Quảng tập viên văn (NXB Hội Nhà Văn và TT VHNN Đông Tây, ấn hành 2006)

“Quảng tập viêm văn” (An nam văn tập) là cuốn sách do một giáo sư người Pháp, Edmond Nordemann, người từng làm việc ở Việt Nam viết vào năm 1894 và xuất bản tại Hà Nội năm 1898. Cuốn sách được nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn sưu tập, giới thiệu cho Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây tổ chức biên dịch và xuất bản. Sách gồm 2 phần, phần thứ nhất có 180 bài văn tiếng Việt gồm đủ thể loại: văn xuôi, thơ phú, ca trù, hát ví, câu đố, bài kinh, bài kệ đến các bản án từ văn khế, thư riêng v.v. với phương ngữ Bắc Kỳ mà tác giả sưu tầm được. Phần thứ 2 là Từ vựng An Nam- Pháp, giải thích các từ ngữ tiếng Việt (có đánh dấu chú thích ở trong bài ở phần đầu) và được minh họa bằng 62 bản vẽ chụp lại.

Giáo sư Edmond Nordemann-tác giả “Quảng tập viêm văn” từng dạy ở trường Thông ngôn (Collège de Interprets), nơi đào tạo những người Việt học tiếng Pháp đầu tiên ở nước ta trong đó có Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Vĩnh… Có lẽ do cảm tình với văn hoá Việt, đồng thời muốn có một bản văn có tính chất bách khoa cho những người bạn đồng hương(Pháp) của mình nên E. Nordemann đã chủ tâm viết sách. Ông tự phiên âm tên mình thành Ngô Đê Mân, chép các câu chuyện mà tác giả thu thập được qua các câu chuyện do người bản xứ kể, hay qua các sách truyện bằng chữ Nôm như Kim Vân Kiều, Nhị Độ mai, Bích câu kỳ ngộ, Việt sử diễn ca… hay qua các sách chữ Hán do người Việt viết như Trần triều cẩm phủ, Nhị thập tứ hiếu, hay do người Trung Quốc viết như Lễ ký, U minh lục, Phong Trụ thông, Đông Chu liệt quốc, Tam quốc cố sự… tác giả đã ghi lại, dịch lại bằng chữ quốc ngữ (viết theo cách tiếng Việt thuở ban đầu)…
Có trong tay cuốn Quảng tập viên văn người đọc ngoài việc được tiếp cận với những bài văn, câu chuyện, đơn từ… những văn tự của một đời sống từ cổ đến giai đoạn tác giả đang sống còn có thể tìm thấy từ ngữ, phương ngữ dùng ở vùng Bắc Bộ cách đây một trăm năm, từ đó có thể so sánh cách tiếp biến ngôn ngữ qua thời gian. Thú vị hơn nữa trong phần giải thích từ ngữ tiếng Việt ra nghĩa tiếng Pháp, tác giả đã kết hợp trình bày một cách khách quan một số nét về lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội của nước ta vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX (khi nước ta vừa bị đế quốc Pháp xâm chiếm toàn bộ và cai trị được 10 năm sau hòa ước Patenôtre ký vào năm 1884). Cuốn sách gồm 11 thiên (180 bài phương ngôn Bắc Kỳ) và Từ Vựng. Nhà biên dịch Nguyễn Bá Mão đã cố ý để nguyên những từ của tác giả, chứ không tự ý chuyển đổi theo nghĩa tiếng Việt ngày nay. Ví dụ: xự tích (sự tích) Thái xư (Thái sư), dủ nhau (rủ nhau), giở về (trở về), nhà chọ (nhà trọ)… Cuốn sách là tư liệu quý có thể giúp ích rất nhiều cho các nhà nghiên cứu sử học, địa lý và văn hoá xã hội. Sách dày 396 trang,  khổ 14,5 x 20,5 cm.
 

Nhà biên dịch Nguyễn Bá Mão sinh 1922, quê Nghệ An. Học chữ nho từ ông nội không qua Tam tự kinh mà qua Tam quốc chí. Sau học College (Quốc học Vinh). Từng làm hiệu trưởng trường Tân Dân-Nam Đàn rồi sang học ĐH Sư phạm ở Nam Ninh- Trung Quốc. Về nước, ông làm công tác đối ngoại tại ngành Thủy Sản Việt Nam. Là dịch giả của nhiều cuốn sách chuyên ngành và từng soạn từ điển. Từ khi nghỉ hưu (1988) đến nay Ông Nguyễn Bá Mão dịch các sách từ trinh thám đến y khoa. Đáng kể nhất là những cuốn “Thủy kinh chú sớ” và “Quảng tập viêm văn”.

P.V

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)