Sóng nhiệt và mối quan hệ với các động lực khí hậu quy mô lớn
Một nhóm các nhà khoa học tại ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), Viện Địa lý, ĐH Khoa học và Công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Viện Công nghệ Karlsruhe, Đức đã đi tìm các đặc điểm của sóng nhiệt và mối quan hệ của nó với các động lực khí hậu quy mô lớn.

Sóng nhiệt là một thời kỳ có mức nhiệt độ cao bất thường, liên quan đến các điều kiện cụ thể như các chỉ số nhiệt độ kết hợp với độ ẩm vượt ngưỡng trong nhiều ngày liên tiếp. Nhiều nghiên cứu cho thấy sóng nhiệt thường có tác động một cách dữ dội lên con người và các hệ sinh thái. Tại Việt Nam, nghiên cứu về sóng nhiệt vẫn còn ít ỏi, phần lớn vẫn tập trung vào các đặc điểm sóng nhiệt hoặc đánh giá tác động xã hội của nó. Vì vậy nhóm các nhà nghiên cứu Việt Nam và Đức đã tập trung vào kiểm tra mối quan hệ giữa sóng nhiệt cũng như đặc điểm của nó trong những tháng mùa hè và một số động lực khí hậu quy mô lớn chính ảnh hưởng đến các điều kiện dẫn đến sóng nhiệt ở Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu, những ngày nắng nóng có thể xuất hiện từ tháng 3 đến tháng 9 ở một số vùng. Tuy nhiên, sóng nhiệt thường xuất hiện vào những tháng mùa hè nên tác động đáng kể lên các khía cạnh kinh tế xã hội và sức khỏe con người. Do đó, họ tập trung vào kiểm tra hiện tượng sóng nhiệt giữa tháng 4 và tháng 9 trong giai đoạn 1980 đến 2020 với dữ liệu thu thập từ 102 trạm khí tượng.
Để đánh giá sự ảnh hưởng những nhân tố liên quan đến khí hậu lên các đặc điểm sóng nhiệt, nhóm nghiên cứu phân tích mối quan hệ của chúng với 20 chỉ số khí hậu chọn lọc thể hiện các biến khí hậu trên các thang thời gian khác nhau, qua đó cho phép phân tích ảnh hưởng của các động lực quy mô lớn trong các thời kỳ có trước lên sóng nhiệt.
Kết quả, họ phát hiện ra trung bình có 1,7 đến 2,3 sự kiện sóng nhiệt và 7,8 đến 9,4 ngày có sóng nhiệt mỗi năm ở mỗi vùng khí hậu từ Bắc vào Nam. Khi so sánh chi tiết các vùng, có thể thấy ĐBSH và Bắc miền Trung có số lượng các sự kiện sóng nhiệt (HWN), số các ngày sóng nhiệt (HWL) cao nhất trong khi Tây Nguyên và Nam Bộ có hai giá trị này thấp nhất Việt Nam. Tuy nhiên, thời lượng trung bình của tất cả các đợt sóng nhiệt trong năm của Tây Nguyên và Nam Bộ lại dài hơn, trung bình 4,3 ngày.
Cường độ sóng nhiệt hằng năm (HWM) cũng biến đổi giữa các vùng, với các vùng Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có cường độ cao hơn hẳn với khoảng 1,50C/ngày, trong khi các vùng khác thì cường độ rơi vào khoảng 0,6 và 1,10C/ngày, còn khu vực thấp nhất là Nam Bộ. Sự khác biệt về cường độ sóng nhiệt hằng năm có thể là do những hiệu ứng khác nhau của các hoàn lưu khí quyển quy mô lớn và những tương tác của chúng với địa hình địa phương ở mỗi vùng. Cụ thể, vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung trung Bộ nằm ở cạnh khuất gió của dãy núi Trường Sơn nên không phải hứng chịu hiệu ứng gió Foehn có thể làm cho các mức nhiệt cao hơn trong suốt các thời kỳ diễn ra sóng nhiệt về mùa hè, dẫn đến sự xuất hiện của các cơn sóng nhiệt cực đoan. Ngược lại, khu vực Nam Bộ ở vĩ độ thấp hơn, dẫn tới việc các mức nhiệt độ ổn định hơn và ôn hòa hơn trong cả năm so với các vùng khác. Hơn nữa, vào giai đoạn các tháng từ tháng 5 đến tháng 9 trùng khớp với mùa mưa trong vùng nên có tiềm năng góp phần giảm thiểu sự dao động về nhiệt độ. Kết quả là cường độ sóng nhiệt nhỏ hơn so với vùng khác.
Thêm vào đó, ảnh hưởng có độ trễ của El Niño–ENSO là yếu tố khí hậu ảnh hưởng đến các đặc điểm sóng nhiệt ở Việt Nam. Nhìn chung, sau những năm xảy ra hiện tượng El Niño thì sóng nhiệt có xu hướng xuất hiện thường xuyên hơn so với những năm sau hiện tượng La Niña. Độ dài của sóng nhiệt hằng năm và cường độ sóng nhiệt hằng năm dưới tác động của ENSO khác nhau giữa các vùng, đặc biệt, sự ảnh hưởng của ENSO lên tần suất xuất hiện và số ngày sóng nhiệt rất đáng kể.
Các kết quả nghiên cứu được nêu chi tiết trong bài báo “Heatwaves in Vietnam: Characteristics and relationship with large-scale climate drivers”, xuất bản trên tạp chí The International Journal of Climatology. □
Bài đăng Tia Sáng số 9/2025