Nữ đại biểu dân cử có vai trò và đóng góp quan trọng
Theo nghiên cứu mới nhất do Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với các tổ chức công bố sáng 19/5, nữ đại biểu dân cử trong nhiệm kỳ 2016-2021 có vai trò ngang tầm với các đại biểu nam.
ĐBQH Ksor Phước Hà của tỉnh Gia Lai chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Nguồn: QHVN.
Quốc hội khóa XIV (2016-2021) là nhiệm kỳ đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội và 26,7% đại biểu là nữ. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh chiếm 26,7%, theo kết quả bầu cử năm 2016. GS. TS Phạm Quang Minh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh, kết quả nghiên cứu cho thấy nữ đại biểu dân cử nhiệm kỳ 2016-2021 đóng góp ngang tầm với nam đại biểu dân cử đồng nhiệm, thậm chí có phần nổi trội hơn ở một số lĩnh vực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Chúng ta có thể tin tưởng và dành cho các nữ ứng cử viên có năng lực những lá phiếu để họ đại diện cho 50,2% dân số nữ ở Việt Nam.
Cụ thể, kết quả nghiên cứu cho thấy, cả nam và nữ đại biểu dân cử đều quan tâm đến lợi ích cử tri, coi lợi ích cử tri là yếu tố quan trọng nhất trong thực hiện nhiệm vụ, nhưng nữ đại biểu Quốc hội và HĐND có xu hướng chủ động hơn trong việc tận dụng phương tiện truyền thông xã hội để trao đổi, tương tác với cử tri so với các nam đại biểu (tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND sử dụng ứng dụng truyền thông xã hội để trao đổi, tương tác với cử tri tương ứng là khoảng 51% và 41%, còn ở nam đại biểu lần lượt là 37% và 29%).
Nam và nữ đại biểu Quốc hội và HĐND đều khẳng định họ đáp ứng nhu cầu giải quyết đơn thư, kiến nghị của cử tri ở mức độ cao. Cả nam và nữ đại biểu Quốc hội đều tự đánh giá họ có thế mạnh nhất ở lĩnh vực lập pháp. Tương tự, cả nam và nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đều cho rằng hoạt động giám sát là thế mạnh bậc nhất của họ.
Về phẩm chất quan trọng của đại biểu dân cử, cả nam và nữ đại biểu Quốc hội và HĐND đều coi trọng ba phẩm chất “lắng nghe”, “có chính kiến” và “có khả năng theo đuổi vấn đề” nhưng nữ đại biểu đề cao “phẩm chất có khả năng theo đuổi vấn đề” hơn nam đại biểu.
Nhiều đại biểu vẫn tin tưởng và kỳ vọng vào việc gia tăng tỉ lệ nữ đại biểu tham gia các cơ quan Quốc hội và HĐND trong tương lai. Có gần 60% đại biểu Quốc hội và 66% đại biểu HĐND đồng tình với nhận định “sẽ có lúc ở Việt Nam số lượng nữ đại biểu Quốc hội/HĐND và nam đại biểu Quốc hội/HĐND ngang nhau”. Báo cáo nghiên cứu cũng đề xuất cần tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri qua tất cả các kênh, nhất là kênh truyền thông xã hội. Đồng thời, cần khuyến khích và tạo mọi cơ hội để cả nam và nữ đại biểu Quốc hội và HĐND tham gia tất cả các lĩnh vực bằng việc áp dụng chỉ tiêu giới trong tất cả các Ủy ban của Quốc hội và trong các ban của HĐND các cấp.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP cho rằng, điều căn bản nhất là cả ‘hai nửa của nhân loại’ có tiếng nói công bằng trong tất cả mọi vấn đề căn cơ đối với họ. “Cần vận dụng nhãn quan giới trong tất cả các bước ra quyết định trong khu vực công từ các vấn đề chính trị, xã hội tới quan hệ lao động và hoạt động kinh tế nhằm bảo đảm xem xét đầy đủ nhu cầu và kỳ vọng cụ thể của phụ nữ và nam giới cũng như những người có bản dạng giới khác, đồng thời bảo đảm điều kiện nhằm phát huy mọi tiềm năng của mỗi người và lực lượng lao động”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.
Nghiên cứu được thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam và UNDP Việt Nam, trong khuôn khổ chương trình Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia trả lời phiếu hỏi của 248 đại biểu Quốc hội khóa XIV (50% số đại biểu Quốc hội) và 136 đại biểu HĐND cấp tỉnh ở Hà Nội, Bình Phước và Cần Thơ.