Sol khí vô cơ thứ cấp ảnh hưởng gì đến chất lượng không khí ?

Các nhà nghiên cứu ĐH Bách khoa Hà Nội đã thực hiện một nghiên cứu tiên phong về tác động của sol khí vô cơ thứ cấp đến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, cụ thể các sự hình thành của các hạt bụi PM2.5 và PM0.1.

Hà Nội thường bị ô nhiễm không khí nặng về mùa đông. Nguồn: VOV.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam nói chung và hai thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM nói riêng được dự báo ảnh hưởng không nhỏ lên sức khỏe con người. Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, chúng ta cần có nhiều thông tin về các hạt bụi ở các kích thước khác nhau, nguồn gốc, sự vận chuyển và quá trình hình thành của nó… Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam còn nhiều khoảng trống thông tin về thành phần hóa học của bụi. Đây là lý do nhóm nghiên cứu về chất lượng không khí ở Trường Hóa học và Khoa học sự sống (ĐH Bách khoa HN), trong sự hợp tác với đồng nghiệp tại Viện Vệ sinh an toàn lao động Quốc gia và Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc, tìm hiểu về các thành phần của sol khí vô cơ thứ cấp (SIA). 

Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học đã lấy mẫu không khí tại ĐH Bách khoa HN (vùng nội đô) và Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (bên cạnh một tuyến đường vận tải quan trọng), trong suốt thời kỳ mùa đông năm 2020, thời điểm có mức nhiệt độ từ 12°C đến 26°C, độ ẩm từ 38% đến 95%. Trong thời kỳ lấy mẫu, họ đã phân định được bảy giai đoạn ô nhiễm không khí, dựa trên tiêu chí hai ngày liên tiếp có nồng độ PM2.5 cao hơn so với tiêu chuẩn không khí quốc gia 50 µg m–3). 

Kết quả phân tích cho thấy, nồng độ PM2.5 đều tương đồng trong vòng 6,2 km trong thành phố Hà Nội. Các nồng độ trung bình của bụi PM0.1 đến PM2.5 trong các thời kỳ ô nhiễm không khí cao lần lượt là 74,6 và 6,8 µg m–3 trong khi nồng độ trung bình của bụi PM2.5 và PM0.1 trong những ngày “bình thường” là 31,5 và 4,9 µg m–3

Sol khí vô cơ thứ cấp (trong đó có sulfat, amoni, nitrat) chiếm 29 % và 14,1% trong hạt bụi PM2.5 và PM0.1 ở các thời kỳ ô nhiễm không khí nặng tại nội đô. Sự đóng góp của sol khí vô cơ thứ cấp với PM2.5 trong giai đoạn ô nhiễm nặng so với giai đoạn ô nhiễm thông thường tăng 13%. Mức đóng góp của sol khí vô cơ thứ cấp ở gần tuyến đường giao thông quan trọng cũng có mức tương đương nội đô. 

Khi phân tích nguồn đóng góp tiềm năng vào nồng độ bụi cũng như xác định quỹ đạo khối khí di chuyển trong vận chuyển đường dài, các nhà nghiên cứu phát hiện ra cả hai đều bị ảnh hưởng của vận chuyển bụi đường dài. Tình trạng ô nhiễm không khí càng nặng thì mức đóng góp của sol khí vô cơ thứ cấp lên các hạt bụi càng lớn. 

Họ cho biết, nồng độ và sự biến thiên của hạt bụi PM2.5 tại địa điểm nghiên cứu và các địa điểm lân cận ngày một tương đồng với nhau. Đặc điểm của thời tiết khi lặng gió hoặc tốc độ gió thấp cũng ảnh hưởng đến nồng độ bụi PM2.5 và tình trạng ô nhiễm không khí nặng. Nó cho thấy mức độ đóng góp đáng kể của nguồn tại chỗ lên bụi PM2.5 trong mùa đông. Với hạt bụi PM0.1, các nguồn tại chỗ đóng góp vào việc hình thành còn lớn gấp đôi. 

Mặt khác, tốc độ gió ảnh hưởng lên bụi PM2.5 và các nồng độ sol khí vô cơ thứ cấp của nó nhưng không ảnh hưởng đến bụi PM0.1 và các nồng độ sol khí vô cơ thứ cấp của nó. Độ ẩm, áp suất, nhiệt độ và bức xạ Mặt trời đều ảnh hưởng lớn đến nồng độ sol khí vô cơ thứ cấp của bụi PM0.1 nhưng không ảnh hưởng đến nồng độ sol khí vô cơ thứ cấp của bụi PM2.5.

Những thông tin về thành phần hóa học của hạt bụi ở các kích thước khác nhau như trong nghiên cứu này rọi cái nhìn sâu hơn về sự hình thành của hạt bụi, qua đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và có thể hỗ trợ các nhà quản lý thông tin để giám sát và tăng cường chất lượng không khí. 

Kết quả được trình bày trong bài báo “Influence of Secondary Inorganic Aerosol on the Concentrations of PM2.5 and PM0.1 during Air Pollution Episodes in Hanoi, Vietnam”, xuất bản trên Aerosol and Air Quality Research. Đây là một kết quả từ của đề tài NAFOSTED “Nghiên cứu đặc trưng bụi PM2.5, bụi nano và mức đóng góp của phần bụi thứ cấp lên bụi PM2.5 vào các đợt ô nhiễm bụi tại Hà Nội” do TS. Lý Bích Thủy (ĐH Bách khoa HN) làm chủ nhiệm

Bài đăng Tia Sáng số 12/2024

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)