông đã là được một kì tích : không hề bị phát hiện trong suốt cả cuộc chiến, một điều mà không nhiều người làm tình báo làm được. Trong cuốn sách của mình, Larry Berman đã so sánh ông Ẩn với điệp viên huyền thoại của Liên Xô trong thế chiến II Richard Sorge. Dẫu vậy, Sorge thì bị treo cổ còn ông thì không. Rất nhiều những câu trả lời cho những câu hỏi đó hiện nay vẫn còn nằm trong các cơ sở đào tạo liên quan đến công tác tình báo mà ông Ẩn đã từng giảng dạy sau chiến tranh hoặc những tàng thư tuyệt mật mà có lẽ phải rất lâu nữa, công chúng và giới nghiên cứu mới có thể tiếp cận. Và rất nhiều điều đã theo ông Ẩn sang thế giới bên kia.
Cả Larry Berman và Jean-Claude Pomonti đều có cách thức riêng để đối mặt với những câu hỏi này. Họ soi sáng những bí ẩn của cuộc đời nhân vật bằng những tài liệu ngoại vi thu thập qua các nguồn khác chứ không từ những quan hệ trực tiếp với nhân vật. Chính điều đó làm nên tính độc đáo của mỗi cuốn sách. Trong Một người Việt Nam thầm lặng, hình ảnh của Phạm Xuân Ẩn được làm nổi bật trong những mối quan hệ với những nhân vật khác từ những nhà báo nước ngoài ở Sài gòn trước năm 1975, những nhân vật “nửa nhà báo” đầy bí ẩn người Việt, những thành viên trong tổ điệp báo và cả vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Từ một phía khác, trong cuốn sách của Larry Berman, ông Ẩn lại được khai thác chủ yếu trong mối quan hệ với nền văn hóa Mỹ và những người Mỹ. Và đặc biệt, cả hai cuốn sách đều dựng lại được những mối băn khoăn của ông Ẩn thời hậu chiến. Tất nhiên, nhiều thông tin trong đó có thể là chưa chính xác (như mối quan hệ giữa ông Ẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn sách của Pomonti) hoặc cần phải tiếp tục kiểm chứng.
Ở đây, có một vấn đề đặc biệt hấp dẫn: hình thức viết tiểu sử của hai tác giả phương Tây. Điều này cũng đã được Larry Berman đề cập đến trong phần cuối cuốn sách của mình khi ông so sánh công việc của mình với công việc của nhà văn Việt Nam Nguyễn Khải, người có thể được coi là tác giả viết về ông Ẩn vào loại sớm nhất. Nếu như ở Việt Nam, viết về các nhân vật lịch sử đa phần là công việc của các nhà văn thì ở phương Tây, đó lại là công việc của những nhà nghiên cứu. Từ đó đã tạo nên hai thể loại khác nhau: tiểu thuyết tư liệu và những chuyên khảo lịch sử. Mỗi thể loại đều có những điểm mạnh – yếu riêng nhưng rõ ràng, có thể nói đọc các công trình của các tác giả phương Tây, người đọc có thể xác lập một tâm thế đọc hấp dẫn. Một mặt, cuốn sách mang dáng dấp của một truyện kể, với cuộc phiêu lưu của nhân vật và cuộc phiêu lưu của chính tác giả tìm kiếm sự thật về nhân vật của mình. Một khế ước đọc được xác lập mà theo đó, tất cả những điều người đọc tiếp nhận đều là Sự thật nhưng là Sự thật của người viết (theo nghĩa được nhìn theo con mắt của người viết chứ không phải là sự sáng tạo của người viết). Nhờ đó, tác phẩm vừa có được sự lôi cuốn của Sự thật vừa có sự đảm bảo cho một thái độ cẩn trọng trước Sự thật. Trong lúc các sử gia và giới trí thức Việt Nam vẫn băn khoăn về việc “dân ta phải biết sử ta” thì rõ ràng, lối viết này có thể là một gợi ý hấp dẫn.
Và cuối cùng thì điều độc đáo là những con đường riêng rẽ lại gặp nhau ở những chặng cuối cùng. Từ cả hai cuốn sách, đều thấy hiện lên hình ảnh khá đồng nhất về một người chiến thắng. Trong con người ấy có sự hòa trộn giữa tình yêu, lòng trung thành với tổ quốc, lí tưởng của mình với sự tôn trọng nền văn hóa đối phương. Trong con người ấy có cả tinh thần quả cảm và tầm vóc lớn lao của trí tuệ. Điều đặc biệt, nghề nghiệp đầy hiểm nguy không làm mất đi ở ông những giá trị của tinh thần nhân ái và tình bằng hữu. Chính vì vậy nên khi hình ảnh thật của ông được tiết lộ, đối phương của ông vẫn giữ một thái độ tôn trọng và bạn bè của ông vẫn không hề có cảm giác bị lừa dối. Con người ấy có cả vẻ đẹp của sự hi sinh lớn lao lẫn sự sang trọng của một con người lịch lãm. Vẻ đẹp của con người ấy được kết tinh từ phẩm chất chung của một dân tộc chiến thắng cũng như từ tính độc đáo của nhân cách và tình thế cá nhân. Đọc tất cả những cuốn sách về cuộc đời của ông Ẩn, có thể thấy tầm vóc nhân cách của ông không chỉ thể hiện trong những chiến công mà còn cả trong những ứng xử đầy tình người với bạn bè và đồng nghiệp nước ngoài, trong sự mã thượng với đối phương cũng như tình nhân ái với những “người cũ”, những nhân vật thuộc về chế độ miền Nam Việt Nam đã phải trải qua cả những năm tháng cải tạo sau năm 1975. Tầm vóc ấy cũng được thể hiện cả trong những băn khoăn của ông về quan hệ giữa Việt Nam và các cường quốc sau chiến thắng 1975.
Ngày nay, chúng ta đang nói rất nhiều về hòa giải và hội nhập. Chắc chắn, từ cuộc đời độc đáo của Phạm Xuân Ẩn chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học hữu ích về những điều này.
 ————
1 Dẫn từ Một người Việt Nam thầm lặng, Jean-Claude Pomonti, người dịch Nguyễn Văn Sự, NXB Thanh Hóa và nhà sách Kiến thức, Hà Nội, 2007. 

Phạm La Giang

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)