Sau 50 năm, Hoa Kỳ và Việt Nam lại nghiên cứu chung về hải dương học
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết, tàu nghiên cứu Roger Revelle đang ở thăm Đà Nẵng trong chương trình nghiên cứu chung về hải dương học giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cơ quan Nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ (ONR). Lần cuối cùng hai nước có nghiên cứu chung trong lĩnh vực này là cách đây 50 năm.  
“Chúng tôi hy vọng cùng làm việc với các nhà khoa học Việt Nam trên những con tàu nghiên cứu như tàu Revelle để tìm hiểu thêm về những biến đổi động lực học hải dương phức tạp ngoài vùng biển Việt Nam và xung quanh các dòng chảy ra của sông Mê Kông”, Scott Harper, Giám đốc dự án thuộc chương trình ONR nói. “50 năm đã trôi qua kể từ lần cuối cùng hai nước có nghiên cứu chung lớn về hải dương học. Sẽ thật thú vị khi biết được sự thay đổi toàn cầu có ảnh hưởng đến hải dương học không và những điều gì có thể xảy ra trong tương lai”.
Chương trình nghiên cứu hải dương học kéo dài năm năm sẽ tập hợp các nhà khoa học Hoa Kỳ đến từ các trường đại học và các viện nghiên cứu hàng đầu, bao gồm trường Đại học Bang Oregon, Viện Hải dương học Scripps, Đại học Washington, và Viện Hải dương học Woods Hole cùng với các nhà khoa học Việt Nam đến từ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và các cơ quan, các trường đại học về khoa học khác ở Việt Nam.
Bên cạnh nghiên cứu chung, chương trình sẽ bao gồm các hoạt động đào tạo; trao đổi giữa các sinh viên đại học và các nhà khoa học Hoa Kỳ và Việt Nam; và cùng xuất bản những kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế có bình luận của giới khoa học.
Tàu Roger Revelle, thuộc sự vận hành của Viện Hải dương học Scripps của trường Đại học California, San Diego, sẽ ở Đà Nẵng từ ngày 22 đến 29/6, thông cáo của Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết.