Quỹ NAFOSTED: Tinh giản danh mục tạp chí quốc gia uy tín ngành Khoa học tự nhiên
So với danh mục cũ được thông qua cách đây ba năm, danh mục tạp chí quốc gia có uy tín mới do Hội đồng quản lý Quỹ NAFOSTED phê duyệt ngày 9/8/2019 không chỉ tinh gọn về số lượng mà còn nhỉnh hơn về chất lượng tạp chí.
Theo các quy định của Quỹ, các đề tài nghiên cứu cơ bản ngành khoa học tự nhiên do Quỹ tài trợ phải có sản phẩm là các công trình xuất bản trên các tạp chí quốc tế và ISI uy tín cũng như tạp chí quốc gia uy tín, trong đó tạp chí quốc gia uy tín bao gồm các tạp chí được các hội đồng khoa học ngành lựa chọn và đề xuất từ các tạp chí quốc gia thuộc danh mục Scopus hoặc ACI hoặc được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận điểm tối đa từ 0,75 trở lên. Do đó, việc có được một danh mục tạp chí quốc gia chuẩn xác sẽ không chỉ đảm bảo chất lượng đề tài nghiệm thu mà còn góp phần tạo động lực chuẩn hóa và nâng cao chất lượng các tạp chí trong nước lên tầm quốc tế.
Đó là mong muốn của nhiều nhà nghiên cứu cũng như nhiều hội đồng khoa học ngành. Trong nhiều phiên họp của Quỹ NAFOSTED, có không ít ý kiến cho rằng, số lượng các tạp chí quốc gia uy tín trong danh mục được thông qua tháng 5/2016 quá lớn với 236 tạp chí ở 8 ngành, trong đó lớn nhất là ngành hóa học 76 tạp chí, khoa học sự sống nông nghiệp 56 tạp chí, cơ học và kỹ thuật 33 tạp chí…, khiến danh sách này không xứng với tiêu chí “uy tín” nữa. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Tia Sáng vào tháng 6/2018, GS. TS Ngô Việt Trung (Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Toán NAFOSTED) cho rằng, việc Quỹ không giới hạn vào các tạp chí đầu ngành và cho phép có thể công bố trong tất cả các tạp chí trong nước khiến “bài kiểu gì cũng đăng được, không cần chất lượng chuyên môn”. Tại phiên họp tháng 2/2019, ông đề xuất ý kiến là hạn chế số lượng tạp chí uy tín, không để xảy ra hiện tượng tràn lan danh mục uy tín không thực chất.
Tuy nhiên, đó là quan điểm của hội đồng ngành toán, nơi mỗi kỳ xét duyệt chỉ có một số lượng ít các hồ sơ đề xuất được phê duyệt, còn nhiều ngành khác thì vấn đề lại hoàn toàn khác: số lượng tạp chí không đủ để đăng các công bố. Ví dụ vật lý là ngành luôn có số lượng đề tài được phê duyệt trong các kỳ tài trợ lớn, có đợt tới 100 đến 120 đề tài. Theo nhận xét của GS. TS Nguyễn Đức Chiến (Chủ tịch Hội đồng ngành Vật lý), “nếu áp dụng quy định mỗi đề tài phải có một công bố trên các tạp chí quốc gia có uy tín thì số tạp chí quốc gia có uy tín ngành Vật lý không thể kham nổi” bởi ngoài các đề tài do Quỹ tài trợ cần có công bố trong nước để đạt tiêu chuẩn nghiệm thu, còn có đề tài khác như nghiên cứu sinh, học viên cao học… cũng cần được xuất bản.
Do đó, danh mục tạp chí quốc gia uy tín mới được thông qua đã đảm bảo được hài hòa các tiêu chí quan trọng như chất lượng các tạp chí quốc gia uy tín, chất lượng các công bố từ đề tài do Quỹ NAFOSTED tài trợ, theo đánh giá của TS. Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Quỹ. So với danh mục cũ thì danh mục mới có hai điểm tiến bộ: thứ nhất, tổng số lượng các tạp chí quốc gia uy tín chỉ còn với 76 tạp chí, tương đương 1/3 so với danh mục cũ. Ngoại trừ một số ngành có tiêu chuẩn lựa chọn khắt khe như ngành toán, khoa học máy tính nên số lượng gần như không thay đổi thì ở một số ngành như hóa học, khoa học sự sống nông nghiệp, khoa học sự sống y sinh, cơ học… đều có sự tinh giản, nhiều nhất là ngành hóa với 13 tạp chí, nghĩa là chỉ bằng 1/6 trước đây; Thứ hai, chất lượng các tạp chí bắt đầu được nâng lên khi nhiều tạp chí ngành đã được quốc tế dần công nhận như 2 tạp chí ngành Khoa học sự sống y sinh là Biomedical Research and Therapy (ISSN 21984093); và Progress in Stem Cell (ISSN 21994633) do Viện Tế bào gốc, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM xuất bản lọt vào danh mục Scopus, tạp chí ngành vật lý Da Lat University Journal of Science đạt chuẩn ACI. Bên cạnh đó, số lượng tạp chí xuất bản bằng tiếng Anh cũng gia tăng như một phần của kế hoạch trở thành tạp chí quốc tế, ví dụ như Nuclear Science & Technology của Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam. □