Những thách thức trong bảo tồn di chỉ làng cổ Vườn Chuối 

Dù là một phức hệ di chỉ hiếm hoi cho phép chúng ta và con cháu nhiều đời sau hình dung được một cách sống động về đời sống của người Việt cổ từ thời tiền Đông Sơn và Đông Sơn rực rỡ nhưng việc bảo tồn ngôi làng này cổ vẫn còn nhiều thách thức.


Vườn Chuối là di chỉ quan trọng về tổ tiên chúng ta, được giới chuyên môn đánh giá có tầm quan trọng ngang với hai di tích đặc biệt quan trọng và tiêu biểu Đồng Đậu, Đình Tràng cho thấy tiến trình phát triển liên tục từ trước Đông Sơn (Phùng Nguyên – Đồng Đậu) đến thời kỳ dựng nước – văn minh Đông Sơn. Nhưng đây cũng là di chỉ có số phận lao đao, nhiều lần bị băm nát.

Được phát hiện từ nửa thế kỷ trước nhưng rồi Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) liên tục bị nạn đào trộm cổ vật xẻ ngang xẻ dọc. Sau đó, kết quả của hơn mười lần khai quật trong 20 năm qua và gần đây khai quật nhanh “cứu vớt” di vật để giải phóng mặt bằng, di chỉ Vườn Chuối ngày càng cho thấy giá trị độc đáo, nhưng vẫn chưa được xếp hạng di tích mà mới chỉ được ghi vào danh mục kiểm kê di tích.

Sau kiến nghị với TP Hà Nội cho khai quật “chữa cháy” trong thời gian ngắn – và các nhà nghiên cứu phải rất khó khăn mới tìm ra được các phương án vừa đáp ứng việc giải phóng mặt bằng để làm đường vành đai 3.5, đồng thời vừa phải đảm bảo các tiêu chuẩn khoa học, GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, trường Đại học KHXH&NV (ĐHQGHN) cho biết tại buổi Hội thảo báo cáo kết quả khai quật ngày 18/10. 

Đợt khai quật di dời khẩn cấp cũng là lần đầu tiên khai quật di sản khảo cổ học tiền sơ sử về một ngôi làng cổ của người Việt ở Đồng bằng sông Hồng, đã cho thấy rõ ràng giá trị lịch sử, văn hóa của di sản này, làm sáng tỏ bức tranh toàn cảnh của vùng đất Hà Nội và những đóng góp của nó vào sự phát triển rực rỡ của văn minh sông Hồng. Những dấu tích, từ mặt bằng cư trú thành các đơn nguyên kiến trúc nhà cửa rõ ràng, vết tích nhà ở, các di vật về tổ chức sản xuất, sinh hoạt hằng ngày cho đến vết tích của một nghĩa trang hoàn chỉnh với nhiều đồ tùy táng phong phú… cho thấy điều đó. Cụ thể, các nhà nghiên cứu Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Hà Nội và trường Đại học KHXH&NV đã phát hiện mặt bằng cư trú giai đoạn tiền Đông Sơn, các khu mộ táng tiền Đông Sơn, khu mộ táng văn hóa Đông Sơn từ sớm đến muộn, dấu tích gia cố mặt bằng sinh sống thời Đông Sơn, dấu vết hố cột của các kiến trúc dạng nhà dài thời Đông Sơn và một số dấu tích của thời hậu Đông Sơn. 

Những phát hiện này tiếp tục cho thấy Vườn Chuối là một ngôi làng Việt cổ đã được tổ tiên chúng ta sống ổn định lâu dài trên 2000 năm, phát triển liên tục từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn – Đồng Đậu sớm đến Đông Sơn và hậu Đông Sơn. “Các kết quả này góp phần khẳng định nguồn gốc bản địa và lịch sử dân tộc Việt Nam thời tiền sơ sử”, nhóm nghiên cứu cho biết.

70 ngôi mộ táng tiền Đông Sơn và 40 mộ táng Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 4.000 – 2.500 năm), trong đó nhiều di cốt trong các mộ táng còn được bảo tồn khá tốt sẽ đưa đến những hiểu biết sâu hơn về nhân chủng học, di truyền, bệnh lý, vận động, chế độ dinh dưỡng,… của người Việt cổ. 

Dù quý giá như vậy nhưng công tác bảo tồn di tích vẫn còn chậm. “Di cốt cần được nghiên cứu, bảo quản chống xuống cấp, mục nát ngay từ khi mới lấy lên khỏi di chỉ. Thêm vào đó, hệ thống di vật khảo cổ có đặc thù là những mảnh vỡ từ thời đại Kim khí của các loại đồ gốm, xương sừng, đồng, đá, gỗ… có cấu trúc không chắc chắn, dễ bị mục vỡ. Do đó, những di tích, di vật đã thu thập cần được nghiên cứu chỉnh lý càng sớm càng tốt”. “Đề nghị UBND TP Hà Nội và huyện Hoài Đức đẩy nhanh việc công nhận di chỉ Vườn Chuối là di chỉ cấp thành phố và có kế hoạch bảo quản, bảo tồn, phát huy giá trị di tích”, nhóm nghiên cứu kiến nghị. 

Những giá trị của Vườn Chuối, theo GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, là “không cần phải bàn cãi thêm nữa”, mà điều quan trọng là làm sao để phát huy tối đa giá trị đó. “Việc đầu tiên cần phải làm là cho di chỉ này giá trị pháp lý, xếp hạng di tích”, ông nhấn mạnh. 

Tin đăng Tia Sáng số 20/2024

Tác giả

(Visited 153 times, 1 visits today)