Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải rút ngắn thời gian thẩm định cấp bằng sáng chế
Tại buổi làm việc với Bộ KH&CN mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn nữa để là một trong những nước ASEAN có thời gian thẩm định cấp bằng sáng chế, quyền SHTT ngắn nhất.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới thăm Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (Tổng cục TCĐLCL).
Sáng 21/9/2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bộ KH&CN để kiểm tra tình hình khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực tiêu chuẩn chất lượng và sở hữu trí tuệ.
Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Bộ KH&CN, Cục Sở hữu trí tuệ, Tổng cục TCĐLCL, cùng đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT Bộ Y tế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam…
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho biết, trong quá trình thực thi Nghị quyết, Bộ KH&CN vẫn gặp phải một số vướng mắc, đặc biệt trong lĩnh vực SHTT do vấn đề cơ chế, chính sách và pháp luật chưa theo kịp nhu cầu của xã hội, do đó dẫn đến hệ quả là ảnh hưởng đến chính sách bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam. Mỗi năm Cục SHTT tiếp nhận gần 100.000 đơn các loại, xử lý được gần 80.000 đơn dẫn đến tình trạng tồn đọng hơn 40.000 đơn sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu quốc gia.
Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng về khả năng tiếp nhận, xử lý hồ sơ xin cấp bằng sáng chế, một chuyên viên Phòng Sáng chế 2 (Cục SHTT) cho biết mỗi tháng có thể xử lý được khoảng năm hồ sơ xin cấp bằng sáng chế và cần tới 40 tháng để xử lý xong 200 hồ sơ hiện có. Trong khi đó chi phí để thẩm định một hồ sơ cấp bằng sáng chế dày hàng trăm trang là khoảng ba triệu đồng, vì vậy rất khó để thuê doanh nghiệp bên ngoài tham gia vào công đoạn thẩm định sơ bộ nội dung một hồ sơ xin cấp bằng sáng chế bằng mức phí này. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian chờ đợi của doanh nghiệp mỗi khi nộp hồ sơ.
Tương tự, do không có kinh phí nên phòng lưu trữ dữ liệu của Cục SHTT lạc hậu, không được đầu tư đầy đủ, bài bản và chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thẩm định, đăng ký quyền SHTT, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…
Phát biểu ý kiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng số lượng bằng sáng chế, bảo hộ quyền SHTT của Việt Nam đã ít, thời gian thẩm định lại kéo dài. “Nhiều doanh nghiệp phản ánh thủ tục tương đối rõ ràng nhưng thời gian chờ đợi quá lâu. Để cải thiện tình trạng này trong nhiều việc cần làm thì nhất định phải giảm thời gian thẩm định, cấp bằng sáng chế, bảo hộ quyền SHTT”.
Phó Thủ tướng đề nghị, phải đổi mới cơ chế tài chính, tăng mức phí để thu hút DN tham gia vào một số bước trong thủ tục thẩm định hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cấp bằng sáng chế, quyền SHTT cho DN, người dân.
“Ngoài đội ngũ thẩm định viên của Cục thì rất nhiều người có trình độ tương đương đang làm việc trong các doanh nghiệp bên ngoài. Một hồ sơ thẩm định dày hàng trăm trang có thể thuê doanh nghiệp đọc và tóm tắt lại hồ sơ, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đó, trước khi chuyển cho thẩm định viên. Còn xây dựng cơ sở dữ liệu về SHTT thì hoàn toàn có thể nêu đầu bài và thuê dịch vụ của doanh nghiệp công nghệ thông tin”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, muốn làm được như vậy, Cục SHTT phải mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất đổi mới cơ chế tài chính, đẩy mạnh tự chủ.
“Suy cho cùng mong muốn của doanh nghiệp là tốn ít thời gian nhất cho việc thực hiện các thủ tục liên quan đến bảo hộ quyền SHTT chứ chưa hẳn là chi phí. Chúng ta đang ở vị trí trung bình thì phải cố gắng nhiều hơn nữa để là một trong những nước ASEAN có thời gian thẩm định cấp bằng sáng chế, quyền SHTT ngắn nhất”, Phó Thủ tướng nói.
Đối với việc mô hình đổi mới sáng tạo quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá dù tích cực thực hiện nhưng những kết quả đạt được của Bộ KH&CN mới là bước đầu, còn rất khiêm tốn.
Trong thời gian tới, Bộ KH&CN cần đẩy nhanh việc công khai minh bạch toàn bộ quy trình quản lý KHCN từ đề tài nghiên cứu cơ bản trở đi để mọi người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học cùng giám sát; xây dựng cơ chế đặt hàng, giao đề tài trong trường ĐH, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; khuyến khích, tạo nhu cầu tự thân của từng DN đầu tư cho nghiên cứu, phát triển KHCN.