Phát hiện loài nấm đe dọa cây chuối ở Việt Nam

Các nhà nghiên cứu Việt Nam, Bỉ và Hà Lan đã phát hiện ra sự đa dạng của Fusarium oxysporum f. sp. Cubense, nấm gây bệnh héo rũ Panama, trên các cây chuối thương phẩm và chuối rừng ở Việt Nam. Do có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn tăng trưởng nào của cây, bệnh héo rũ có thể xóa sổ cả một mùa vụ.


Hiện nay ở Việt Nam, diện tích trồng chuối chiếm 19% tổng diện tích cây ăn trái, đạt sản lượng 1,4 triệu tấn. Nguồn: Báo Dân Việt

Đây là kết quả từ một đề tài nghiên cứu do Quỹ Flanders (Bỉ) và Quỹ NAFOSTED đồng tài trợ từ năm 2017. TS. Lê Thị Loan (Trung tâm giống cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và cộng sự đã công bố kết quả trong bài báo “Diversity of Fusarium associated banana wilt in northern Viet Nam” (Sự đa dạng của Fusarium liên quan đến chuối dại ở miền Bắc Việt Nam) và xuất bản trên tạp chí MycoKeys – một tạp chí truy cập mở có bình duyệt.

Họ cho biết, Fusarium được liệt vào danh sách những mầm bệnh gây hại đáng sợ nhất của cây trồng bởi nó có thể ảnh hưởng đến toàn bộ mùa vụ trồng trọt trong thời gian ngắn mà khó có cách cứu vãn. Trên khắp thế giới, nông dân các châu lục đều phải hứng chịu thiệt hại do Fusarium oxysporum f. sp. Cubense (Foc) gây ra, dẫn đến đến sinh kế bị ảnh hưởng. Hơn 100 năm qua, các chủng nấm này đã lây nhiễm cho nhiều quốc gia và dự đoán sẽ lan truyền tới châu Á, nơi tập trung nhiều quốc gia như Trung Quốc, Philippines, Pakistan, và Việt Nam. 
Loại nấm này xâm nhập vào cây qua hệ thống rễ rồi từ đó di chuyển vào các mô mạch, làm nó suy thoái dần dần khiến cây chết. Tuy nhiên, loại nấm này rất khó có thể xử lý được triệt để vì bào tử nó có thể tồn tại đến 20 năm trong đất, dù người trồng có thể loại bỏ tất cả các mô và cây bị nhiễm bệnh. Do đó, việc một vườn chuối bị nhiễm bệnh không chỉ là câu chuyện gói gọn trong một mùa vụ mà có nguy cơ gây ảnh hưởng, thậm chí tồi tệ là xóa sổ cả lĩnh vực chuối xuất khẩu ra quốc tế. Để tránh trường hợp này, người ta thường trồng các giống thuộc phân nhóm Cavendish vì có thể chống chịu một số chủng Foc nhưng lại có nhược điểm là không thể sinh sản hữu tính mà chỉ được nhân giống vô tính. Hiện tại, chủng mới TR4 là nguyên nhân dẫn đến những diện tích trồng chuối Cavendish mắc bệnh. Do đó, cần thiết để tìm hiểu từng loài để phát hiện nguy cơ gây bệnh. Chỉ khi hiểu được kỹ lưỡng về các loài gây bệnh trên chuối thương phẩm thì người ta mới có thể tiến hành các biện pháp phòng ngừa để kiểm soát sự lan truyền của bệnh dịch từ vùng này sang vùng khác.
Trong nghiên cứu này, từ tháng 4/2018 đến tháng 12/2019, họ đã tiến hành trồng ba giống chuối ở 19 vùng địa lý khác nhau ở các tỉnh Tây Bắc, và đồng bằng sông Hồng như Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang, Hà Nam, Nghệ An…, trong đó có giống chuối dại và chuối thương phẩm Musa của Việt Nam. Sau đó, các mẫu nhiễm bệnh héo rũ Panama được tách chiết và thu thập. Sử dụng các phân tích DNA và các đặc điểm hình thái, họ phát hiện ra chuối trồng ở miền Bắc Việt Nam mắc bệnh héo rũ Panama do nhiều loài Fusarium khác nhau trong phức hợp loài Fusarium oxysporum. Trong số này, nấm F. tardichlamydosporum thường xuất hiện nhiều nhất trên chuối trồng bị nhiễm bệnh. Điều quan trọng nhất, theo các nhà nghiên cứu, chính loại nấm Fusarium tardichlamydosporum này không chỉ xuất hiện ở chuối trồng mà còn ở chuối dại. Điều này cho thấy là chuối dại cũng có thể là nguồn phát tán bệnh, dẫn đến sự tái nhiễm ở các cây chuối thương phẩm.
Nghiên cứu này có ý nghĩa lớn với ngành chuối Việt Nam bởi hiện diện tích trồng chuối chiếm 19% tổng diện tích cây ăn trái, đạt sản lượng 1,4 triệu tấn. Theo dự đoán, bệnh héo rũ Panama có thể tác động không nhỏ trong tương lai: ước tính nó sẽ làm giảm 8% sản lượng trong năm năm tới và lên tới 71% sau 25 năm tới. Trong nghiên cứu của mình, các tác giả cho biết, ở Việt Nam, phần lớn chuối được tiêu thụ trong nước và là nguồn sinh kế của người dân ở nông thôn. Vì vậy, bất kỳ ảnh hưởng lên các diện tích trồng trọt cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân địa phương.□
 

Tác giả

(Visited 54 times, 1 visits today)