Sử dụng nước ngầm và nguy cơ rủi ro cho đời sống người dân ĐBSCL 

Nhà nghiên cứu Phạm Văn Tuấn (Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước ngầm miền Nam) và đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu Giáo dục về nước Delft, Hà Lan, đã cùng đánh giá tác động của sự biến thiên nguồn nước ngầm với đời sống người dân ở ĐBSCL.

Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương chở nước sinh hoạt hỗ trợ người dân tỉnh Bến Tre mùa hạn mặn. Nguồn: Vietnamnet.

Kể từ những năm 1990, nước ngầm đã là một nguồn cung cấp nước chính, duy trì sinh kế và sự phát triển kinh tế xã hội của ĐBSCL, đặc biệt kể từ khi nguồn nước mặt ngày một trở nên bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm, xâm nhập mặn, các đập thủy điện thượng nguồn và biến đổi khí hậu. Lượng nước ngầm được khai thác ngày một gia tăng, ví dụ vào năm 2015, ước tính tổng lượng nước ngầm khai thác cao gấp 25 lần so với năm 1990. Do sự bổ cập tự nhiên cũng có giới hạn nên việc sử dụng nước ngầm thiếu bền vững này làm suy giảm nước ngầm và làm tăng tình trạng lún đất, ngập lụt, xâm nhập mặn.

Các nhà khoa học đã tập trung vào Trà Vinh, một trong những địa phương hứng chịu nhiều rủi ro ngập lụt và xâm nhập mặn nhất. Chỉ có 1% diện tích là đô thị, Trà Vinh thực sự là một tỉnh nông nghiệp với 33% trồng lúa, 13% nuôi trồng thủy sản, 5% cây lưu niên. Thêm một đặc điểm nữa là diện tích sông hồ kênh rạch chiếm 17% tổng diện tích tỉnh. Để tìm hiểu vai trò của nước ngầm với sinh kế, họ đã thực hiện khảo sát các hộ dân và các bên liên quan như các nhà máy cấp nước địa phương. 

Phân tích dữ liệu khảo sát và thông tin từ nhiều nguồn khác, họ phát hiện ra sự sử dụng nước ngầm đã có thích ứng tùy thuộc vào điều kiện nước và mức độ thu nhập: 1) việc sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt của người dân có sự khác biệt giữa các khu vực và phụ thuộc vào sự phân bố của tình trạng mặn hóa nước ngầm; 2) càng gần khu vực ven biển, người dân càng phải sử dụng nước ngầm nhiều hơn, do đó phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước ngọt từ sâu trong đất liền; 3) các hộ nghèo ở ven biển sẽ chịu nhiều nguy cơ rủi ro do giới hạn nguồn nước ngầm tại chỗ khi bị nhiễm mặn, thậm chí cạn kiệt nước ngầm; 4) dùng nguồn nước mặt để bù đắp cho sự thiếu hụt nước ngầm trong nông nghiệp; và 5) bắt đầu có dấu hiệu cạn kiệt nguồn nước ngầm do khai thác quá mức để trồng trọt. 

Về tổng thể, việc sử dụng nước cho sinh hoạt và nông nghiệp đã phản chiếu sự thích ứng của người dân, được định hướng bởi cả yếu tố tự nhiên và con người. Kết quả này tác động ngược trở lại với sự bền vững của nguồn nước và sự phát triển của địa phương. Do lượng nước tự nhiên bổ cập bằng nước mưa ít nên nước ngầm có tầm quan trọng chiến lược đối với việc sử dụng nước sinh hoạt cũng như các hộ gia đình nghèo sống ở ven biển, vốn càng thêm nguy cơ bị tổn thương trước giới hạn của nước ngầm. 

Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng cần tăng cường quản lý nước để tránh gây rủi ro cho những hộ gia đình thu nhập thấp với các chiến lược như cải thiện khả năng xử lý nước mặt và nước ngầm bị xâm nhập mặn thành nước sinh hoạt, giới hạn việc sử dụng nước ngầm cho tưới tiêu nông nghiệp và thúc đẩy khai thác nước mưa bổ sung vào nguồn nước sinh hoạt hiện có để đem lại lợi ích và cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, cần có những chiến lược để tăng khả năng cung cấp nước cho vùng ven biển.

Do nông nghiệp là lĩnh vực chính trong việc sử dụng nước và phát triển kinh tế của Trà Vinh nên các nhà nghiên cứu lưu ý việc lập kế hoạch và quản lý nông nghiệp cần đi kèm với việc xem xét điều kiện nước và tác động đến việc sử dụng nước và môi trường, đặc biệt các khu vực có nhiều nước. Việc ra quyết định trong quản lý nước ngầm cần chú ý đến tính dễ bị tổn thương khác nhau trong sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt và nông nghiệp, tránh tình trạng cạn kiệt tài nguyên do khai thác quá mức và xâm nhập mặn.

Kết quả được nêu trong bài báo “Understanding groundwater use and vulnerability of rural communities in the Mekong Delta: The case of Tra Vinh province, Vietnam”, xuất bản trên tạp chí Groundwater for Sustainable Development

Bài đăng Tia Sáng số 6/2024

Tác giả

(Visited 34 times, 1 visits today)