Quốc hội thảo luận về chất lượng giáo dục đại học
Theo Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
– Tính đến ngày 30-9-2009, cả nước có 440 cơ sở giáo dục đại học. Kết quả là đã có 62/63 tỉnh thành có ít nhất một trường ĐH hoặc CĐ.
– Từ năm 1987 đến năm 2009, số sinh viên cả nước tăng 13 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng ba lần, do đó tỉ lệ sinh viên/giảng viên quá cao so với quy định (năm học 2008-2009 là 28 sinh viên/giảng viên). Một số trường tỉ lệ này còn lên đến mức trên 40 sinh viên/giảng viên. Nhiều giảng viên dạy tới 1.000 tiết/năm, trong khi quy định là 260 tiết.
– Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020 đưa ra chỉ tiêu đến năm 2010 có 40% giảng viên ĐH và 30% giảng viên CĐ là thạc sĩ; 25% giảng viên ĐH và 5% giảng viên CĐ là tiến sĩ; đến năm 2015 có 50% giảng viên ĐH và 10% giảng viên CĐ là tiến sĩ. Nhưng thực tế đến năm 2009, tỉ lệ giảng viên ĐH, CĐ cả nước có trình độ tiến sĩ mới đạt 10,16%.
Trong buổi làm việc ngày 7-6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về kết quả giám sát đó và chỉ ra nguyên nhân chính của nhiều bất cập trong giáo dục đại học hiện nay là do sự nể nang, né tránh, xuê xoa, xử lý vi phạm không triệt để, thiếu nghiêm minh của Bộ GD&ĐT cùng với sự đầu tư chưa đúng tầm.