Phân tích gene: Việt Nam là một mắt xích trong chuỗi buôn bán động vật hiếm
Việt Nam là một trong những quốc gia trung chuyển hoạt động nhập khẩu tê tê giữa châu Á và châu Phi, sau đó tái xuất sang các quốc gia khác, như Trung Quốc.
Trước đây, việc tuyên truyền ngăn chặn các đường dây buôn bán tê tê bất hợp pháp ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam thực sự là một thách thức. Bởi có tám loài khác nhau, ở 23 quốc gia, có phạm vi rộng lớn lên tới tổng cộng 2,3 triệu dặm vuông; và vảy của chúng thì được vận chuyển khắp thế giới để bán làm thuốc cổ truyền.
Mới đây, các nhà khoa học tại Đại học California (UCLA) đã xây dựng ra một bản đồ di truyền từ nguồn đến đích của loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới – tê tê – sử dụng các mẫu từ tê tê bụng trắng còn sống và vảy từ các động vật bị tịch thu tại các chợ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Phương pháp mới này dựa vào phân tích bộ gene để truy nguyên lại nguồn gốc của têt tê, từ đó xác định các điểm nóng săn trộm và buôn bán. Dựa vào phương pháp và kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science, các cơ quan chức năng có thể truy dấu các sản phẩm tê tê bụng trắng từ chuỗi cung ứng toàn cầu đến những xuất phát điểm ở châu Phi – nơi loài động vật này bị săn bắt trộm.
Thomas Smith, nhà sinh vật học tiến hóa và Giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Nhiệt đới của UCLA, tác giả của nghiên cứu này cho biết: “Việc sàng lọc di truyền mất vài ngày và xác định chính xác nguồn gốc của động vật trong khoảng 125 dặm”. “Ao đó có thể dỡ một bao vảy từ một con tàu ở Hồng Kông, và bạn có thể lấy một chiếc vảy duy nhất và xác định chiếc vảy đó đến từ tê tê ở đâu.”
Để theo dõi hoạt động buôn bán tê tê theo chuỗi từ chợ đến gốc gác nơi chúng sinh sống, các tác giả nghiên cứu đã lập bản đồ bộ gene của tê tê bụng trắng và thu thập 111 mẫu của loài này từ các địa điểm trên khắp Trung Phi để lập bản đồ di truyền cho các quần thể địa lý khác nhau. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã lấy “những mảnh” vật liệu di truyền từ vảy tê tê – được lấy mẫu từ khoảng 1 triệu cá thể động vật – bị tịch thu khi vận chuyển đến các thị trường Hồng Kông. Kết hợp hai nguồn, họ có thể xác định nơi đang diễn ra nạn săn trộm nhiều nhất và xây dựng bản đồ theo dõi các tuyến đường thương mại.
Họ nhận thấy hầu hết các loại vảy đầu tiên được chuyển đến Nigeria, trung tâm phân phối chính của khu vực. Từ đó, chúng được vận chuyển đến thị trường các nước Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Lào và Singapore. Các tác giả viết: Những phát hiện này mang lại “cơ hội mới để bẻ gãy hoạt động buôn bán động vật hoang dã quốc tế và hướng dẫn các biện pháp chống buôn lậu”.
Kết quả cho thấy một bức tranh khác với những gì người ta vẫn hình dung về con đường buôn lậu tê tê. Chẳng hạn, mặc dù lâu nay Nigeria được biết đến như là trung tâm xuất khẩu sang châu Á, nhưng nghiên cứu mới này cho thấy chỉ có 4% số động vật có nguồn gốc từ đó.
Trong giai đoạn 2012 – 2018, nạn săn trộm tê tê ở đã dịch chuyển về phía Đông châu Phi. Vảy thu thập vào năm 2012 được phân tích cho thấy thường có nguồn gốc khớp với khu vực các quốc gia Tây Phi như Sierra Leone, Liberia và Ghana. Vào năm 2018, hầu hết vảy đến từ Cameroon, đặc biệt là biên giới phía Nam, giáp với Guinea Xích đạo, Gabon và Cộng hòa Congo. Các điểm nóng thứ cấp trong mạng lưới buôn bán lậu được xác định ở phía Tây Bắc Cameroon, gần biên giới với Nigeria và phía Đông Cameroon, dọc biên giới với Cộng hòa Trung Phi.
Hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trên toàn cầu là một hoạt động kinh doanh trị giá 20 tỷ USD được các tập đoàn quốc tế tinh vi điều hành. Tê tê là loài động vật có vú có vảy đặc biệt, có nhánh tiến hóa riêng – họ hàng gần nhất của chúng có mèo và gấu Bắc Cực. Tất cả tám loài tê tê, bốn loài ở châu Phi và bốn loài ở châu Á, đều đang bị đe dọa đến bờ vực tuyệt chủng. Khi những loài tê tê châu Á ngày càng khan hiếm, các đường dây buôn lậu đã chuyển hướng tê tê sang châu Phi và tê tê bụng trắng.□
B. Như dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2023-12-genomic-analyses-reveal-poaching-hotspots.html