Phát hiện mới về hormone “tình thương”
Oxytocin vẫn được coi là hormone của tình thương. Hóa chất này được sinh ra từ vùng não điều khiển thân nhiệt, kích thích ham muốn chăm sóc con nhỏ của chuột mẹ, duy trì lòng chung thủy với bạn tình ở chuột đồng, và điều đáng kể là, khiến con người tin cậy ở đồng loại hơn.
Trên đây là kết luận của một số nhà tâm lý học. Tác giả chính của nghiên cứu mới này về oxytocin là Carsten K. W. De Dreu, nhà tâm lý học làm việc tại Đại học Amsterdam. Trái với quan điểm chính thống ca ngợi những tác động tích cực, ấm áp mà oxytocin tạo ra, ông đã cho rằng không ai có thể tồn tại khi tin tưởng vô điều kiện ở người khác. Vì vậy, nhất định phải có giới hạn của oxytocin trong việc tạo dựng lòng tin, và ông nhất quyết phải xác định cho được giới hạn này.
Trong một nghiên cứu công bố vào năm ngoái trên tạp chí Science, dựa trên các thí nghiệm về việc đem tiền đi phân phát của các chủ thể, De Dreu và các cộng sự đã chứng minh rằng oxytocin khiến con người dễ ưu đãi những người cùng nhóm với mình, bất chấp điều đó có thể khiến những người ở ngoài nhóm bị thiệt thòi. Còn trong nghiên cứu mới nhất gần đây đăng trên tạp chí the Proceedings of the National Academy of Sciences, ông đã mở rộng phạm vi đề tài nghiên cứu, trong đó tìm hiểu về thái độ con người đối với những người không cùng nhóm với mình. Trong thí nghiệm này, đối tượng chủ thể là các sinh viên Hà Lan, các đối tượng có tính chất không cùng nhóm là người Đức và người Hồi giáo.
Những đối tượng này được lựa chọn thí nghiệm vì kết quả thăm dò năm 2005 cho thấy 51% người Hà Lan có quan điểm tiêu cực về người theo đạo Hồi giáo, đồng thời nhìn nhận chung về người Đức là “hung hăng, kiêu ngạo, lạnh lùng”.
Đối với việc thí nghiệm lần này, người ta cân nhắc rằng những sinh viên Hà Lan có mức độ giao tiếp với xã hội tương đối cao sẽ khó lòng nói ra điều gì tiêu cực về những nhóm người khác. Vì vậy, một phần trong thí nghiệm của De Dreu là tìm hiểu qua phần tiềm thức, đơn giản bằng việc yêu cầu người sinh viên ấn vào một phím để xác nhận khi được nhìn thấy một cặp từ, trong đó gồm một tính từ có tính chất tiêu cực, từ còn lại sẽ là một cái tên, có thể là một tên người Hà Lan thông dụng như Peter, hoặc tên một người có tính chất không cùng phe, như Markus hay Helmut nếu là người Đức, hoặc Ahmad hoặc Youssef nếu là người Hồi giáo.
Tiêu chí được đo lường là thời gian mà đối tượng chủ thể cần đến trước khi ấn phím xác nhận. Nếu hai từ có sự tương đồng về cảm xúc thì đối tượng chủ thể sẽ ấn phím nhanh hơn so với khi hai từ có sự mâu thuẫn về cảm xúc. De Dreu báo cáo rằng khi đối tượng chủ thể hít một liều oxytocin vào 40 phút trước khi tham gia tham gia thí nghiệm thì sẽ dễ thiên vị những người cùng phe với mình.
Trong một phần khác của thí nghiệm, các sinh viên Hà Lan buộc phải gặp một bài kiểm tra giả tưởng về đạo lý, trong đó họ sẽ phải cân nhắc việc cứu một người lên một xuồng cứu sinh đã quá tải, qua đó để mặc cho 5 người khác cũng đang ở dưới nước bị chết đuối. Trong thí nghiệm này, người tham gia thí nghiệm sẽ phải lựa chọn cứu một người có cái tên Hà Lan, hay là cứu một người có cái tên Hồi giáo. Qua đó thì thấy rằng những người đã dung qua một liều oxytocin thì có thiên hướng rõ rệt trong việc cứu những người có cái tên Hà Lan, ví dụ như Maarten, thay vì cứu những người có cái tên Hồi giáo như Muhammad.
Tuy rằng oxytocin thể hiện những giới hạn trên đây, tác động của nó dường như xuất phát từ việc kích thích tình đồng bào với người cùng nhóm, chứ không phải là gây ra sự thù hằn với người khác nhóm. Tuy rằng các nhà nghiên cứu Hà Lan có tìm thấy một số bằng chứng cho thấy oxytocin có thể gây ra cảm nhận tiêu cực, nhưng không rõ ràng.
De Dreu dự kiến sẽ tiếp tục nghiên cứu liệu oxytocin có liên quan tới một số hành vi xã hội, mà theo quan điểm tâm lý học tiến hóa thì những hành vi này xuất hiện và phát triển ở người tiền sử. Bên cạnh việc trung thành với nhóm của mình, người tiền sử cũng thiên vị với những đối tượng cùng hợp tác, và xa lánh những ai bất hợp tác. Nếu như Oxytocin cũng liên quan đến những hành vi này, thì có thể nó đã giúp các cộng đồng người tiền sử hình thành nên những tiêu chuẩn về hành vi.
Những tôn giáo sơ khai trước kia cũng tách các cộng đồng người thành các nhóm liên kết, và những nhóm này thường trừng phạt những ai không thuộc nhóm mình. Liệu oxytocin có liên quan tới hành vi mang tính xã hội này của tôn giáo. Theo De Dreu thì ảnh hưởng của oxytocin là rất chung, và nó tác động tới các nhóm tôn giáo theo cùng một cách nó tác động tới các nhóm hooligan bóng đá. “Khi con người gặp gỡ những ai cùng chia sẻ quan điểm với mình, mức oxytocin trong họ sẽ cao lên”. Đối với các sỹ quan quân đội, chẳng có gì quan trọng hơn tinh thần hợp tác liên kết trong binh sĩ, và oxytocin giờ đây có vẻ là liều thuốc lý tưởng. Nhưng những giả thuyết này có lẽ đã đi hơi xa, De Dreu nói, vì căn cứ hiện nay mới chỉ là một số kết quả thí nghiệm.
Vậy vì sao cốt lõi hóa học cho tình đồng bào lại nằm trong não người? “Trong môi trường thời tiền sử, điều quan trọng là làm sao nhận biết được những ai có thể hợp tác lâu dài”, TS. De Dreu nói.
“Tình đồng bào là một phần cơ bản của con người, và nó không phải là thứ mà người ta có thể tạo ra thuần túy dựa vào giáo dục”.
Bruno B. Averbeck, một chuyên gia về các quá trình cảm xúc ở não, làm việc tại Viện Quốc gia về Sức khỏe Tinh thần, nói rằng ảnh hưởng của oxytocin như miêu tả trong công bố của De Dreu là rất thú vị. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu như trong tâm trí con người chưa có những thông tin dựa trên kinh nghiệm về đối tượng, chẳng hạn như khi người ta phải cân nhắc liệu có tin tưởng ở một người hoàn toàn xa lạ, thì khi đó bộ não sẽ nghe theo sự tác động từ oxytocin, nhưng khi người ta đã có kinh nghiệm thì tiếng nói của lý trí sẽ át đi.
Trần Lê dịch (Nicholas Wade, New York Times)